Bức tranh dầu khí Indonesia (Kỳ 2)

13:55 | 17/06/2024

|
(PetroTimes) - Hiện sự quan tâm của Indonesia đối với các dự án LNG ngoài khơi là rất quan trọng để duy trì trữ lượng và mức sản xuất theo kế hoạch.

Tiềm năng, trữ lượng

Về trữ lượng, Indonesia có trữ lượng đáng kể từ phía tây sang phía đông, với ước tính báo cáo 2,27 triệu thùng chứa dự trữ (stock tank barrels-MMSTB). Năm 2023, MoEMR báo cáo trữ lượng dầu đã được chứng minh đạt 2,41 MMBOPD, trong khi trữ lượng khí đốt đã được chứng minh đạt 35,3 TCF. Cơ quan SKK Migas cũng báo cáo đã tăng thành công trữ lượng thêm 599,08 triệu thùng dầu tương đương (MMBOE) và tỷ lệ dự trữ bắt buộc (reserves replacement ratio-RRR) là 104,5% (11/2023) và cập nhật RRR lên 123,5% trong suốt cả năm 2023. Kết quả đạt được này bắt nguồn từ 33 kế hoạch đã được phê duyệt của dự án phát triển, với cam kết đầu tư khoảng 10,769 tỷ USD cũng như 40 đề xuất kế hoạch phát triển vào năm 2023 cho thấy tổng trữ lượng dầu khí có tiềm năng của Indonesia đã tăng lên khoảng 788,29 MMBOE.

Bức tranh dầu khí Indonesia (Kỳ 2)
Nguồn: PwC

Khi các mỏ dầu và khí đốt của Indonesia phát triển trong suốt hai thập kỷ qua mà không tìm thấy trữ lượng mới đáng kể nào thì việc quản lý sự suy giảm sản lượng tự nhiên đã đặt ra thách thức ngày càng lớn hơn. Năm 2022, việc thực hiện sang mạn dầu lifting có nghĩa là quá trình mà dầu mỏ được sản xuất từ ​​mỏ và được lưu trữ trong đơn vị sản xuất và lưu trữ nổi sẽ được chuyển sang một hoặc nhiều tàu biển, với mức là 612 MBOPD, đạt 87,1% chỉ tiêu kế hoạch, trong khi sản lượng khai thác khí đạt 6.490 MMSCFD, vượt chỉ tiêu 110%. Năm 2023, lượng sang mạn dầu đạt 606 MBOPD, thấp hơn một chút so với mục tiêu 660 MBOPD. Hơn thế nữa, hãng Pertamina cũng đã thành công trong việc tăng cường khai thác dầu thông qua Lô Rokan, đóng góp 26,8% sản lượng quốc gia và hoạt động theo mô hình PSC GR trong 20 năm, đạt được mức tiêu thụ dầu khí trên 59 Mb (2023), điều này đánh dấu mức tăng 1,7 Mb so với thành tích trước đó là 57,3 Mt (2022). Trong khi đó, sản lượng khí đốt của Indonesia đã đạt được 6.688 MMSCFD, vượt mục tiêu 6.160 MMSCFD (2023). Indonesia đứng thứ 14, ngang bằng với năm 2022 về sản lượng khí đốt toàn cầu, với tổng khối lượng 59,9 Bcm (tương đương 2,11 Tcf). Đồng thời, xét về mức tiêu thụ toàn cầu, Indonesia đứng thứ 26 với tổng khối lượng 38,78 Bcm (tương đương 1,34 Tcf). Về trữ lượng, Indonesia vẫn đứng thứ 26 trên toàn cầu (với trữ lượng đã được chứng minh là 44,2 Tcf) và thứ tư ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (sau Trung Quốc, Australia và CH Ấn Độ), theo đánh giá thống kê về năng lượng thế giới của hãng BP.

Hiện sự quan tâm của Indonesia đối với các dự án LNG ngoài khơi là rất quan trọng để duy trì trữ lượng và mức sản xuất theo kế hoạch. Indonesia đã cố gắng duy trì vị thế là nước xuất khẩu LNG lớn thứ sáu (2023), với công suất 23,3 MMTPA, đứng sau Hoa Kỳ, Australia, Qatar, CHLB Nga và CHDCND Algeria. Năng lực hóa lỏng và tái hóa khí LNG của Indonesia tại các hoạt động thượng nguồn đã phục hồi dần dần vào năm 2022 và xu hướng tích cực này tiếp tục duy trì đà vào năm 2023. Các hoạt động thăm dò dầu khí cũng cho thấy một quỹ đạo đi lên, tăng từ 30 giếng lên 38 giếng (2022). Năm 2023, Indonesia đạt số lượng giếng khoan cao nhất kể từ năm 2017, tổng cộng là 38 giếng. Ngoài ra, năm 2023, có rất nhiều giếng phát triển hơn so với các giếng đã được phát triển, từ 260 giếng lên 799 giếng.

