Đóng băng Nord Stream-2

Ai thiệt, ai lợi?

09:00 | 16/09/2020

|
(PetroTimes) - Việc Đức không loại trừ khả năng dừng Dự án Nord Stream-2 (Dòng chảy phương Bắc 2) liên quan đến vụ nhà chính trị đối lập người Nga Alexei Navalny nghi ngờ bị đầu độc, đang đặt ra câu hỏi: Ai bị thiệt, ai được lợi?
ai-thiet-ai-loi
Nord Stream-2 có tầm quan trọng rất lớn với Đức

Việc Berlin khẳng định nhà hoạt động chính trị đối lập người Nga Alexei Navalny bị đầu độc bằng một loại chất thuộc nhóm Novichok sau khi được thuyên chuyển từ một bệnh viện ở Omsk, Siberia, đang là cái cớ để truyền thông phương Tây lên án Nga.

Tuy nhiên, hiện có nhiều ý kiến trái chiều của các bên liên quan.

Các bác sĩ ở Omsk cho rằng họ không tìm thấy dấu vết của chất độc nào trong máu và nước tiểu của Navalny. Nhưng khi Navalny được chuyển sang Đức theo yêu cầu của gia đình thì kết quả xét nghiệm lại hoàn toàn khác: Bị đầu độc.

Phía Nga yêu cầu Đức cung cấp bằng chứng và Berlin chưa... trả lời và đòi Moscow giải thích thỏa đáng, ám chỉ rằng không việc gì phải chứng minh, rõ ràng Navalny bị đầu độc và rằng đây là vụ án chính trị... Kiểu “cả vú lấp miệng em” là cách làm thường thấy của các nước phương Tây có thành kiến với Nga. Sự thật thế nào chưa ai biết, nhưng Đức và châu Âu đang sử dụng đây là cái cớ để công kích Nga. Thậm chí Thủ tướng Đức Angela Merkel còn đe dọa sẽ đơn phương hoặc phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt Nga. Bà Merkel còn nói sẽ không có “vùng cấm” trong các biện pháp trừng phạt Nga. Vùng cấm ở đây có thể hiểu là Nord Stream-2, dự án có tầm quan trọng vô cùng lớn trong việc bảo đảm an ninh năng lượng cho Đức và châu Âu.

Cần biết rằng, chỉ mới đây thôi, chính trường Đức gần như hoàn toàn đứng về phía Nga để ngăn chặn làn sóng đe dọa cấm vận Nord Stream-2 của Mỹ. Thậm chí Berlin còn hô hào châu Âu chống lại Mỹ. Thủ tướng Merkel còn quả quyết: “Vụ Navalny nên được tách ra khỏi cuộc thảo luận Nord Stream-2. Tôi không nghĩ chúng ta cần thay đổi chính sách đối với Nga. Quan điểm của chúng tôi là Nord Stream-2 nên được hoàn thành. Đây là một dự án được thúc đẩy bởi các thành viên thương mại ở Nga và châu Âu”. Xét theo chiều hướng đó, liệu bà Merkel có đi tới cùng trong vụ Navalny, cho ngừng dự án khí đốt với Nga?

ai-thiet-ai-loi-1
Ít có khả năng Thủ tướng Đức Merkel sẽ ra lệnh ngừng Nord Stream-2 chỉ vì vụ Navalny chưa rõ nguyên nhân

Để trả lời cho câu hỏi đó, trước hết phải xem tầm quan trọng của Nord Stream-2 với Đức như thế nào.

Đức đang từ bỏ nhiệt điện than và điện hạt nhân, do đó cần nhiều khí đốt hơn. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier. Dự án Nord Stream-2 bị đình trệ sẽ tác động rất lớn đối với nguồn cung khí cho Đức, an ninh năng lượng của Đức bị đe dọa nghiêm trọng.

Hãy xem những gì chính trường Đức thể hiện trong những ngày gần đây trước lời đe dọa trừng phạt Nord Stream-2 của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thấy được người Đức coi trọng dự án này như thế nào. Ngay khi Washington thông báo khả năng mở rộng các lệnh trừng phạt với Nord Stream-2, cả chính trường Đức như sục sôi. Khắp các diễn đàn, ở mọi cấp độ, các chính trị gia, doanh nhân Đức đều lên tiếng chỉ trích Mỹ, cho rằng lời đe dọa trừng phạt Nord Stream-2 là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Đức và châu Âu. Berlin thậm chí “liên thủ” cùng EU đe dọa sẽ đáp trả thích đáng cả về chính trị lẫn kinh tế nếu Washington thông qua các dự luật trừng phạt các doanh nghiệp tham gia vào Dự án Nord Stream-2...

Ông Oliver Hermes - Chủ tịch Hội các doanh nghiệp phương Đông của Đức - đã khẳng định khi trả lời báo Deutsche Welle ngày 7-9-2020: Nếu Dự án Nord Stream-2 bị đình trệ, các nước châu Âu là khách hàng của đường ống này cũng sẽ phải gánh chịu thiệt hại vì sẽ phải trả chi phí cao hơn nếu mua khí đốt từ Mỹ, Qatar hay thông qua những đường ống khác từ Algéria, Libya hoặc Azerbaijan. Theo ông Hermes, ngừng dự án này còn đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư sau này sẽ chần chừ trong việc ủng hộ các dự án của châu Âu và của Đức. Nhưng trước mắt sẽ là hàng loạt vụ bồi thường cho các doanh nghiệp tham gia dự án. Nord Stream-2 có tổng trị giá khoảng 12 tỉ euro, huy động đến 600 nhà thầu phụ, dự kiến hoàn thiện vào năm 2021. Tập đoàn Dầu khí Nga Gazprom nắm giữ khoảng 50% cổ phần, còn lại thuộc về Uniper và Wintershal DEA (Đức), Shell (Hà Lan), OMV (Áo), Engie (Pháp).

Ngày 7-9-2020, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với MDR Aktuell, ông Gregor Gizi, nghị sĩ thuộc Đảng Cánh tả của Quốc hội Đức, tuyên bố thủ phạm đứng sau vụ đầu độc Alexei Navalny có thể là những người phản đối việc xây dựng tuyến đường dẫn khí đốt Nord Stream-2. Thủ phạm hiểu rằng nếu đổ lỗi cho những gì đã xảy ra với Nga sẽ làm rạn nứt quan hệ giữa Moscow và phương Tây. Nghị sĩ này nhắc lại rằng, việc Đức từ chối xây dựng đường ống chính là điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn.

Trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Donald Trump dần thoái lui trên trường quốc tế, châu Âu đang rất cần đến vai trò của Nga trong hàng loạt vấn đề quốc tế quan trọng: Nội chiến ở Syria, hòa bình ở Libya, hạt nhân Iran, khủng hoảng Belarus... Theo nhận định của AFP, không loại trừ khả năng vụ “đầu độc” nhà đối lập Navalny chỉ là cái cớ để Thủ tướng Merkel “mặc cả” với Tổng thống Putin về một số vấn đề chính trị, chẳng hạn như ngăn chặn thảm họa nhân đạo tại Syria, nhằm tránh gây ra một làn sóng người nhập cư khác ồ ạt đổ vào châu Âu. Theo các nhà phân tích, thực tế Đức khó lòng “đóng băng” Dự án Nord Stream-2.

Đức đang từ bỏ nhiệt điện than và điện hạt nhân, do đó cần nhiều khí đốt hơn. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier. Dự án Nord Stream-2 bị đình trệ sẽ tác động rất lớn đối với nguồn cung khí cho Đức, an ninh năng lượng của Đức bị đe dọa nghiêm trọng.

S.Phương