Châu Âu

Báo động đỏ nguồn cung khí đốt

10:18 | 08/08/2022

|
(PetroTimes) - Nga tiếp tục giảm nguồn cung cấp khí đốt sang châu Âu trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bên liên quan đến vấn đề Ukraine. Mùa đông, thời điểm châu Âu cần nhiều khí đốt để sưởi ấm, đang đến gần.
Báo động đỏ nguồn cung khí đốt
Gazprom thông báo tiếp tục giảm lượng cung cấp khí đốt sang châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1

Hôm 25-7-2022, Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga thông báo giảm lượng cung cấp khí đốt sang châu Âu. Gazprom giải thích, đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 đi từ Nga sang Đức băng qua biển Baltic chuyển được 167 triệu m3 mỗi ngày. Nhưng trên Telegram, Gazprom ghi rằng “vào lúc 7 giờ ngày 27-7, năng suất của trạm nén khí Portovaia sẽ giảm xuống còn ở mức 33 triệu m3”, tức chỉ khoảng 20% khả năng của đường ống, thay vì 40% như hiện nay.

Xin nhắc lại, trong tháng 6-2022, Nga đã 2 lần cắt giảm lượng khí đốt cung cấp cho Liên minh châu Âu (EU). Theo Gazprom, Nord Stream 1 không thể vận hành bình thường do một turbine được gửi đến sửa chữa ở Canada vẫn chưa được chuyển lại cho Nga, do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, hãng năng lượng Siemens Energy của Đức, đảm trách bảo trì turbine, đã phản đối lập luận của Gazprom và cho rằng đây chỉ là cái cớ và là một quyết định chính trị nhằm gây áp lực với phương Tây. Siemens Energy khẳng định, không có một lý do kỹ thuật nào để giảm lượng cung khí đốt. Siemens Energy cho biết đã nhận được turbine từ phía Canada và đã hoàn tất mọi thủ tục cần thiết để đưa turbine này sang Nga. Cũng theo Siemens Energy, “phần thủ tục còn thiếu chính là các giấy tờ hải quan để nhập khẩp mà Gazprom, với tư cách là khách hàng, có trách nhiệm phải cung cấp”.

Ngày 19-7-2022, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã “báo động đỏ” với EU về khả năng không có khí đốt của Nga. Giám đốc IEA, Fatih Birol, nhấn mạnh: “Chúng ta không nên chỉ dựa vào các nguồn khí đốt ngoài Nga, đơn giản là những nguồn này sẽ không đủ về khối lượng để thay thế các lô hàng từ Nga. Ngay cả khi nguồn cung từ Na Uy và Azerbaijan đang chảy sang châu Âu với công suất tối đa, ngay cả khi việc giao hàng từ Bắc Phi đang đạt mức của năm 2021 và ngay cả khi tốc độ tăng trưởng của các dòng LNG duy trì tốc độ của 6 tháng đầu năm nay thì EU vẫn không đủ để tồn tại trong mùa đông mà không có khí đốt của Nga”.

Báo động đỏ nguồn cung khí đốt
EU thông qua các biện pháp tiết kiệm 15% nhu cầu khí đốt để đáp lại việc Nga giảm nguồn cung khí đốt

Nga đã bắt đầu khóa vòi khí đốt sang châu Âu và châu Âu lo ngại việc giao hàng từ Nga sẽ bị gián đoạn hoàn toàn do Nga phản ứng với các lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo ông Fatih Birol, đây là “báo động đỏ” đối với EU. Ông Fatih Birol lưu ý rằng, những “tiến bộ” nhằm giải phóng khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga là chưa đủ để ngăn châu Âu rơi vào tình trạng vô cùng bấp bênh.

Theo phân tích của IEA, châu Âu phải dự trữ 12 tỉ m3 khí đốt bổ sung trong vòng 3 tháng tới (tương đương 130 tàu LNG) mới lấp đầy 90% lượng dự trữ. Đối mặt với điều này, IEA khuyến nghị châu Âu thực thi các biện pháp như đấu giá hệ thống bán khí đốt cho các nhà công nghiệp, tạm thời ưu tiên các nguồn điện khác, bao gồm than hoặc dầu, hoặc thậm chí giảm mức tiêu thụ khí đốt và điện vào giờ cao điểm... Ông Fatih Birol cho biết thêm, nhu cầu điện có thể được giảm bớt bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn trong sử dụng máy điều hòa không khí, chẳng hạn như các tòa nhà công cộng, kêu gọi người dân tham gia các chiến dịch tiết kiệm năng lượng.

Trước nguy cơ khủng hoảng, các nước thành viên EU ngày 27-7-2022 đã thông qua kế hoạch giảm 15% nhu cầu khí đốt kể từ tháng 8-2022, tùy theo tình hình của mỗi nước, để có thể trải qua mùa đông đến hết tháng 3-2023. Nga chiếm khoảng 40% lượng khí đốt nhập khẩu của EU cho đến năm 2021. Kế hoạch của EU nhằm mục đích nỗ lực giúp Đức trong trường hợp khẩn cấp, vì Đức phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga. Một cú sốc lớn đối với nền kinh tế hàng đầu của châu Âu chắc chắn sẽ gây ra hậu quả đối với tất cả 27 nước thành viên EU. Do đó, “sự đoàn kết của châu Âu là hoàn toàn cần thiết” - Bộ trưởng Chuyển đổi năng lượng Pháp Agnès Pannier-Runacher nói - “Các chuỗi sản xuất công nghiệp của châu Âu hoàn toàn phụ thuộc lẫn nhau. Nếu ngành hóa chất ở Đức ho thì toàn bộ ngành công nghiệp châu Âu có thể nhập viện”.

“Việc cắt giảm nguồn cung khí đốt mới đây của Nga là bằng chứng bổ sung cho thấy châu Âu phải giảm sự phụ thuộc càng sớm càng tốt vào Nga”, ông Jozef Sikela, Bộ trưởng phụ trách Năng lượng Séc, nhấn mạnh. Séc đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU. Ông Jozef Sikela nói: “Sự đoàn kết và thống nhất là vũ khí tốt nhất mà chúng ta có để chống lại Nga”.

“Đó không chỉ là vấn đề của Đức, mà là vấn đề của Trung và Đông Âu vốn đã mù quáng phụ thuộc vào khí đốt giá rẻ của Nga quá lâu. Bây giờ chúng ta phải cùng nhau giải quyết vấn đề này”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói. Ông giải thích: Đức đã mắc sai lầm chiến lược trong quá khứ khi nuôi dưỡng sự phụ thuộc này vào Moscow và Chính phủ Đức đang nỗ lực để loại bỏ nó.

Việc Thủ tướng Italia Mario Draghi từ chức ngày 21-7-2022 và Quốc hội Italia bị giải tán để được bầu lại vào tháng 9 tới đây báo hiệu tình hình chính trị rất bấp bênh tại Italia, đồng thời có nguy cơ kéo EU bị rơi vào bất ổn và chia rẽ trong bối cảnh rất cần đến sự đoàn kết để đối phó với Nga. Ông Draghi từ chức do kinh tế Italia phải gánh chịu các tác hại từ cuộc chiến tranh Ukraine như tình trạng lạm phát phi mã, khủng hoảng năng lượng và nguy cơ suy thoái kinh tế. Italia đang “oằn mình” dưới một món nợ khổng lồ không dưới 150% GDP.

Theo phân tích của IEA, châu Âu phải dự trữ 12 tỉ m3 khí đốt bổ sung trong vòng 3 tháng tới (tương đương 130 tàu LNG) mới lấp đầy 90% lượng dự trữ.

S.Phương