Cuộc khảo sát về phép đo trọng lực kéo căng toàn phần (full tensor gravity-FTG) đo đạo hàm của cả ba thành phần trọng lực theo cả ba hướng và cung cấp nguồn thông tin phong phú để xác định các cạnh của cấu trúc địa chất ở cả quy mô địa phương và khu vực, đã đạt được mục tiêu của năm 2023 là 129.305 km2. Khảo sát FTG được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2021, với phạm vi thực hiện là 101.920 km2. Mặc dù có nhiều giếng thăm dò hơn đã được khoan và các cuộc khảo sát FTG trên cho thấy kết quả tích cực song những hoạt động khảo sát địa chấn 3 chiều 3D vẫn có sự thụt lùi khi kết quả FTG đã giảm từ 3.790 km2 xuống chỉ còn 1.432 km2 (2023). Các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trong năm 2023 bị hạn chế bởi việc phát triển khoan giếng do ngừng hoạt động an toàn, tính sẵn có của giàn khoan, lực lượng lao động và lũ lụt tại địa điểm giếng khoan. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, Indonesia đã xây dựng mục tiêu Kế hoạch dài hạn (long-term plan-LTP) đến năm 2030 nhằm đạt được mức sản xuất 1 MMBPOD và 12 BSCFD (2030), điều này đòi hỏi phải tăng cường đầu tư và hợp tác giữa các bên liên quan. Do vậy, Cơ quan SKK Migas đã phát triển kế hoạch chiến lược Dầu khí Indonesia 4.0 (Indonesia oil & gas-IOG) nhằm nâng cao năng lực sản xuất quốc gia, tính bền vững và tính liên tục của môi trường thông qua nhiều sáng kiến ​​khác nhau. Một sáng kiến ​​đáng chú ý của IOG tập trung vào việc chuyển đổi từ tài nguyên sang sản xuất được coi là một phần của chiến lược này, việc khoan giếng thăm dò Gulamo để lấy dầu phi truyền thống (unconventional oil-NUO) đã bắt đầu tại Lô Rokan do PHR WK Rokan quản lý. Ngoài ra, MoEMR đã công bố kế hoạch cho giếng thăm dò NUO thứ hai ở Lô Rokan tại giếng Kelok đi vào vận hành ​​vào tháng 11/2023. Ước tính chỉ riêng tiềm năng của hai giếng này đã là ít nhất 80 Mb, trong khi tiềm năng dầu mỏ tại Lô Rokan là khoảng 1,26 Bb.

Một sáng kiến ​​quan trọng khác của chiến lược IOG tập trung vào việc triển khai các kỹ thuật thu hồi dầu nâng cao (enhanced oil recovery-EOR) để tăng cường sản xuất dầu. Những năm gần đây, Indonesia đã chứng kiến ​​các nghiên cứu sâu rộng được tiến hành để đảm bảo tính hiệu quả của các phương pháp kỹ thuật và công thức EOR. Hơn thế nữa, chính phủ trung ương đã đặt mục tiêu cắt giảm lượng khí thải CO₂ và gia tăng sản lượng thông qua công nghệ CCS/CCUS. Công nghệ CCUS, đặc biệt là khi kết hợp với EOR thông qua CO₂-EOR, mang lại tiềm năng lưu trữ CO₂ lâu dài. Mặc dù các mỏ dầu của Indonesia tỏ ra đầy hứa hẹn song vẫn cần có những nghiên cứu chi tiết để đánh giá tính khả thi về mặt kinh tế và xác định các nguồn CO₂. Nghiên cứu ban đầu ở dự án Nam Sumatra cho thấy các phương án bơm CO₂-EOR khả thi. Tuy nhiên, các dự án CCUS vẫn đang trong giai đoạn thí điểm do chi phí cao, khiến tiềm năng đáng kể về bơm CO₂ chưa được khai thác. Đối với methane tầng than (coal bed methane-CBM) là một dạng khí tự nhiên truyền thống được tìm thấy trong các mỏ than hoặc vỉa than và là nguồn năng lượng sạch chính của khí đốt tự nhiên, hiện Indonesia đang nắm giữ 6% trữ lượng CBM toàn cầu (ước tính khoảng 453 Tcf), vượt trữ lượng khí đốt tự nhiên. Việc thương mại hóa CBM là một thách thức và chưa có khối lượng CBM nào được đưa vào sản xuất.

