An ninh năng lượng và ngoại giao năng lượng: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam (Kỳ VI)

09:00 | 31/05/2020

|
(PetroTimes) - Với tầm vóc của một quốc gia tầm trung có mức thu nhập trung bình và tốc độ tăng trưởng GDP nhiều năm liền thuộc nhóm nhanh nhất thế giới (7,02% năm 2019), việc bảo đảm vững chắc, lâu dài an ninh năng lượng quốc gia mang tầm quan trọng chiến lược hàng đầu đối với phát triển kinh tế – xã hội (trước mắt cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030), công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Kỳ VI: An ninh năng lượng và đối ngoại năng lượng Việt Nam

an ninh nang luong va ngoai giao nang luong kinh nghiem quoc te va ham y chinh sach cho vn ky vi
Cụm giàn CNTT mỏ Bạch Hổ

Vì lý do đó, ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gồm mục tiêu tổng quát và 7 mục tiêu cụ thể, 5 quan điểm chỉ đạo và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đáng chú ý, mục tiêu tổng quát nhấn mạnh “bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái”.

Với cách tiếp cận liên ngành, toàn chính phủ (whole-of-government approach), Nghị quyết 55 coi trọng vai trò của ngoại giao và đối ngoại năng lượng. Cụ thể, nhiệm vụ số 8 nêu:

(i) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tích cực, chủ động xây dựng các đối tác chiến lược để thực hiện mục tiêu nhập khẩu năng lượng trong dài hạn và đầu tư tài nguyên năng lượng ở nước ngoài.

(ii) Thực hiện chính sách đối ngoại năng lượng linh hoạt, hiệu quả, bình đẳng, cùng có lợi. Mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác năng lượng với các đối tác chiến lược, đối tác quan trọng. Tăng cường quan hệ quốc tế về năng lượng trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực phù hợp với xu thế hội nhập, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại, các quan hệ chính trị – ngoại giao thuận lợi để phát triển năng lượng.

(iii) Khẩn trương xây dựng chiến lược nhập khẩu năng lượng dài hạn song song với khuyến khích đầu tư, khai thác tài nguyên năng lượng ở nước ngoài để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư dự án năng lượng ở nước ngoài, trước hết là với các dự án nguồn điện tại một số nước láng giềng để chủ động nhập khẩu điện về Việt Nam. Mở rộng quan hệ đối tác với các công ty đầu tư năng lượng, phát triển công nghệ năng lượng tiên tiến.

(iv) Tích cực tham gia hợp tác năng lượng tại tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) và khu vực Đông – Nam Á (ASEAN); liên kết lưới điện, hoàn thiện cơ chế mua bán điện với Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia. Tiếp tục nghiên cứu kết nối hệ thống khí trong khu vực, triển khai thực hiện khi điều kiện cho phép.

Như vậy, so với Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị khóa X về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050, Nghị quyết 55 là văn kiện chính thức đầu tiên đề cập đến khái niệm “đối ngoại năng lượng”, thể hiện sự thay đổi về nhận thức của Việt Nam về vai trò gia tăng của đối ngoại nói chung, ngoại giao nói riêng trong bảo đảm an ninh năng lượng và là bước phát triển quan trọng của tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chủ động, tích cực. Theo đó, đối ngoại năng lượng có mối liên hệ chặt chẽ, hỗ tương với ngoại giao trên các phương diện: (i) chiến lược, ngoại giao chính trị (góp phần tạo dựng, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, mở rộng mạng lưới đối tác), (ii) hội nhập quốc tế (đẩy mạnh đối ngoại năng lượng tại các cơ chế, diễn đàn đa phương, khu vực, nâng cao vị thế đất nước), (iii) an ninh quốc gia (góp phần bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì các hoạt động kinh tế bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế trên biển, bảo vệ an ninh nguồn nước ở tiểu vùng Mê Công), (iv) ngoại giao kinh tế (góp phần thực hiện mục tiêu nhập khẩu năng lượng và đầu tư tài nguyên năng lượng ở nước ngoài).

Để cụ thể hóa và triển khai hiệu quả Nghị quyết 55, trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn các nước về ngoại giao năng lượng và xu thế an ninh năng lượng trên thế giới, ngoại giao Việt Nam trên vị thế là một quốc gia tầm trung có thể đẩy mạnh đối ngoại năng lượng theo các trọng tâm sau:

Thứ nhất, xác định ngành ngoại giao và hệ thống các cơ quan đại diện ở nước ngoài là một trong những “binh chủng” quan trọng trên “mặt trận” đối ngoại năng lượng, đóng vai trò đồng hành, hỗ trợ, xúc tác, kết nối, cùng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng cơ hội nhập khẩu, thu hút đầu tư trong nước và thúc đẩy đầu tư năng lượng ra nước ngoài.

Thứ hai, quán triệt và cụ thể hóa Nghị quyết 55 bằng kế hoạch hành động, lồng ghép đối ngoại năng lượng trong tổng thể chiến lược đối ngoại và trong triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, coi ngoại giao năng lượng là một trong những ưu thế và ưu tiên ngoại giao chuyên biệt mới (niche diplomacy) của một quốc gia tầm trung.

Thứ ba, chú trọng đưa vấn đề năng lượng, an ninh năng lượng vào các chương trình nghị sự song phương với các đối tác phù hợp, đối tác quan trọng, coi đây là chất keo dính gia tăng đan xen lợi ích, mang ý nghĩa chiến lược, dựa trên các nguyên tắc chung như bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, xây dựng lòng tin, tôn trọng quy tắc, chuẩn mực chung, luật pháp quốc tế; thiết lập và mở rộng mạng lưới đối tác về năng lượng (ví dụ Đối tác chiến lược với Đan Mạch trong lĩnh vực Biến đổi khí hậu, Môi trường, Năng lượng và Tăng trưởng xanh); thúc đẩy hình thức đối thoại năng lượng liên chính phủ với các đối tác.

Thứ tư, tích cực tham gia hợp tác, hội nhập quốc tế về năng lượng, phát huy vai trò dẫn dắt ý tưởng, sáng kiến về năng lượng, an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu (phù hợp với Mục tiêu 7 của Các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc) tại các diễn đàn, cơ chế đa phương, khu vực (Liên hợp quốc, ASEAN, tiểu vùng Mê Công…); vận động đưa người tham gia vào vị trí lãnh đạo của các tổ chức chuyên môn quốc tế về năng lượng; tổ chức các sự kiện, diễn đàn quốc tế về năng lượng, an ninh năng lượng, phát triển năng lượng bền vững, ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0…

Thứ năm, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài vào nghiên cứu, thăm dò, khai thác, phát triển các loại hình năng lượng không tái tạo và năng lượng tái tạo, sạch mà Việt Nam có thế mạnh (như dầu mỏ, khí hóa lỏng, thủy điện, điện mặt trời, điện gió, năng lượng biển…); đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương trong nước kết nối, hợp tác với các nhà đầu tư tiên tiến, công nghệ cao, tìm kiếm cơ hội xúc tiến đầu tư ra nước ngoài.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo về chiến lược năng lượng, thế mạnh năng lượng của các đối tác, nhất là các đối tác lớn, về các xu thế năng lượng, thị trường năng lượng thế giới, về chủ đề an ninh năng lượng tại các diễn đàn đa phương để kịp thời tham mưu trong nước triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tác giả: Vũ Lê Thái Hoàng và Hàn Lam Giang