Ai tài trợ đường ống vận chuyển dầu thô chiến lược Goreh-Jask của Iran?

20:38 | 01/06/2021

|
(PetroTimes) - Bloomberg và truyền thông quốc tế đưa tin, Hãng thông tấn Cộng hòa Hồi giáo cho biết Iran bắt đầu chuyển chuyến dầu thô đầu tiên qua đường ống chiến lược Goreh-Jask.
Ai tài trợ đường ống vận chuyển dầu thô chiến lược Goreh-Jask của Iran?
Sơ đồ Đường ống dẫn dầu Goreh-Jask

Đường ống Goreh-Jask cùng với việc phát triển cảng xuất khẩu dầu thô mới tại Jask là một dự án chiến lược đối với Iran. Đường ống mới sẽ có khả năng vận chuyển tới một triệu thùng dầu thô mỗi ngày từ Goreh ở thành phố Bushehrport trong Vùng Vịnh đến cảng Jask trên Biển Oman. Đường ống này cho phép Iran xuất khẩu dầu mà không phải đi qua Eo biển Hormuz.

Từ trước đến nay, 90% lượng dầu xuất khẩu của Iran qua eo biển Hormuz, kênh đào hẹp trên Vịnh Ba Tư. Năm 2015 khi cựu Tổng thống Donald Trump từ bỏ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và tăng cường các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực dầu mỏ của Iran, vấn đề vận chuyển dầu mỏ xuất khẩu qua eo biển Hormuz của Iran đã rơi vào khủng hoảng.

Việc phục hồi xuất khẩu dầu qua đường ống Goreh-Jask giúp nước này khôi phục hàng triệu thùng xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh Iran đang tiến gần tới thỏa thuận hạt nhân với chính quyền mới của Tổng thống Biden.

Giai đoạn 1 của dự án đã được bắt đầu vào tháng 6/2020 và dự kiến ​​vận hành vào cuối năm nay, trong khi thời gian bắt đầu xuất khẩu dầu qua cảng Jask ​​ban đầu dự kiến vào tháng 3/2021.

Đầu tháng 5, Công ty dầu quốc gia Iran cho biết họ đã bắt đầu bơm dầu thô vào đường ống và các chuyến hàng dầu từ khu vực Jask trên bờ biển Vịnh Oman sẽ bắt đầu vào tháng tới. Đường ống Goreh-Jask sẽ được Tổng thống Hassan Rouhani chính thức khai trương trong thời gian tới.

Về đường ống Goureh-Jask và cảng Jask

Đường ống dẫn dầu Goureh-Jask dài 1.100 km và có đường kính 46 inch, công suất vận chuyển 1 triệu thùng dầu thô nhẹ, nặng và siêu nặng mỗi ngày.

Cảng xuất Jask bao gồm 20 bể chứa kim loại với sức chứa 500.000 thùng mỗi bể.

Các bể chứa dầu thô đang được xây dựng với kho chứa 10 triệu thùng trong giai đoạn đầu. Việc mở rộng trong tương lai được lên kế hoạch để nâng công suất lưu trữ lên hơn 30 triệu thùng.

Dầu thô sẽ được chuyển từ tây Karoun đến các bồn chứa để tiếp tục lưu trữ và xuất khẩu.

Chi phí xây dựng cảng dự kiến ​​sẽ được đáp ứng bằng cách cho thuê các bể chứa.

Việc xây dựng bến dầu Jask sẽ giảm khoảng cách hành trình cho các tàu chở dầu. Tàu có thể vào cảng Jask mà không cần đi vào vùng biển Ba Tư. Bến cảng này được thiết lập để trở thành trung tâm xuất nhập khẩu dầu khí của Iran.

Tài trợ

Dự án đường ống dẫn dầu thô Goureh-Jask và cảng xuất dầu Jask có tổng vốn đầu tư ước tính hơn 2 tỷ USD, phát triển thành 2 giai đoạn, trong đó bao gồm gần 1 tỷ để xây dựng cảng xuất khẩu dầu trên đảo Jack.

Các bể chứa dầu thô cho cảng dầu Jask đang được xây dựng với vốn đầu tư ban đầu gần 300 triệu USD, trong khi đường ống dẫn dầu thô Goureh-Jask đang được phát triển với khoản đầu tư trên 1 tỷ USD.

Điều đáng chú ý là dự án chiến lược này của Iran được phát triển với sự hỗ trợ tài chính của Liên bang Nga, theo thông tin từ Hydrocarbons-technology. Công ty Zalvand của Iran là đồng đầu tư trong dự án, cùng với công ty RAO Rosneftegazstroy của Nga và công ty dịch vụ kỹ thuật Marcon Ingenieurgesellschaft có trụ sở tại Đức.

Công ty dịch vụ tài chính Sberbank cùng với Vnesheconombank của Nga sẽ là nhà tư vấn tài chính và cấp tín dụng.

RAO Rosneftegazstroy và Marcon chịu trách nhiệm về kỹ thuật, quản lý dự án và cung cấp thiết bị cho dự án, trong khi tập đoàn Archirodon có trụ sở tại Hà Lan sẽ chịu trách nhiệm xây dựng các công trình ven biển và trên biển.

Công ty Phát triển và kỹ thuật Dầu khí thuộc sở hữu nhà nước của Iran (PEDEC) đang thực hiện dự án theo hợp đồng BOT với NIOC, quyền sở hữu dự án sẽ được chuyển giao cho NIOC sau 18 năm hoạt động.

Ngọc Linh