Bản tin Năng lượng xanh: Nhà phát triển điện gió ngoài khơi lớn RWE đã dừng các dự án tại Mỹ

14:00 | 28/04/2025

|
(PetroTimes) - Một trong những nhà phát triển điện gió ngoài khơi hàng đầu thế giới, công ty RWE của Đức, đã tạm ngừng các dự án tại Mỹ do những động thái gần đây chống lại ngành công nghiệp này từ chính quyền Tổng thống Donald Trump, theo lời Giám đốc điều hành của công ty Markus Krebber trong một văn bản được công bố trước thềm cuộc họp thường niên vào ngày 30/4.
Bản tin Năng lượng xanh: Nhà phát triển điện gió ngoài khơi lớn RWE đã dừng các dự án tại Mỹ

Nhà phát triển điện gió ngoài khơi lớn RWE đã dừng hoạt động tại Mỹ

Những phát biểu của ông Markus Krebber là một đòn giáng mạnh vào thị trường điện gió ngoài khơi còn non trẻ của Hoa Kỳ — lĩnh vực từng là trụ cột quan trọng trong chính sách năng lượng của cựu Tổng thống Joe Biden, nhưng hiện đang bị người kế nhiệm là ông Donald Trump cam kết chấm dứt.

RWE hiện đang nắm giữ ba giấy phép phát triển điện gió ngoài khơi tại vùng biển Mỹ, ngoài khơi các bang New York, Louisiana và California.

Những phát biểu của ông Krebber được đưa ra chỉ một tuần sau khi công ty Equinor của Na Uy thông báo sẽ dừng thi công ngoài khơi dự án Empire Wind I ngoài khơi New York, sau khi nhận được lệnh dừng thi công từ Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Doug Burgum. Cơ quan này cho biết dự án có thể đã được phê duyệt mà không trải qua một phân tích môi trường đầy đủ.

Trong văn bản trình bày tại cuộc họp cổ đông thường niên, ông Krebber cho biết công ty đã tạm thời dừng các hoạt động ngoài khơi tại Mỹ và giữ thái độ thận trọng trước những diễn biến chính trị hiện nay

Các dự án của RWE tại Mỹ bao gồm dự án Community Offshore Wind có công suất 3 gigawatt – một trong số nhiều dự án đang cạnh tranh giành hợp đồng với bang New York. Đây là liên doanh giữa RWE và công ty National Grid của Anh, trong đó RWE sở hữu 73%.

Dự án này dự kiến sẽ bắt đầu phát điện vào đầu những năm 2030 và đủ khả năng cung cấp điện cho hơn một triệu hộ gia đình. RWE đã chi 1,1 tỷ USD để mua quyền khai thác khu vực này vào năm 2022.

Bang New York đang đặt cược lớn vào nguồn điện gió ngoài khơi để đạt được các mục tiêu về khí hậu và năng lượng sạch. Các quan chức bang cũng chưa đưa ra phản hồi nào ngay lập tức.

Khoảng một nửa tổng công suất năng lượng tái tạo của RWE được lắp đặt tại Hoa Kỳ. Năm 2023, RWE là nhà thầu duy nhất tham gia đấu giá quyền phát triển điện gió ngoài khơi ở Vịnh Mexico – khu vực mà ông Trump đã đổi tên thành “Vịnh Hoa Kỳ” – và đã giành được một hợp đồng thuê ngoài khơi Louisiana với giá chỉ 5,6 triệu USD.

RWE cũng sở hữu một quyền khai thác điện gió ngoài khơi bang California (phía Bắc). Dự án này, có tên là Canopy Offshore Wind, dự kiến sẽ mất khoảng một thập kỷ mới hoàn thành.

Là nhà sản xuất điện lớn nhất nước Đức, RWE cho biết hồi tháng trước rằng họ đã cắt giảm các hoạt động điện gió ngoài khơi tại Mỹ xuống mức tối thiểu, nhưng chưa tuyên bố dừng hoàn toàn. Theo báo cáo thường niên của RWE, dự án Community Offshore Wind hiện có tài sản dài hạn với giá trị ghi sổ – sau khi trừ khấu hao – là 1,31 tỷ euro (tương đương 1,49 tỷ USD).

Mỹ chính thức áp thuế đối với hàng nhập khẩu tấm pin năng lượng mặt trời từ Đông Nam Á

Tuần qua, các quan chức thương mại Hoa Kỳ vừa chính thức áp mức thuế cao đối với phần lớn các tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Đông Nam Á.

Vụ kiện được khởi xướng từ năm ngoái, do Hanwha Qcells (Hàn Quốc), First Solar Inc có trụ sở tại Arizona, cùng với một số nhà sản xuất nhỏ khác tiến hành nhằm bảo vệ hàng tỷ đô la đầu tư vào ngành sản xuất năng lượng mặt trời tại Mỹ.

