An ninh năng lượng và ngoại giao năng lượng: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam (Kỳ III)

09:00 | 28/05/2020

|
(PetroTimes) - Trong một phiên điều trần năm 2014, David Goldwyn, người từng là đặc phái viên và điều phối viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về các vấn đề năng lượng quốc tế từ năm 2009 đến 2011, đã đưa ra một cái nhìn tổng quan về các công cụ mà chính phủ Hoa Kỳ xử lý để giảm thiểu sự gián đoạn cung cấp năng lượng, tăng cường an ninh năng lượng và giảm thiểu hậu quả của biến đổi khí hậu.

Kỳ III: Kinh nghiệm của một số nước trong triển khai ngoại giao năng lượng

Chính sách ngoại giao năng lượng của Mỹ

Theo đó, các biện pháp Mỹ sử dụng bao gồm tuyên truyền với các chính phủ nước ngoài về các tư tưởng Mỹ theo đuổi, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, và thúc đẩy xuất khẩu năng lượng của các công ty, từ đó gây áp lực giảm giá và buộc các đối tác phải thích nghi. Có thể thấy trong một giai đoạn tương đối ngắn, ngoại giao Mỹ đã chuyển đổi phương thức từ ngoại giao năng lượng thầm lặng sang công khai thúc đẩy sức mạnh năng lượng cho các mục đích đối ngoại.

Trong 2 nhiệm kỳ, chính quyền Obama đã đưa ra nhiều khuôn khổ rõ ràng để đạt được mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng và gia tăng lợi ích quốc gia bằng năng lượng. Chính Tổng thống Obama đã hợp thức hóa quy trình cấp phép xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) sang các nước không có thỏa thuận thương mại tự do (xuất khẩu sang các nước FTA luôn ít thủ tục hơn) và đã đạt thỏa thuận với Quốc hội Hoa Kỳ vào cuối năm 2015 để dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô.[8] Vị thế của Mỹ trong thị trường năng lượng toàn cầu đã có sự chuyển mình đáng kể. Năm 2011, Mỹ đã lần đầu vượt qua Nga trở thành nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới và nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới năm 2018.

Dưới thời Tổng thống Trump, năng lượng tiếp tục đóng một vai trò lớn trong chính sách đối ngoại. Trong chiến dịch vận động tranh cử, Trump đã cam kết sẽ phục hưng nước Mỹ và một trong số các biện pháp là khôi phục ngành than trong nước. Kết quả là sau khi đắc cử, Tổng thống Trump đã đưa than trở lại ưu tiên trong chương trình nghị sự ngoại giao, cùng với dầu mỏ và khí hóa lỏng để “trả ơn” cử tri bỏ phiếu ủng hộ. Trong suốt gần một nhiệm kỳ vừa qua, Tổng thống Trump đã nhiều lần phát biểu bày tỏ thẳng thắn chính sách tận dụng nguồn tài nguyên năng lượng hóa thạch của Mỹ để hưởng lợi từ việc xuất khẩu năng lượng và đồng thời tạo đòn bẩy để mặc cả các ván bài chính trị, thực hiện các mục tiêu chiến lược của Mỹ.

an ninh nang luong va ngoai giao nang luong kinh nghiem quoc te va ham y chinh sach cho viet nam ky iii

Nhìn chung, chính sách năng lượng của Mỹ hiện nay nổi lên một số nét chính sau:

An ninh năng lượng cùng với an ninh kinh tế là hai lĩnh vực quan trọng hàng đầu đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Theo đó, để đảm bảo an ninh năng lượng, Mỹ tập trung vào các biện pháp tự chủ năng lượng, hạn chế sự phụ thuộc bên ngoài. Hơn thế nữa, ngoài việc đảm bảo ổn định nguồn cung cho nhu cầu nội địa, Mỹ tham vọng đẩy mạnh chính sách năng lượng “nước Mỹ trước tiên” nhằm xác lập một vị thế mới cho Mỹ trên thị trường năng lượng thế giới, góp phần bảo đảm lợi ích và an ninh tổng thế của quốc gia. Mỹ cũng phản đối các hành động cản trở các quốc gia tiếp cận hợp pháp các nguồn tài nguyên, năng lượng.

Cơ cấu năng lượng dưới thời tổng thống Trump tập trung chủ yếu vào khai thác các năng lượng sẵn có và Mỹ có thế mạnh, đồng thời vẫn nghiên cứu phát triển các dạng năng lượng tái tạo với mục đích dự phòng. Năm 2018, khoảng 79% sản lượng năng lượng của Mỹ đến từ nhiên liệu hóa thạch và 80% năng lượng tiêu thụ của nước này có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch.[9] Các sản phẩm năng lượng tái tạo không được chính quyền Trump đề cao nhưng vẫn duy trì phát triển cầm chừng. Bên cạnh đó, chính quyền Trump cũng đang tìm cách khôi phục ngành năng lượng hạt nhân của Mỹ bằng cách đưa ra các chính sách giúp loại năng lượng này tăng tính trạnh tranh với khí tự nhiên, năng lượng tái chế cũng như giải quyết tốt vấn đề chất thải hạt nhân.

Tăng cường sức mạnh năng lượng trong cuộc chơi trên chính trường quốc tế. Tham vọng của Mỹ hiện nay là đạt được vị thế đi đầu trong ngành năng lượng thế giới và khẳng định tầm ảnh hưởng thông qua xuất khẩu năng lượng. Việc Mỹ đầu tư gần 50 triệu USD cho chương trình Thúc đẩy Phát triển và Tăng trưởng thông qua Năng lượng ở châu Á (Asia EDGE) nói riêng và nhấn mạnh trụ cột năng lượng (cùng với hạ tầng, kinh tế số) trong khuôn khổ Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (IPS) nói chung phần nào cho thấy Mỹ đang và sẽ sử dụng năng lượng như một đòn bẩy quan trọng. Đây cũng là đặc điểm nổi bật của ngoại giao năng lượng Mỹ thời gian tới.

Chính sách năng lượng “nước Mỹ trước tiên” của chính quyền Trump khiến các khía cạnh an ninh phi truyền thống của năng lượng bị coi nhẹ hơn. Tổng thống Trump đã rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (COP 21) nhằm thực hiện cam kết thúc đẩy ngành công nghiệp dầu khí và than của Mỹ. Chính quyền Mỹ khẳng định rằng Mỹ có cách tiếp cận thực tế khi sử dụng hỗn hợp tất cả các loại năng lượng một cách sạch sẽ và hiệu quả nhất, trong đó có cả nhiên liệu hóa thạch, năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo.

Tóm lại, chính sách ngoại giao năng lượng được coi là một trong những đòn bẩy quan trọng của Mỹ trên chính trường quốc tế. Việc triển khai khéo léo và quyết liệt các chính sách năng lượng có thể giúp Mỹ bảo vệ và gây ảnh hưởng hơn với các nước đồng minh, đối tác, kiềm chế các đối thủ trong khi đem lại nguồn lợi cho các nhà sản xuất trong nước. Đây nhiều khả năng sẽ tiếp tục là cách tiếp cận ngoại giao năng lượng của các chính quyền Mỹ để tăng cường lợi ích chính trị và kinh tế trong thời gian tới.

Tác giả: Vũ Lê Thái Hoàng và Hàn Lam Giang

Vũ Lê Thái Hoàng &  Hàn Lam Giang