Xung đột thương mại Mỹ - Trung: Ai sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất?

09:24 | 07/04/2025

|
(PetroTimes) - Trung Quốc đáp trả bằng cách áp mức thuế 34% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kích hoạt một đợt leo thang mới trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước.
Xung đột thương mại Mỹ - Trung: Ai sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất?
Minh họa cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc

Cụ thể, hôm 2/4, ông Trump tuyên bố áp thêm mức thuế 34% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bên cạnh mức thuế 20% vốn đã được áp dụng trước đó.

Ngay sau đó, Bắc Kinh tuyên bố sẽ áp thuế trả đũa 34% kể từ ngày 10/4. Ủy ban Thuế quan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết đây là phản ứng cần thiết trước những hành động mà họ gọi là “gây sức ép” từ phía Washington.

“Các động thái của Mỹ vi phạm quy tắc thương mại quốc tế, cũng như quyền lợi hợp pháp của Trung Quốc – đây là hành vi gây áp lực điển hình”, thông cáo từ phía Trung Quốc nêu rõ.

Những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất

Trước đây, các đòn thuế từ Trung Quốc chủ yếu nhắm vào một số lĩnh vực cụ thể như nhiên liệu, nông sản. Nhưng lần này, toàn bộ hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc đều sẽ bị đánh thuế – một cú giáng mạnh vào thương mại song phương.

Hiện tại, Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều gấp ba lần so với lượng hàng xuất khẩu sang nước này. Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, trong năm 2024, Mỹ xuất khẩu hàng hóa trị giá 143,5 tỷ USD sang Trung Quốc, trong khi nhập khẩu tới 438,9 tỷ USD – tạo ra mức thâm hụt thương mại 295 tỷ USD, tăng gần 6% so với năm trước.

Với chênh lệch thương mại lớn như vậy, các nhà phân tích cho rằng Mỹ có thể chịu thiệt hại ít hơn trong cuộc chiến thuế quan này.

“Vì cán cân thương mại nghiêng hẳn về phía Trung Quốc, nên các biện pháp trả đũa từ Bắc Kinh sẽ không gây tổn thất lớn bằng các đòn thuế từ Mỹ”, Tiến sĩ Xin Sun – chuyên gia về kinh doanh Trung Quốc và Đông Á tại Đại học King’s College London – nhận định. “Mức thuế mà Mỹ áp lên hàng Trung Quốc là cao nhất và ảnh hưởng đến nhiều ngành hơn”, ông nói thêm.

Quan hệ kinh tế rạn nứt

Bên cạnh đó, quan hệ kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã dần suy yếu trong những năm gần đây. Hiện nay, thương mại hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ chiếm chưa tới 5% tổng giao dịch thương mại toàn cầu.

Giáo sư Simon Evenett – chuyên gia địa chính trị tại Viện Quản lý Phát triển Quốc tế (IMD) – cho rằng: “Mối quan hệ kinh tế giữa hai bên đã bắt đầu thu hẹp đáng kể từ giữa thập niên trước. Quá trình rạn nứt này đã diễn ra trong nhiều năm và những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay chỉ là chương tiếp theo trong cuộc chia tay giữa hai đối thủ chiến lược”.

Ai sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ đòn thuế trả đũa?

Theo số liệu năm 2023 của Tổ chức Quan sát Độ phức tạp Kinh tế (OEC), khoảng một nửa giá trị hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc đến từ 5 nhóm ngành chính.

Dẫn đầu là nhóm nhiên liệu – bao gồm dầu thô, xăng dầu, propane và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) – với tổng kim ngạch đạt 23,6 tỷ USD trong năm 2023.

Mỹ là khách hàng lớn mua máy móc và thiết bị điện tử từ Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng phụ thuộc nhiều vào việc Trung Quốc nhập khẩu công nghệ và thiết bị từ họ. Năm 2023, Trung Quốc đã mua từ Mỹ khoảng 17 tỷ USD máy móc, linh kiện và thêm 12 tỷ USD hàng điện tử.

Trong đó, hai mặt hàng công nghệ có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nhất từ các đòn thuế trả đũa là chip vi mạch (IC) và tua-bin khí – những sản phẩm có giá trị cao và vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, ngành ô tô cũng sẽ bị ảnh hưởng. Dù ông Trump đã tăng thuế đối với ô tô và linh kiện sản xuất ở nước ngoài, nhưng Mỹ vẫn xuất khẩu tới 7,5 tỷ USD ô tô sang Trung Quốc trong năm qua – và hiện nay nhóm hàng này sẽ phải chịu mức thuế trả đũa 34% từ phía Bắc Kinh.

