Bốn xu hướng định hình ngành năng lượng năm 2021

10:52 | 28/12/2021

|
(PetroTimes) - Ngành năng lượng toàn cầu năm 2021 chứng kiến những sự kiện “nóng”, từ khủng khoảng giá khí đốt thiên nhiên, các cuộc tấn công mạng vào hệ thống đường ống dẫn dầu tại Mỹ đến việc giải phóng kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ và những thương vụ sáp nhập trong ngành dầu khí. Các chuyên gia của Financial Times đã tổng kết 4 xu hướng chính trong năm 2021 như sau:
Bốn xu hướng định hình ngành năng lượng năm 2021

Cuộc khủng hoảng giá năng lượng và sự bất đồng về nhận thức

Sự ra mắt của vaccine ngừa Covid-19 vào tháng 12/2020 đã chấm dứt tình trạng ảm đạm trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Tin tức này đã tác động tích cực đến nhu cầu tiêu thụ, thiết lập một đợt phục hồi mạnh mẽ đối với giá dầu. Giá dầu thô đã tăng hơn 50% trong năm nay. Ngoài yếu tố vacxin, cũng phải kể đến sự tuân thủ kỷ luật về hạn ngạch của các thành viên liên minh OPEC+ và sự hạn chế hoạt động khoan đá phiến tại Mỹ đã hỗ trợ tích cực cho giá dầu thời gian qua. Thêm vào đó, cuộc tấn công mạng vào hệ thống đường ống Colonial Pipeline tại Mỹ đã làm dấy lên một số lo ngại về tình trạng thiếu hụt xăng ở vùng Đông Bắc Mỹ, đẩy giá nhiên liệu tăng cao. Hiện tại, ngay cả khi các đợt bùng phát Covid-19 mới xảy ra, bao gồm cả sự xuất hiện của biến thể Omicron đe dọa sự phục hồi nhu cầu, tâm lý trên thị trường vẫn rất lạc quan.

Nhìn sang lĩnh vực khí đốt có thể thấy, giá bán buôn khí đốt và điện trong năm qua đã tăng lên mức kỷ lục do những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung ở châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương. Tại Anh, hơn 20 nhà cung cấp năng lượng đã phá sản. Tại Trung Quốc, tình trạng mất điện kéo dài đã kéo theo cuộc tranh giành nhiều nguồn cung năng lượng quốc tế. Các chính phủ châu Âu vốn quá tập trung vào những mục tiêu khí hậu, đã phải ban hành các khoản trợ cấp cho việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Tại Đức, chính quyền nước này vẫn “mắc kẹt” với kế hoạch đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân. Bên cạnh đó, sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Gazprom bắt đầu bộc lộ sự bấp bênh khi căng thẳng địa chính trị đang châm ngòi cho việc tăng cường các biện pháp trừng phạt mới đối với ngành năng lượng Nga. Phía Nga tiếp cận vấn đề với thái độ cứng rắn vì đang sở hữu nguồn cung khí đốt cạnh tranh, đủ khả năng để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng tại châu Âu hiện nay.

Mối quan tâm của các chính phủ trong việc giữ giá khí đốt thiên nhiên, dầu thô, xăng dầu ở mức thấp bộc lộ những bất đồng về mặt nhận thức. Ví dụ tại Mỹ, chính quyền của Tổng thống Biden đã bắt đầu năm đầu tiên của nhiệm kỳ bằng những hứa hẹn cải cách năng lượng sâu rộng; áp thuế mới đối với hoạt động dầu khí gây ô nhiễm và thậm chí để ngỏ khả năng tính thuế carbon. Kết thúc năm 2021, Chính phủ Mỹ tuyên bố giải phóng kho dự trữ dầu chiến lược cùng thỏa thuận ngoại giao với KSA để đảm bảo OPEC tiếp tục bơm thêm dầu vào thị trường.

Năm của những nhà hoạt động vì khí hậu

Chiến thắng của công ty đầu tư Engine No1 trong “trận chiến” cổ đông vì khí hậu với ban lãnh đạo ExxonMobil được coi là một trong những sự kiện gây sốc nhất trong lịch sử của tập đoàn dầu khí Mỹ. Quỹ đầu cơ nhỏ này chỉ sở hữu 0,02% cổ phiếu của ExxonMobil, đã giành được ba ghế trong hội đồng quản trị của ExxonMobil. Chiến thắng của Engine No1 trước ban lãnh đạo của ExxonMobil diễn ra cùng ngày với sự kiện tập đoàn dầu khí Chevron thông qua nghị quyết liên quan đến khí hậu tại cuộc họp thường niên và sự kiện một tòa án ở Hà Lan ra phán quyết yêu cầu tập đoàn dầu khí Royal Dutch Shell phải giảm lượng khí thải nhanh hơn kế hoạch của hãng.

Chiến thắng của Engine No1 đã thiết lập một khuôn mẫu mới của nhà hoạt động vì khí hậu. Đó là các nhà đầu tư, nắm cổ phần của các tập đoàn, công ty dầu khí sẵn sàng “chiến đấu” với ban lãnh đạo công ty. Sau cuộc đọ sức giữa Engine No1 và ExxonMobil, đội ngũ quản lý của các công ty dầu khí sẽ phải chú ý hơn đến những lo ngại về khí hậu từ phía những cổ đông. Hiện các nhà hoạt động vì khí hậu đang tích cực vận động tại Shell, hãng thương mại hàng hóa Glencore và tập đoàn năng lượng Scotland SSE. Lãnh đạo của Engine No1 Charlie Penner cho biết, quỹ vẫn đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của ExxonMobil và sẽ tiếp tục vận động các mục tiêu khác vì khí hậu trong năm 2022. Câu hỏi đặt ra lúc này là những đột phá của các nhà hoạt động môi trường có thể duy trì trong năm tới hay không, nhất là trong bối cảnh giá dầu cao, lợi nhuận tăng vọt kéo theo chi trả cổ tức cho cổ đông gia tăng.