Nhóm nguyên đơn, được gọi là Ủy ban Thương mại Liên minh Sản xuất Năng lượng Mặt trời Mỹ (American Alliance for Solar Manufacturing Trade Committee), cáo buộc các nhà sản xuất tấm pin lớn của Trung Quốc, với nhà máy đặt tại Malaysia, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam, đã bán sản phẩm dưới giá thành sản xuất và nhận được các khoản trợ cấp không công bằng, khiến sản phẩm Mỹ không thể cạnh tranh.

Mức thuế công bố thay đổi đáng kể tùy theo công ty và quốc gia, nhưng nhìn chung cao hơn so với các mức thuế sơ bộ được công bố vào cuối năm ngoái. Tổng mức thuế chống bán phá giá và trợ cấp đối với sản phẩm của Jinko Solar từ Malaysia là một trong những mức thấp nhất, ở mức 41,56%. Trong khi đó, sản phẩm của Trina Solar từ Thái Lan phải chịu mức thuế lên tới 375,19%. Các sản phẩm từ Campuchia sẽ phải chịu mức thuế hơn 3.500%, do các nhà sản xuất nước này đã chọn không hợp tác với cuộc điều tra của Hoa Kỳ.

Mối đe dọa về thuế đối với các quốc gia đã từng cung cấp hơn 10 tỷ USD sản phẩm năng lượng mặt trời cho Mỹ trong năm ngoái, đã làm thay đổi sâu sắc dòng chảy thương mại năng lượng mặt trời toàn cầu. Lượng hàng nhập khẩu từ bốn quốc gia bị nhắm đến trong năm nay chỉ bằng một phần nhỏ so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lượng tấm pin từ các nước như Lào và Indonesia đang gia tăng.

Các nhà phê bình, trong đó có Hiệp hội Ngành Công nghiệp Năng lượng Mặt trời (SEIA), cho rằng các mức thuế này sẽ gây tổn hại cho các nhà sản xuất năng lượng mặt trời của Mỹ vì chúng sẽ làm tăng giá các tế bào năng lượng mặt trời nhập khẩu, nguyên liệu được lắp ráp thành tấm pin tại các nhà máy Mỹ. Những cơ sở sản xuất này đang phát triển nhanh chóng kể từ khi chính sách trợ cấp cho ngành năng lượng sạch được thông qua vào năm 2022.

Để các mức thuế này chính thức có hiệu lực, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) phải tiến hành một cuộc bỏ phiếu vào tháng Sáu tới để quyết định liệu ngành công nghiệp Mỹ có thực sự bị tổn hại bởi các sản phẩm nhập khẩu bị bán phá giá và trợ giá hay không.

Meyer Burger cắt giảm giờ làm tại nhà máy sản xuất tế bào quang điện (solar cell) năng lượng mặt trời ở Đức để tiết kiệm chi phí

Nhà sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời Thụy Sĩ đang gặp khó khăn Meyer Burger Technology AG sẽ cắt giảm giờ làm tại nhà máy sản xuất tế bào quang điện cho năng lượng mặt trời ở Thalheim, Đức, trong một nỗ lực khác nhằm giảm chi phí.

Theo thông báo hôm thứ Tư (24/4), công ty cho biết động thái này được thực hiện do “tình trạng thiếu hụt nguyên liệu tạm thời trong sản xuất”, và là một phần trong kế hoạch điều chỉnh lực lượng lao động để tiết kiệm chi phí. Biện pháp làm việc ngắn giờ sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5/2025.

Sau khi Meyer Burger ngừng sản xuất mô-đun tại nhà máy Freiberg (Đức) và hủy bỏ kế hoạch xây dựng một cơ sở sản xuất solar cell quy mô lớn tại Colorado (Hoa Kỳ), nhà máy Thalheim đã trở thành nguồn cung tế bào quang điện chính cho tập đoàn Thụy Sĩ này.

Do thiếu hụt nguyên liệu, nhà máy sản xuất mô-đun của Meyer Burger tại Goodyear, Arizona (nơi sử dụng các tấm pin từ Thalheim), cũng phải điều chỉnh sản xuất. Meyer Burger, công ty mới đây cho biết sẽ ghi nhận EBITDA âm 210,4 triệu franc Thụy Sĩ (tương đương 255,4 triệu USD hoặc 224,5 triệu euro) và doanh thu giảm trong năm 2024, đang tái cấu trúc hoạt động kinh doanh nhằm sớm quay lại trạng thái có lãi./.

Thanh Bình

Reuters