Anh và Mỹ cam kết “tự do hàng hải” tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

20:55 | 06/05/2021

|
(PetroTimes) - Telegraph ngày 6/5 đưa tin, Tham mưu trưởng Hải quân Anh, Đô đốc Tony Radakin đã thăm chính thức Mỹ từ ngày 4 - 5/5/2021, hội đàm với người đồng cấp Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc Mike Gilday. Chuyến thăm tập trung vào việc mở rộng và tăng cường các nỗ lực hợp tác an ninh biển. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai người đồng cấp Hải quân Mỹ và Anh dưới thời chính quyền Biden. Người đứng đầu Hải quân hai nước khẳng định hợp tác thường xuyên, đặc biệt ở Đại Tây Dương, Trung Đông và Ấn Độ - Thái Bình Dương; hai bên “đang hợp tác chặt chẽ để đảm bảo tự do hàng hải”.
Anh và Mỹ cam kết “tự do hàng hải” tại Ấn Độ-Thái Bình Dương
Tham mưu Hải quân Anh Đô đốc Tony Radakin và người đồng cấp Mỹ, Đô đốc Mike Gilday tại Washington D.C, ngày 5/5/2021. Ảnh: Tư liệu

Đô đốc Hải quân Mỹ Mike Gilday khẳng định: “Liên minh của chúng tôi với Anh là một mỏ neo của hòa bình và ổn định trên toàn cầu”; Hải quân hai nước tiếp tục hợp tác và tăng cường các hoạt động tương tác trong tương lai. Đô đốc Hải quân Anh Tony Radakin khẳng định phát triển quan hệ hợp tác sâu sắc với Hải quân Mỹ, chia sẻ quan điểm chung về chủ nghĩa đa phương và ủng hộ một hệ thống quốc tế trên cơ sở luật pháp.

Việc triển khai chung lực lượng tấn công của Hải quân hai nước ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bắt đầu từ tháng 5/2021, sẽ di chuyển hơn 26.000 hải lý và kéo dài trong 28 tuần. Tàu khu trục Arleigh Burke USS Sullivans (DDG 68), cùng với các máy bay F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ tham gia nhóm tác chiến với tàu sân bay của Hải quân Anh HMS Queen Elizabeth trong chuyến đi đầu tiên từ Bắc Đại Tây Dương tới Tây Thái Bình Dương. Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ đi qua Biển Đông trên đường đến Nhật Bản, vào giai đoạn cuối của hành trình.

Anh và Mỹ cam kết “tự do hàng hải” tại Ấn Độ-Thái Bình Dương
Máy bay F-35B hạ cánh xuống tàu sân bay HMS Queen Elizabeth trong cuộc tập trận tuần này. Ảnh: Getty

Đô đốc Mike Gilday cho biết việc đưa lực lượng Hải quân Mỹ vào hoạt động của tàu sân bay Anh là nhằm cải thiện khả năng phối hợp hành trình và khả năng tương tác giữa các đồng minh NATO, thể hiện cam kết của Mỹ đối với các đồng minh NATO. Đô đốc Tony Radakin cho biết việc triển khai nhóm tác chiến ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một minh chứng rõ ràng về sức mạnh của mối quan hệ đặc biệt “trong một thế giới ngày càng cạnh tranh”, cũng như sự thừa nhận ưu thế kinh tế của khu vực. Đây là đợt triển khai lực lượng hải quân và không quân của Anh lớn nhất kể từ sau xung đột quần đảo Falkland/Malvinas năm 1982.

Anh có kế hoạch tăng cường sự hiện diện của Hải quân Anh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Phát biểu với phóng viên tại trụ sở Hải quân Mỹ ở Washington, Đô đốc Tony Radakin cho biết coi Trung Quốc “vừa là một thách thức vừa là người cạnh tranh”; việc Anh “nghiêng về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” cũng có nghĩa là thừa nhận sức mạnh kinh tế của khu vực, dự kiến trong giai đoạn 2040 - 2050, 40% GDP của thế giới sẽ được tạo ra ở khu vực này; nhấn mạnh Anh cam kết với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “tự do và mở”.

Thanh Bình