Bản tin thị trường năng lượng xanh: CO2 lên mức kỷ lục, các quốc gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo

14:00 | 22/07/2021

|
(PetroTimes) - Chính phủ các nước đã lên kế hoạch chi khoảng 380 tỷ đô la cho năng lượng tái tạo vào năm 2021 (2% tổng số quỹ phục hồi sau đại dịch).
Bản tin thị trường năng lượng xanh: CO2 lên mức kỷ lục, các quốc gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo

1. IEA cho biết, phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch sẽ đẩy lượng khí thải CO2 lên mức kỷ lục vào năm 2023. Chính phủ các nước đã lên kế hoạch chi khoảng 380 tỷ đô la cho năng lượng tái tạo vào năm 2021 (2% tổng số quỹ phục hồi sau đại dịch). IEA dự đoán rằng số lượng này chỉ bằng khoảng một phần ba những gì cần thiết để đạt được không phát thải vào năm 2050.

2. Công ty tư vấn Wood Mackenzie dự báo công suất lắp đặt điện mặt trời khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng gấp 3 lên 1.500 GW vào năm 2030, trong đó, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu với 619 GW lắp mới, góp phần đóng góp hơn 60% công suất điện mặt trời khu vực, tiếp đến là Ấn Độ - 138 GW, Nhật Bản – 63 GW, Hàn Quốc - 58 GW. Vị trí thứ 5 được dự báo thuộc về Việt Nam - 45 GW. Như vậy, đến năm 2030, điện mặt trời sẽ chiếm khoảng 15% tổng sản lượng điện quốc gia, và theo tiêu chí này, Việt Nam chỉ đứng thứ 2 thế giới sau Úc và trước Nhật Bản.

3. Hiệp hội quang điện Tây Ban Nha (UNEF) mới đây đã công bố báo cáo thường niên năm 2020 về tình hình phát triển điện mặt trời tại nước này. Theo đó, Tây Ban Nha đã đưa vào vận hành 3,4 GW công suất điện mặt trời mới trong năm 2020, Tính đến hết năm 2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời tại Tây Ban Nha đạt 12,7 GW và chiếm tỷ trọng 6,2% trong cơ cấu sản xuất điện năng. Trong năm 2020, Tây Ban Nha đứng thứ hai tại châu Âu (sau Đức) về tốc độ tăng trưởng công suất điện mặt trời. Xét về công suất, Tây Ban Nha chưa lọt vào TOP 10 các nước dẫn đầu thế giới về phát triển điện mặt trời, tuy nhiên, lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ khi các dự án điện mặt trời quy mô lớn của TotalEnergies và BP được triển khai tại quốc gia này. Ngoài ra, với Luật khí hậu đã được thông qua gần đây, tỷ trọng các nguồn NLTT trong tiêu thụ năng lượng cuối cùng ở Tây Ban Nha có thể sẽ đạt 42% và trong sản xuất điện sẽ tăng lên 74%. Điều này đòi hỏi sự mở rộng quy mô lớn công suất điện mặt trời hiện nay lên mức 37-40 GW đến năm 2030.

4. Chính phủ Nhật Bản mới đây đã hoàn thiện đề xuất mới về cơ cấu sản xuất điện năng cho năm tài chính 2030. Theo đó, tỷ trọng các nguồn NLTT trong cơ cấu sản xuất điện năng sẽ tăng lên 36-38% (mục tiêu cũ là 22-24%); năng lượng hạt nhân sẽ chiếm tỷ trọng 20-22% và nhiệt điện giảm xuống còn 41% (mục tiêu cũ là 56%). Bên cạnh đó, đề xuất mới lần đầu tiên đề cập đến phát triển sử dụng năng lượng hydro, amoniac “xanh” và đặt mục tiêu chiếm 1% tỷ trọng trong sản xuất điện vào năm 2030. Vì vậy, tổng tỷ trọng các nguồn năng lượng phát thải carbon thấp trong sản xuất điện của Nhật Bản sẽ đạt gần 60% vào cuối thập kỷ này. Đối với lĩnh vực điện hạt nhân, Nhật Bản sẽ cần vận hành 27 tổ máy phát điện (hiện mới có 10 tổ máy đang vận hành). Ngoài ra, đề xuất mới không đề cập đến việc xây mới hay hiện đại hóa các nhà máy điện hạt nhân.

Viễn Đông