Bản tin Năng lượng xanh: Chính quyền Trump dỡ bỏ lệnh cấm điện gió ngoài khơi New York

08:00 | 28/05/2025

|
(PetroTimes) - Tuần qua, Chính quyền Tổng thống Trump đã dỡ bỏ lệnh ngừng thi công kéo dài một tháng đối với Empire Wind – một dự án trang trại điện gió trị giá 5 tỷ USD ngoài khơi bang New York – sau khi đạt được một thỏa hiệp với bang này. Thỏa hiệp này có thể dẫn đến việc hồi sinh kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn khí đốt từng bị hủy bỏ tại bang New York.
Bản tin Năng lượng xanh: Chính quyền Trump dỡ bỏ lệnh cấm đối với dự án điện gió ngoài khơi New York sau thỏa hiệp về đường ống khí đốt tự nhiên

Chính quyền Trump dỡ bỏ lệnh cấm đối với dự án điện gió ngoài khơi New York sau khi đạt được thỏa hiệp về đường ống khí đốt tự nhiên tại bang

Tập đoàn Equinor của Na Uy cho biết công tác xây dựng có thể tiếp tục ở dự án này, dự kiến sẽ cung cấp điện cho nửa triệu hộ gia đình bắt đầu từ năm 2027.

Bộ trưởng Tài chính Na Uy Jens Stoltenberg – cựu Tổng Thư ký NATO, người đã thảo luận về trường hợp của Equinor với các nhà hoạch định chính sách Mỹ – cho biết thỏa thuận nhằm gỡ bỏ lệnh đình chỉ dự án điện gió là vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chức năng Mỹ. Việc đảo ngược lệnh cấm là một tín hiệu tích cực đối với các nhà đầu tư tại Mỹ, bởi lệnh đình chỉ thi công từng làm dấy lên lo ngại và sự bất ổn vì các giấy phép đã được chính quyền Mỹ cấp.

Trước đó, Equinor đã cảnh báo rằng họ có thể thiệt hại hàng tỷ đô la do lệnh đình chỉ này, gây chấn động ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi và làm dấy lên lo ngại rằng các dự án đã được phê duyệt đầy đủ với quy mô đầu tư hàng tỷ đô la vẫn không được đảm bảo an toàn.

Giám đốc điều hành Equinor Anders Opedal cho biết việc thay đổi quyết định sau khi các dữ kiện được làm rõ là một tín hiệu rất tích cực. Equinor sẽ cập nhật về những tác động tài chính do sự chậm trễ khi công bố kết quả kinh doanh quý II vào ngày 23/7.

Equinor, công ty từng cảnh báo rằng họ phải chi 50 triệu USD mỗi tuần để duy trì dự án trong thời gian bị đình chỉ, cho biết hiện họ sẽ phối hợp với các nhà cung cấp và cơ quan quản lý để giảm thiểu tác động của sự chậm trễ.

Equinor đã mua quyền khai thác khu vực Empire Wind trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump vào năm 2017, và dự án có công suất 810 megawatt này đã được phê duyệt dưới thời Tổng thống Joe Biden vào năm 2023. Theo công ty, dự án hiện đã hoàn thành khoảng 30% và sẽ sử dụng các tua-bin gió của Vestas.

Hiện Mỹ có bốn trang trại điện gió ngoài khơi đang vận hành và bốn dự án đang được xây dựng, bao gồm Empire Wind, Sunrise Wind của Orsted ngoài khơi New York, Revolution Wind ngoài khơi Rhode Island và Coastal Virginia Offshore Wind của Dominion Energy.

Nhật Bản chuẩn bị nới lỏng quy định về điện gió ngoài khơi khi các nhà đầu tư dần rút lui

Theo các nguồn tin trong ngành, Nhật Bản có nhiều khả năng sẽ đưa ra các điều khoản ưu đãi hơn cho các nhà phát triển nhằm thúc đẩy ngành điện gió ngoài khơi quy mô lớn, giữa làn sóng đình trệ các dự án toàn cầu do chi phí tăng vọt và tình trạng chậm tiến độ.

Chính phủ Nhật đã đặt mục tiêu đạt công suất 45 gigawatt điện gió ngoài khơi vào năm 2040 – một yếu tố then chốt để giảm sự phụ thuộc vào than và khí đốt nhập khẩu trong sản xuất điện, cắt giảm khí thải carbon và tăng cường an ninh năng lượng quốc gia.

Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị đình trệ sau ba vòng đấu thầu lớn nhằm phát triển công suất. Tập đoàn thương mại Mitsubishi, đơn vị thắng thầu trong vòng đấu giá đầu tiên của chính phủ vào năm 2021, hồi tháng Hai đã cảnh báo rằng chi phí leo thang buộc họ phải xem xét lại kế hoạch. Cho đến nay, Mitsubishi vẫn chưa bắt đầu xây dựng bất kỳ dự án nào.