Năm 2023, mặc dù chính phủ trung ương đã chấm dứt 50 lô hợp tác theo hợp đồng dầu khí, trong đó có 11 lô phi truyền thống như khí đá phiến Shale Gas hay methane tầng than CBM, doanh nghiệp của NuEnergy Gas Limited, Dart Energy (Tanjung Enim) Pte. Ltd, đã nhận được giấy phép môi trường cho kế hoạch phát triển dự ánTanjung Enim (9- 10/2023). Điều này có thể dẫn đến việc phát triển mỏ CBM đầu tiên của đất nước. Ngày 10/2/2023, NuEnergy đã ký thỏa thuận chính với Laras Energy, sau đó được gia hạn (10/8/2023), nêu rõ cam kết cung cấp và bán hàng của NuEnergy và cam kết mua hàng của Laras Energy đối với CBM được sản xuất từ ​​Kế hoạch phát triển POD 1 của dự án Tanjung Enim.

Lĩnh vực hạ nguồn

Indonesia một lần nữa ghi nhận nhu cầu dầu thô đáng kể, điều này được thể hiện rõ qua việc nhập khẩu dầu thô và khí đốt tự nhiên đạt 15.263,4 Mt (2022) và tăng lên 52.144,1 Mt (2023). Mặc dù vậy, Ngân hàng Indonesia (BI) báo cáo cán cân thương mại dầu khí đã giảm xuống còn 1,89 tỷ USD (5.011,4 Tt) (12/2023), phù hợp với việc nhập khẩu dầu khí giảm trong khi xuất khẩu tăng. Indonesia cũng đang tích cực nỗ lực tối ưu hóa việc sử dụng nguồn khí đốt tự nhiên trong nước với tỷ lệ sử dụng khí đốt trong nước tăng nhẹ lên 3.745 tỷ BBTUD (2023) so với mức 3.683 BBTUD (2022). Đáng chú ý, lĩnh vực công nghiệp vẫn là lĩnh vực tiêu thụ khí đốt chính, chiếm một phần đáng kể trong nhu cầu ở mức 1.515,8 BBTUD.

Trong khi Indonesia được coi là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư hạ nguồn, tập đoàn dầu khí quốc gia Pertamina lại nắm giữ một vị trí quan trọng trong lĩnh vực lọc dầu, vận hành 6 trong số 7 nhà máy lọc dầu của quốc gia, trong khi nhà máy lọc dầu thứ bảy thuộc sở hữu của Cơ quan Nghiên cứu & Phát triển (R&D) của Bộ Năng lượng và tài nguyên khoáng sản (MoEMR). Tổng hợp lại, các nhà máy hóa lọc dầu này có công suất lắp đặt là 1,031 MMBOPD (2021). Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dầu tăng vào năm 2022, tập đoàn Pertamina đã tăng công suất nhà máy lọc dầu hiện có lên 1,058 MMBOPD cũng như đặt mục tiêu tăng công suất lọc dầu từ 1,15 MMBOPD lên 2,0 MMBOPD. Hiện kế hoạch mở rộng này được hỗ trợ thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển nhà máy lọc dầu (RDMP), trong đó tập trung vào nâng cấp và mở rộng công suất hiện có và nhà máy lọc dầu Grass Root Refineries (GRR). RDMP của tập đoàn Pertamina bao gồm Cilacap, Dumai, Balongan, Balikpapan và GRR sẽ được đặt tại Tuban và Bontang. Tập đoàn Pertamina cũng có cổ phần đa số trong nhà máy lọc dầu Tuban PT Trans-Pacific Petrochemical Indotama. Chính phủ trung ương đặt mục tiêu giảm trợ cấp xăng dầu bằng cách hạn chế phân phối ở một số khu vực nhất định và thúc đẩy các loại nhiên liệu không được trợ cấp như Pertalite (RON 90), Pertamax (RON 98) và Pertamina Dex (dầu diesel). Đồng thời cũng cho phép các tập đoàn đa quốc gia khổng lồ như Shell, ExxonMobil, Total và BP đầu tư vào thị trường phân phối nhiên liệu không trợ cấp. Trong lĩnh vực nhiên liệu công nghiệp, Pertamina tiếp tục là công ty lớn, tuy nhiên các đối thủ trong và ngoài nước đã có những bước tiến đáng kể trong việc mở rộng thị phần thông qua nhập khẩu nhiên liệu. Kết hợp với nền kinh tế đang phát triển của Indonesia, nhu cầu về nhiên liệu luôn vượt xa công suất lọc dầu và sản xuất dầu thô/khí tự nhiên của quốc gia này.

