5 năm cuộc chiến chống biến đổi khí hậu: Những lời hứa hẹn trống rỗng

15:24 | 15/12/2020

|
(PetroTimes) - Tại Thượng đỉnh Tham vọng khí hậu, do Paris, Luân Đôn và Liên Hiệp Quốc (LHQ) đồng tổ chức ngày 12/12 nhằm thúc đẩy trở lại cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi thế giới “tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu”, bởi thế giới hiện giờ vẫn chưa đi đúng con đường để có thể đạt mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C như mục tiêu ấn định trong Thỏa thuận khí hậu Paris 2015. Ông Guterres cho rằng các nước mới chỉ dừng lại ở những con số báo cáo chứ chưa có hành động cụ thể, thiết thực.
5 năm cuộc chiến chống biến đổi khí hậu: Những lời hứa hẹn trống rỗng
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi thế giới “tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu”

Đưa ra thông điệp trong Hội nghị kỷ niệm 5 năm ký kết Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, ông Antonio Guterres đề nghị các nước cần hướng đến mục tiêu trung hòa lượng khí thải carbon (CO2). Để thực hiện được việc này, đến năm 2030, lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu phải được giảm 45% từ mốc 2010. Các biện pháp được đưa ra bao gồm: Định giá carbon; Dừng cấp tài chính và trợ cấp sản xuất nhiên liệu hóa thạch; Dừng xây dựng các nhà máy điện than; Đánh thuế phát thải carbon và chuyển gánh nặng thuế sang người gây ô nhiễm; Yêu cầu công bố thông tin về rủi ro tài chính liên quan đến ảnh hưởng khí hậu; Đưa mục tiêu đạt được tính trung lập carbon vào trong tất cả các quyết định và chiến lược kinh tế và tài chính. Trong bối cảnh các quốc gia đang tích cực đưa ra các gói kích thích nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, Tổng thư ký LHQ cảnh báo việc nhiều quốc gia đang có xu hướng gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch thay vì năng lượng sạch và có thể tái tạo. Trong đó, các nước trong G20 - nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới - đã chi nhiều hơn 50% cho những lĩnh vực kích thích sử dụng nhiên liệu hóa thạch thay vì năng lượng sạch.

Cũng trong hội nghị này, một số quốc gia đã đưa ra các cam kết giảm phát thải khí carbon bao gồm: Chính phủ Anh cam kết sẽ ngừng hỗ trợ các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục cam kết đưa mức phát thải CO2 về 0 trước năm 2050. Trước đó vào hồi tháng 9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết sẽ giảm mức phát thải khí CO2 về 0 vào năm 2060. Trung Quốc hiện là nước phát thải CO2 nhiều nhất thế giới - là loại khí được xem là thủ phạm chính gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu dẫn tới biến đổi khí hậu.

Theo số liệu của LHQ, tính tổng số các cam kết như hiện nay, nhiệt độ Trái đất vẫn trên lộ trình tăng thêm 3°C, hoặc cao hơn, vượt xa mục tiêu của cộng đồng quốc tế trong Hiệp định Paris. Các quốc gia có nỗ lực yếu trong cuộc chiến khí hậu như Brazil hay Úc không có mặt tại thượng đỉnh. Trước thượng đỉnh, Tổng thư ký LHQ cảnh báo, nhiệt độ Trái đất “mới” tăng hơn 1,2°C, mà trong hiện tại nhân loại đã phải đương đầu với những biến đổi khí hậu ghê gớm. Nhà tranh đấu khí hậu nổi tiếng Greta Thunberg, đã cực lực chỉ trích giới lãnh đạo chính trị thế giới, đã đề ra “các mục tiêu xa vời” và “những lời hứa hẹn trống rỗng”. Thiếu nữ Thụy Điển kêu gọi cần có các hành động ngay tức khắc. Nhiều người cho rằng những chỉ trích của Greta Thunberg là quá cực đoan. Tuy nhiên, giới chuyên gia về môi trường cũng có một số nhận định tương tự. Theo Chương trình Môi trường LHQ, sản lượng các năng lượng hóa thạch, như than, dầu và khí đốt, vẫn tiếp tục tăng 2% hàng năm cho đến năm 2030, trong lúc phải giảm 6%/năm thì mới có thể đạt mục tiêu Hiệp định Paris đề ra. Điểm đặc biệt nghiêm trọng là các ngân hàng thế giới vẫn tiếp tục đầu tư ồ ạt cho năng lượng hóa thạch. Từ năm 2016 đến 2019, khoảng 2.700 tỉ đô la đã được cấp cho 2.100 doanh nghiệp năng lượng hóa thạch, và số tiền vẫn tiếp tục tăng lên. Theo Liên minh Climate Transparency, 54% ngân sách dành cho năng lượng trong các kế hoạch chấn hưng hậu Covid là đầu tư cho năng lượng hóa thạch, trong đó có đến 86% số tài trợ không hề bị ràng buộc bởi các đòi hỏi về môi trường.

