Bản tin năng lượng xanh: các công ty dầu khí châu Âu đi đầu chuyển đổi sang năng lượng tái tạo

14:00 | 14/12/2021

|
(PetroTimes) - Các công ty dầu khí quốc tế lớn đang tích cực tăng đầu tư vào lĩnh vực NLTT. Đến nay, khối lượng đã tăng gấp đôi so với năm 2019-2020, và theo Wood Mackenzie nhận định, tỷ lệ phân bổ đầu tư giữa E&P truyền thống với NLTT có thể đạt điểm cân bằng 50:50 vào năm 2030.
Bản tin năng lượng xanh: các công ty dầu khí châu Âu đi đầu chuyển đổi sang năng lượng tái tạo

Chuyển mình nhanh nhất là các công ty dầu khí châu Âu bao gồm Repsol, BP, Equinor, Shell. Total Energies và Eni với tỷ trọng đầu tư vào các lĩnh vực NLTT lên tới 25-35% tương đương 4 tỷ USD/năm so với 2 tỷ USD giai đoạn 2019-2020. Điện mặt trời, điện gió (trên bờ, ngoài khơi), công nghệ tích trữ điện, hydro và bán hệ thống phân phối bán lẻ năng lượng là những hướng đầu tư chính, TotalEnergies và BP đều có kế hoạch tăng gấp 10 lần công suất phát điện tái tạo vào năm 2030 lên 50 GW. Shell tập trung vào phát triển hệ thống phân phối điện và trạm sạc xe điện.

Tổng thống Mỹ J. Biden ký ban hành sắc lệnh đạt mục tiêu trung hòa phát thải đối với Chính phủ Liên bang vào năm 2050, bao gồm những bước cụ thể sau: mua điện trung tính carbon, chuyển sang sử dụng xe điện, đưa yêu cầu trung tính carbon vào quá trình mua sắm công, chuyển sang sử dụng các tòa nhà văn phòng trung tính carbon. Ngoài ra, chính quyền Tổng thống J. Biden đã ra lệnh chấm dứt ngay tài trợ cấp nhà nước (trung bình 16 tỷ USD/năm) đối với các nhà máy nhiệt điện than và các dự án hóa thạch khác ở nước ngoài. Sự thay đổi chính sách lần này có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến cả các dự án cơ sở hạ tầng nhập khẩu LNG Mỹ tại Đông Âu và Caribe. Mặc dù chính phủ Mỹ chấm dứt tài trợ, nhưng sẽ không cản trở doanh nghiệp nước này tham gia xây dựng các dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài.

Trên thế giới, các quốc gia ủng hộ năng lượng hạt nhân hòa bình có thể được chia thành 3 nhóm, bao gồm những nước từ lâu đã xây dựng thành công và vận hành các nhà máy điện hạt nhân (Mỹ, Pháp, LB Nga), những nước đang nỗ lực tăng cường công suất điện hạt nhân (Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ) và những nước lần đầu tiên xây dựng điện hạt nhân (Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Ai Cập). Theo Cơ quan nguyên tử quốc tế (IAEA), toàn cầu hiện có 441 lò phản ứng tổng công suất 394,5 GW đang hoạt động, đảm bảo sản xuất khoảng 10,5% tổng sản lượng điện thế giới, 56 lò phản ứng đang trong quá trình xây dựng (57,4 GW), trong đó, tại Trung Quốc - 17,3 GW. Nước này cũng đã công bố tham vọng xây mới 150 lò phản ứng trong vòng 15 năm tới để vươn lên vị trí số 1 về năng lượng hạt nhân.

Viễn Đông