Chương trình nghị sự “xanh” toàn cầu trở thành tâm điểm chú ý

Có thể nói rằng, chủ đề khí hậu chiếm trọn vị trí trung tâm trong năm 2021. Từ các phòng họp đến những hội nghị thượng đỉnh, mục tiêu chống lại sự nóng lên toàn cầu chưa bao giờ nổi bật đến vậy. Báo cáo gần đây của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) càng làm tăng thêm tính cấp thiết cho cuộc tranh luận về cách hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch và bảo vệ khí hậu. Cơ quan này cho rằng, thế giới sẽ đạt được các mục tiêu về khí hậu nếu tất cả các dự án dầu khí mới bị hủy bỏ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, những hành động triển khai các cam kết và tuyên bố khí hậu trong năm 2021 còn rất hạn chế. Ví dụ tại COP26, mặc dù các cuộc đàm phán đã mang lại một số tiến bộ về tài chính khí hậu, lâm nghiệp và chống rò rỉ khí metan, nhưng nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã bày tỏ sự thất vọng đối với một sự kiện được coi là cơ hội cuối cùng để kiềm chế sự nóng lên toàn cầu. Năm 2021 vốn được định vị là năm đánh dấu việc thế giới sẽ đồng thuận loại bỏ nhiên liệu than đá. Nhưng thay vào đó, các nhà lãnh đạo chỉ quyết định giảm dần nhiên liệu này trong nhiều thập kỷ.

Tại Mỹ, chính quyền của Tổng thống Biden đã đưa nước này tái gia nhập Thỏa thuận Paris 2015. Tổng thống Biden coi khí hậu là ưu tiên của Chính phủ, đồng thời ban hành các quy định thắt chặt lượng khí thải từ phương tiện vận tải cũng như chống rò rỉ khí thải metan từ các hoạt động khai thác dầu khí. Tuy nhiên, những thay đổi luật pháp sâu rộng cần thiết để đạt các mục tiêu về phát thải như sản xuất điện không phát thải carbon vào năm 2035, trung hòa carbon trong nền kinh tế vào năm 2050 đã không trở thành hiện thực. Dự luật “The Build Back Better” dự kiến phân bổ lớn nguồn lực vào NLTT trên quy mô lớn, đã không được Quốc hội Mỹ thông qua.

Khép lại năm 2021 với kết quả khiêm tốn ở khía cạnh chính sách, nhưng lĩnh vực năng lượng sạch tại Mỹ cũng đạt được những thành tựu đáng kể. Các nguồn năng lượng sạch dường như chiếm hầu hết động lực tăng trưởng sản xuất điện tại Mỹ trong năm 2021. Các thị trường vốn tiếp tục bơm tiền vào những công nghệ năng lượng mới. Bên cạnh đó, thị trường cũng ghi nhận chi phí vốn cho các dự án nhiên liệu hóa thạch đang tăng lên. Thị trường Mỹ cũng xuất hiện một số lo ngại về “bong bóng tài chính” cho lĩnh vực năng lượng sạch.

Sự trở lại của những nguồn năng lượng cũ

Trong khi NLTT bắt đầu năm 2021 với vai trò động lực tăng trưởng của ngành năng lượng thì công nghiệp dầu mỏ đã trở lại khá ngoạn mục sau cuộc khủng hoảng giá dầu trong năm 2020. Cổ phiếu dầu khí tại Mỹ tăng trưởng nhanh hơn so với cổ phiếu năng lượng sạch, NLTT.

Các công ty dầu khí đá phiến dường như đã tìm thấy “đức tin mới” cho mình với thông điệp về kỷ luật vốn, hạn chế tăng sản lượng và tập trung vào trả nợ và cổ tức cho cổ đông. Ngành dầu khí đá phiến vốn được biến đến với chiến lược tăng sản lượng bằng mọi giá đã bắt đầu xem xét lại việc sản xuất, kinh doanh nghiêm túc hơn. Việc mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực đá phiến Mỹ cũng trở nên sôi động hơn. Giá dầu tăng cao đã mang về lợi nhuận khổng lồ cho các nhà sản xuất dầu mỏ. Tuy nhiên, ngay cả khi giá dầu tăng, các công ty đại chúng lớn vẫn giữ lập trường tập trung vào lợi nhuận và chống lại sự cám dỗ quay trở lại tư duy tăng trưởng sản lượng bằng mọi giá.

Một nguồn năng lượng khác có sự trở lại ấn tượng là năng lượng hạt nhân. Năng lượng này đã được hỗ trợ như một nguồn năng lượng cơ bản không phát thải carbon. Tại Mỹ, nhiều khoản đầu tư đã được dành cho hiện đại hóa các lò phản ứng hạt nhân cũ, lạc hậu. Bên cạnh đó, các lò phản ứng hạt nhân quy mô nhỏ (lò phản ứng module) đang ngày càng được quảng là một trong những công nghệ mới mang tính chìa khóa trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cùng với công nghệ hydro và CCS. Tuy nhiên, vẫn còn sớm để đánh giá triển vọng thương mại của các công nghệ hạt nhân mới vì giá thành cao và chưa có công nghệ nào được chứng minh hiệu quả về mặt thương mại.

Tiến Thắng