Lời cảnh báo của Mitsubishi – cùng với khoản lỗ hơn 300 triệu USD trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi – được đưa ra sau khi công ty Orsted của Đan Mạch tuyên bố rút khỏi thị trường Nhật Bản năm ngoái trong một đợt tái cơ cấu toàn cầu.

Shell cũng đã cắt giảm đội ngũ chuyên về điện gió ngoài khơi tại Nhật Bản, khi tập đoàn này thu hẹp các hoạt động liên quan đến năng lượng carbon thấp.

Nhật Bản xem xét nới lỏng quy định điện gió ngoài khơi để vực dậy ngành năng lượng tái tạo. Trong nỗ lực vượt qua những khó khăn đang ảnh hưởng đến ngành năng lượng tái tạo toàn cầu, chính phủ Nhật Bản đang tiến hành các cuộc đàm phán với các doanh nghiệp trong ngành, những người đang kêu gọi một loạt biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro và hạ chi phí dự án.

Yuriy Humber, Giám đốc điều hành của K.K. Yuri Group, một công ty nghiên cứu và tư vấn có trụ sở tại Tokyo, cho biết đây là một ngành hoàn toàn mới ở Nhật Bản, và tất cả các bên đều đang trong quá trình học hỏi. Điều quan trọng là Chính phủ sẵn sàng lắng nghe và hợp tác với ngành công nghiệp.

Một trong những thay đổi tiềm năng là kéo dài thời gian thực hiện dự án lên 40 năm, thay vì 30 năm hiện nay, đồng thời làm rõ các quy định để cho phép tàu không treo cờ Nhật được vận hành trong khu vực trang trại điện gió ngoài khơi.

Các doanh nghiệp trong ngành cũng đang thúc đẩy cải cách hình thức đấu giá công suất – cho phép các công ty điện lực và khách hàng công nghiệp ký hợp đồng mua điện dài hạn thay vì hợp đồng theo năm. Ngoài ra, ngành điện gió ngoài khơi muốn chính phủ hỗ trợ thuế hoặc trợ cấp cho các doanh nghiệp công nghiệp lớn nếu họ ký hợp đồng mua điện gió dài hạn. Tuy nhiên, theo các nguồn tin, điều này có thể khó khả thi trong bối cảnh chính phủ đã phải chi mạnh để hỗ trợ các hộ gia đình trước áp lực giá cả tăng cao.

Chính phủ cũng đang xem xét chuyển đổi cơ chế giá điện từ mô hình "giá mua cố định" (FIT – Feed-in Tariff) sang "giá mua kèm phụ phí thị trường" (FIP – Feed-in Premium) đối với các dự án đã trúng thầu trong vòng đấu giá đầu tiên. Điều này sẽ cho phép Mitsubishi được hưởng lợi từ giá điện trên thị trường. Cơ chế FIP đã được áp dụng cho các vòng đấu giá sau đó.

Ecopetrol mua lại danh mục dự án năng lượng tái tạo của Statkraft tại Colombia

Tập đoàn dầu khí quốc doanh Colombia Ecopetrol thông báo họ đã đạt thỏa thuận mua lại 10 công ty phát triển dự án năng lượng gió và mặt trời từ Statkraft – nhà sản xuất năng lượng tái tạo hàng đầu của Na Uy.

Giám đốc điều hành Ecopetrol Ricardo Roa cho biết danh mục dự án có thể đạt tổng công suất lên tới 1,3 gigawatt, song không tiết lộ giá trị của thương vụ.

Đại diện tại địa phương của Statkraft Jose Castellanos xác nhận rằng thỏa thuận này đánh dấu việc Statkraft rút hoàn toàn khỏi thị trường Colombia.

Trong một tuyên bố riêng, Statkraft cho biết thương vụ bán tài sản tại Colombia dự kiến sẽ hoàn tất trong quý III năm 2025, tùy thuộc vào sự phê duyệt của cơ quan quản lý.

Statkraft, công ty thuộc sở hữu nhà nước Na Uy và là một trong những nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất châu Âu, cũng đang xem xét bán bớt tài sản tại Ấn Độ, Croatia và Hà Lan. Danh mục dự án của công ty tại Colombia trải rộng trên các vùng La Guajira, Sucre, Córdoba, Caldas và Magdalena. Hiện có một dự án đang vận hành; một số dự kiến đi vào hoạt động trong các năm 2026–2027, trong khi số còn lại chưa có thời gian khởi động cụ thể./.

Thanh Bình

Reuters