Các ngành công nghiệp khác như hàng không cũng đứng trước nguy cơ tổn thất lớn. Đây là lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD, đặc biệt là với các tập đoàn như Boeing.

Tiến sĩ Mary Lovely – chuyên gia tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson – nhận định rằng những thương hiệu lớn của Mỹ sẽ gặp khó khăn nếu xung đột thương mại tiếp tục leo thang.

“Chúng ta sắp bước vào một giai đoạn ổn định mới, nhưng giờ tất cả lại bị đảo lộn vì các đòn thuế từ cả hai nước”, bà chia sẻ với tờ The Independent. “Về lâu dài, điều này sẽ làm giảm triển vọng của các tập đoàn như Boeing. Cả Apple và Caterpillar – những cái tên có thị phần lớn tại Trung Quốc – cũng sẽ bị ảnh hưởng”, bà bổ sung.

Ngành dược phẩm Mỹ cũng không nằm ngoài vòng xoáy. Năm 2023, Mỹ xuất khẩu hơn 7,5 tỷ USD vaccine và thuốc đóng gói sang Trung Quốc, cùng với 3,3 tỷ USD thiết bị y tế – tất cả đều có thể bị tác động bởi các rào cản thương mại mới.

Nông dân Mỹ sẽ là người thiệt hại nặng nhất

Theo Tiến sĩ Mary Lovely, ngành nông nghiệp Mỹ sẽ chịu tổn thất nặng nề nhất trước các biện pháp trả đũa thuế quan từ Trung Quốc.

Trung Quốc hiện là một trong những thị trường lớn nhất tiêu thụ nông sản Mỹ, với tổng kim ngạch lên tới 20 tỷ USD trong năm qua. Trong đó, riêng đậu nành đã chiếm khoảng 15 tỷ USD – tương đương hơn một nửa tổng lượng đậu nành mà Mỹ xuất khẩu.

Tiến sĩ Xin Sun cảnh báo, việc Trung Quốc nhắm vào nông nghiệp không chỉ gây thiệt hại kinh tế, mà còn có thể ảnh hưởng lớn đến cử tri ủng hộ ông Trump – bởi nông dân là một trong những nhóm hậu thuẫn chính trị quan trọng của ông.

“Vì nông nghiệp là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc, các biện pháp đáp trả từ Bắc Kinh sẽ đánh trúng vào lực lượng ủng hộ cốt lõi của ông Trump”, ông Sun nhận định. “Trung Quốc đang kỳ vọng việc nhắm vào nhóm này có thể tạo sức ép chính trị, buộc ông Trump phải nhượng bộ”, ông nói thêm.

Còn người tiêu dùng Mỹ thì sao?

Trong số các quốc gia bị Mỹ áp thuế, Trung Quốc là trường hợp đặc biệt vì hàng hóa nước này gắn chặt với đời sống người tiêu dùng Mỹ – và hệ quả có thể đến rất nhanh.

Mức thuế 54% đánh lên hàng Trung Quốc là cao nhất hiện nay. Điều đáng nói là người dân Mỹ phụ thuộc rất lớn vào hàng Trung Quốc trong hầu hết các lĩnh vực – từ công nghệ, hàng gia dụng đến may mặc. Chỉ tính riêng năm 2023, Mỹ đã nhập khẩu tới 208 tỷ USD máy móc và thiết bị điện tử từ Trung Quốc.

Ngoài ra, hàng dệt may từ Trung Quốc với trị giá khoảng 36 tỷ USD mỗi năm cũng sẽ bị ảnh hưởng. Điều này đặc biệt đáng chú ý khi ngày càng nhiều thương hiệu thời trang lựa chọn Trung Quốc làm nguồn cung chính vì chi phí thấp.

Thêm vào đó, Mỹ đang chuẩn bị chấm dứt chính sách miễn thuế cho các sản phẩm giá trị thấp. Điều này sẽ khiến những nền tảng thương mại giá rẻ như Shein hay Temu – vốn rất phổ biến với giới trẻ Mỹ – phải chịu thuế nhập khẩu lần đầu tiên. Kết quả là giá bán nhiều mặt hàng có thể sẽ tăng.

Xung đột thương mại Mỹ - Trung có tiếp tục đè nặng giá dầu thô?Xung đột thương mại Mỹ - Trung có tiếp tục đè nặng giá dầu thô?

Nh.Thạch

AFP