Tuy nhiên, theo Giám đốc điều hành của Greenpeace, ông John Sauven, “có lý do để hy vọng”, với việc ông Trump rời khỏi Nhà Trắng, và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản có những cam kết mạnh mẽ hơn về khí hậu. Joe Biden đã hứa, ngay trong ngày đầu tiên tiếp quản Nhà Trắng, ông sẽ đưa Hoa Kỳ trở lại với Hiệp định Khí hậu Paris. Tổng thống tân cử phó thác sứ mệnh này cho một cộng sự thân cận. Ông John Kerry, ngoại trường thời Barack Obama, sẽ được bổ nhiệm làm đặc phái viên về khí hậu. Biden muốn tái lập chủ nghĩa đa phương và vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trong cuộc khủng hoảng khí hậu, lật qua một bên giai đoạn ông Donald Trump cầm quyền và không chấp nhận biến đổi khí hậu là do các hoạt động của con người.

Tổng thống Trump trong suốt nhiệm kỳ của mình, đã tiến hành dỡ bỏ hay giảm nhẹ gần 150 tiêu chuẩn về môi trường, trong đó có các quy định chống ô nhiễm, được áp đặt đối với các nhà sản xuất xe hơi. Năm 2017, ông Trump đã lạnh lùng thông báo đưa nước Mỹ ra khỏi Hiệp định Khí hậu, bị ông đánh giá là ‘‘thảm họa’’. Quyết định ra khỏi Hiệp định có hiệu lực năm nay 2020. Không quốc gia nào theo chân Mỹ trong việc này. Ngay cả Triều Tiên cũng ký kết Hiệp định Khí hậu. Tuy nhiên, lượng khí thải của nước Mỹ đã không tăng dưới thời Donald Trump một phần là nhờ ở sự kháng cự của 25 bang và hơn 400 thành phố, gần như do đảng Dân Chủ lãnh đạo. Các địa phương này khẳng định sẽ kháng cự lại quyết định của chính quyền liên bang, và thực thi Hiệp định Khí hậu Paris ở tầm mức của mình. Tuy nhiên, thật khó mà giới hạn việc nhiệt độ Trái đất gia tăng mà không có sự tham gia của chính quyền Mỹ. Hoa Kỳ vẫn là quốc gia phát khí thải đứng thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Nước Mỹ chịu trách nhiệm 15% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Cũng trong hội nghị hôm 12/12, Tổng thư ký LHQ lấy làm tiếc là ngoài các mục tiêu được thể hiện qua con số, việc tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng bảo vệ khí hậu không được chú ý nhiều hơn trong các cuộc tranh luận. “Quá trình chuyển đổi này phải công bằng, với một chế độ an sinh xã hội và hỗ trợ cho công nhân và những người bị ảnh hưởng bởi tiến trình loại bỏ phát thải khí carbon. Và các nước phát triển phải duy trì cam kết chi 100 tỷ đô la mỗi năm cho các nước đang phát triển kể từ năm nay, một nỗ lực vốn dĩ chậm hơn nhiều so với kế hoạch. Chúng tôi cần nhiều nguồn lực hơn và cần phân bổ lại quỹ, dành một phần nhiều hơn cho quá trình chuyển đổi năng lượng”, Tổng thư ký LHQ phát biểu. Tạm thời, mới chỉ có 20% số tiền thu thập được cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu được dành cho việc cải thiện khả năng thích ứng của các vùng và cộng đồng sẽ phải chịu tác động nặng nề từ các cuộc khủng hoảng khí hậu.

Trái đất sẽ ấm lên 3 độ C vào năm 2100Trái đất sẽ ấm lên 3 độ C vào năm 2100
Năm 2020 là một trong ba năm nóng nhất thế giớiNăm 2020 là một trong ba năm nóng nhất thế giới
Vì một Việt Nam xanh, sạch, đẹp cho trẻ emVì một Việt Nam xanh, sạch, đẹp cho trẻ em
Bí ẩn khoản ngân quỹ 10 tỷ USD của tỷ phú Jeff BezosBí ẩn khoản ngân quỹ 10 tỷ USD của tỷ phú Jeff Bezos

H.Phan

AFP