Đóng góp của dầu khí cho nền kinh tế

Sự phụ thuộc nặng nề của Indonesia vào nhiên liệu và dầu thô nhập khẩu đã gây ra rủi ro cho an ninh năng lượng do giá cả toàn cầu biến động. Năm 2022, giá nhiên liệu hóa thạch tăng dẫn đến trợ cấp năng lượng cao hơn đáng kể so với ngân sách nhà nước. Trợ cấp năng lượng đã chứng kiến ​​​​sự gia tăng đáng kể từ 152,5 nghìn tỷ IDR lên 502,3 nghìn tỷ IDR, đạt đỉnh điểm là 551,2 nghìn tỷ IDR (2022). Tháng 8/2022, Bộ Tài chính thông báo gần như toàn bộ khoản trợ cấp xăng dầu được phân bổ đã được sử dụng, làm dấy lên mối quan ngại về khả năng tăng giá nhiên liệu. Để đối phó với chi phí trợ cấp năng lượng ngày càng leo thang, tổng thống quốc đảo này đã thực hiện việc tăng giá nhiên liệu trung bình 30% (9/2022) song xu hướng trợ cấp năng lượng đã đảo ngược vào năm 2023 khi MoEMR báo cáo mức thực hiện trợ cấp năng lượng của Indonesia đạt 159,6 nghìn tỷ IDR (2023), vượt qua mục tiêu đặt ra là 145,3 nghìn tỷ IDR song lại thấp hơn nhiều so với mức năm 2022.

Trợ cấp năng lượng hiện bao gồm nhiều thành phần khác nhau ví dụ như dầu nhiên liệu (BBM) cho động cơ diesel và dầu hỏa, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) và điện. Mục tiêu năm 2024 về trợ cấp năng lượng được Indonesia đặt ở mức 186,9 nghìn tỷ IDR, với trợ cấp BBM và LPG (113,3 nghìn tỷ IDR) và ​​trợ cấp điện (73,6 nghìn tỷ IDR). Bộ Tài chính cũng báo cáo việc giảm trợ cấp nhiên liệu và 3 kg LPG, lên tới 95,6 nghìn tỷ IDR, đánh dấu mức giảm 17,3%. Sự suy giảm trợ cấp năng lượng, đặc biệt đối với nhiên liệu và LPG, là do nhiều chính sách khác nhau, đáng chú ý, việc chuyển đổi mục tiêu phân phối LPG được bắt đầu vào ngày 1/3/2023 đã đóng một vai trò quan trọng. Hơn thế nữa, các biện pháp như đăng ký khách hàng thông qua MyPertamina và hạn chế mua nhiên liệu được trợ cấp cũng góp phần vào sự sụt giảm.

Khi Indonesia tìm cách đa dạng hóa khỏi nhiên liệu hóa thạch, dự báo ​​nhu cầu nhiên liệu về lâu dài sẽ chậm lại. Nhu cầu về nhiên liệu vận tải cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng chậm hơn do chính phủ trung ương liên tục nỗ lực cắt giảm trợ cấp nhiên liệu. Tổ chức Fitch dự báo mức tiêu thụ nhiên liệu của Indonesia sẽ tăng 1,4% mỗi năm từ năm 2023 đến năm 2032, với tổng khối lượng duy trì ở mức dưới hoặc khoảng 2,1 MMBOPD (2032). Mục tiêu loại bỏ carbon để chuyển đổi nhiên liệu trong lĩnh vực vận tải đường bộ là đầy tham vọng và sẽ giúp giảm đáng kể mức tiêu thụ nhiên liệu. Mục tiêu quốc gia là đạt được mức trung hòa carbon (2060), đòi hỏi phải áp dụng các biện pháp cắt giảm phát thải CO₂ ở hầu hết các lĩnh vực sử dụng nhiều nhiên liệu.

Sự tăng trưởng nhanh chóng trên toàn cầu về xe điện (EV) đang gây ra sự gián đoạn tiềm tàng cho thị trường dầu mỏ truyền thống, khi ngày càng nhiều quốc gia và người tiêu dùng sử dụng xe điện EV và chuyển từ dầu sang điện làm nguồn năng lượng chính. Trong khi thị trường xe điện EV dự báo ​​sẽ mở rộng ở Indonesia do nhận thức của người tiêu dùng ngày càng tăng cũng như các ưu đãi của chính phủ trung ương. Do kế hoạch của chính phủ trung ương để biến Indonesia trở thành trung tâm pin và xe điện EV cho khu vực do Indonesia có trữ lượng đáng kể các khoáng sản quan trọng cần thiết cho pin, như niken, coban, đồng và các loại khác song việc ứng dụng xe điện EV ở Indonesia hiện đang tụt hậu so với thị trường EV toàn cầu. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo lĩnh vực năng lượng và các nhà hoạch định chính sách đang chuẩn bị cho một tương lai nơi xe điện EV có thể có sự hiện diện đáng kể trên thị trường, thúc đẩy sự thay đổi theo hướng bền vững và tiến bộ công nghệ đổi mới sáng tạo.

Năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước phi quan thuế của chính phủ Indonesia (PNBP- Penerimaan Negara Bukan Pajak) từ lĩnh vực dầu khí đã tăng trở lại lên 95 nghìn tỷ IDR, vượt mục tiêu tới 26,67%, phần lớn là do giá dầu cao và các yếu tố địa chính trị toàn cầu thúc đẩy. Năm 2022, sau khi giá dầu và khí đốt ổn định hơn, doanh thu từ dầu khí đạt mức 148,7 nghìn tỷ IDR từ mục tiêu 139 nghìn tỷ IDR. Năm 2023, việc hiện thực hóa tổng thu ngân sách nhà nước phi quan thuế trong lĩnh vực phụ trợ dịch vụ dầu khí đạt 117 nghìn tỷ IDR, cho thấy mức giảm so với năm 2022 song vẫn bằng 113% mục tiêu đặt ra là 103,6 nghìn tỷ IDR. Doanh thu xuất khẩu từ dầu khí tăng lên 4,35% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (2021) song giảm xuống 3,75% vào năm 2022 và 2023, đánh dấu mức thấp nhất trong thập kỷ qua. Mặt khác, đóng góp của lĩnh vực dầu khí vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm từ 3,46% (2021) xuống chỉ còn 3% (2022) và 2,49% (2023).

Đầu tư vào lĩnh vực dầu khí thượng nguồn của Indonesia cho thấy có sự cải thiện rõ rệt. Năm 2023, đầu tư vào thượng nguồn đã tăng 12% so với năm 2022, đạt 13,7 tỷ USD. Hoạt động dầu khí ở Indonesia cũng đóng góp đáng kể vào thị trường công ăn việc làm. Theo Cơ quan SKK Migas, số lượng nhân công lao động Indonesia (TKI) làm việc trong các hoạt động dầu khí thượng nguồn là 18.924 người, trong đó có 145 nhân viên nước ngoài (2022). Việc sử dụng lực lượng lao động của Indonesia đã giảm từ năm 2015 đến năm 2021 do các yếu tố như giá dầu giảm và tác động của đại dịch COVID-19. Sự suy giảm này còn do các chương trình nâng cao hiệu quả của nhà thầu PSC và việc hoàn thành nhiều dự án dầu khí, do đó, việc tuyển dụng các vị trí còn trống nhìn chung bị trì hoãn, khiến các nhà thầu phải tập trung vào việc tăng cường phát triển người lao động bản địa thông qua các phương pháp hiệu quả hơn như đào tạo nội bộ và các module trực tuyến.

Bức tranh dầu khí Indonesia (Kỳ 1)

Bức tranh dầu khí Indonesia (Kỳ 1)

Trong số 128 lưu vực dầu khí trên khắp Indonesia, 20 lưu vực đã bước vào giai đoạn khai thác, 8 lưu vực đã được khoan song chưa đưa vào khai thác, 19 lưu vực có chứa hydrocarbon và 13 lưu vực là lỗ khoan khô, trong khi còn 68 lưu vực chưa được thăm dò.

Tuấn Hùng

PwC