Xung đột Israel - Hamas có thổi bùng giá dầu

14:42 | 27/02/2024

|
(PetroTimes) - Xung đột tại Trung Đông, khu vực nắm giữ phần lớn tài nguyên năng lượng của thế giới, luôn có tác động đến thị trường. Các cuộc xung đột trong lịch sử, từ cách mạng Iran, chiến tranh Iran - Iraq đến cuộc giao tranh Kuwait... đều khiến giá dầu tăng đáng kể. Liệu lần này tình hình có khác?
Xung đột Israel - Hamas có thổi bùng giá dầu
Lực lượng Hamas

Xung đột leo thang đẩy tăng giá dầu

Căng thẳng gần đây giữa Israel và Palestine đã đẩy giá dầu tăng đáng kể. Trong vòng 24 giờ sau khi chiến tranh nổ ra, giá dầu đã tăng hơn 4%. Ngày 7-10-2023, phát súng đầu tiên của Hamas vang lên mở màn cho cuộc xung đột mới tại Trung Đông. Vào ngày 9-10-2023, giá dầu Brent Biển Bắc theo hợp đồng tương lai tháng 12 là 87,24 USD/thùng tại thị trường London, đánh dấu mức cao nhất kể từ đầu tháng 10. Theo nhận định của Bloomberg, vẫn còn quá sớm để nói đây là xu hướng tăng ổn định. Tác động đến thị trường sẽ phụ thuộc vào việc liệu xung đột có mở rộng sang những khu vực khác ở Trung Đông hay không.

Các nhà kinh doanh dầu mỏ đang để mắt đến Iran - một trong những nước khai thác dầu lớn, quốc gia bị cho là bên đứng sau các cuộc tấn công chống lại Israel. Phương Tây cũng nghi ngờ Iran ủng hộ Hamas, vì trong nhiều video từng được đăng tải trước đây, lực lượng Hamas đã gửi lời cảm ơn đến Tehran vì sự hỗ trợ. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ vẫn chưa tìm thấy bằng chứng cụ thể nào cho thấy Iran có liên quan đến tình trạng xung đột leo thang. Phái đoàn Iran tại Liên Hiệp Quốc cũng phủ nhận mọi sự liên quan của Iran trong cuộc tấn công của Hamas vào Israel. Ngoài ra, hoạt động nghe lén tình báo cho thấy, các nhân vật Iran có vẻ khá ngạc nhiên trước cuộc tấn công của Hamas.

Nếu tình hình tiếp tục xấu đi, thị trường toàn cầu sẽ thực sự đối mặt với nguy cơ nguồn cung dầu trong khu vực giảm. Trong trường hợp này, nguồn cung trên thị trường, vốn đã ở mức vừa phải do quyết định cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+), có thể sẽ còn giảm sâu hơn. Đối mặt với sự thâm hụt này, giá dầu có thể tăng cao.

Xung đột Israel - Hamas có thổi bùng giá dầu
Giá dầu thế giới tăng mạnh ngay sau khi cuộc chiến Israel - Hamas nổ ra

Theo giải thích của ông Dmitry Golubovsky - nhà phân tích tại Golden Coin House, trong kịch bản xung đột leo thang rất mạnh, giá dầu có thể tăng vọt lên mức 200 USD/thùng. Nếu tình hình nhanh chóng được kiểm soát, thị trường sẽ lạc quan và giá có thể giảm trở lại mức 70-80 USD/thùng.

Ông Golubovsky cho biết, có nhiều yếu tố gần đây đã gây ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ. Thứ nhất, nhu cầu đã suy yếu bởi tình trạng suy thoái, bấp bênh của ngành công nghiệp toàn cầu. Trong bối cảnh như vậy, giá dầu dự kiến sẽ không tăng.

Tuy nhiên, có một yếu tố khác gây ảnh hưởng đến giá, đó là sự thiếu hụt dầu trầm trọng. Vào mùa xuân 2023, giữa cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng ở Mỹ, cả thế giới đều mong đợi giá dầu sẽ giảm. Nhưng điều này đã không xảy ra. Chỉ đến khi các nhà đầu cơ bắt đầu trông đợi vào việc tăng giá dầu, giá mới thực sự giảm. Đây quả là một nghịch lý, nhưng lại là cách thị trường hoạt động.

Một yếu tố khác hỗ trợ giá dầu là tình trạng ảm đạm của kho dự trữ chiến lược của Mỹ, khi chỉ còn đủ cho 17 ngày tiêu thụ. Lẽ ra, kho dự trữ này phải trữ đủ lượng dầu cho 100 ngày, nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bán đi một phần số dầu dự trữ đó nhằm kiểm soát giá nhiên liệu. Ngoài ra, một lượng lớn dầu đã được gửi sang châu Âu - khu vực khó khăn về nhiên liệu kể từ khi triển khai các lệnh trừng phạt Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Những cân bằng mong manh đó đã giữ giá dầu ở mức 85-90 USD/thùng. Nhưng giờ đây, tình hình ở Trung Đông có thể sẽ “đổ dầu vào lửa”. Tình hình này có thể đẩy giá dầu lên mức 150 USD và hơn thế, hoặc nếu tình hình bình thường trở lại, giá có thể được kéo xuống mức 70 USD như vào đầu năm 2023. Tuy vậy, hiện dường như không có dấu hiệu nào cho thấy tình hình sẽ được giải quyết nhanh chóng.

Xung đột Israel - Hamas có thổi bùng giá dầu
Người biểu tình Palestine ở biên giới Israel - Gaza

Xung đột mức độ nào khiến giá dầu tăng vọt?

Một câu hỏi đặt ra là tình hình phải leo thang đến mức nào mới đẩy cao giá dầu? Ví dụ, liệu Iran có can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột? Theo ông Golubovsky, sự can thiệp của các nhóm thân Iran là đủ để khiến giá dầu tăng vọt. Hiện tại, theo phần lớn các phương tiện truyền thông chính thống, Hamas dường như đang hành động một mình.

Cái kết của xung đột vẫn còn rất xa. Hơn nữa, cần xét đến những hậu quả tai hại nếu Israel tấn công trên bộ. Hành động ấy sẽ khiến các quốc gia Hồi giáo đoàn kết lại và chung tay giơ cao một biểu ngữ.

Một mình Hamas không thể đương đầu với Israel, chủ yếu là do đạn dược sắp cạn kiệt. Tuy nhiên, khu vực này là nơi có những nhóm thân Iran hùng mạnh: Hezbollah ở phía Bắc và cả Lebanon, cũng như những nhóm thay mặt Iran ở Syria và Houthi ở Yemen và nhiều nhóm khác nữa.

Tất cả những lực lượng này, hoạt động tự chủ và có mối liên kết với những tầng lớp thiệt thòi nhất trong xã hội Hồi giáo, có thể đoàn kết trên cùng một mặt trận và chống lại Israel. Một liên minh như vậy có thể là động lực chính đẩy giá dầu lên cao, làm tăng nguy cơ rủi ro địa chính trị.

Khi đó, chọn duy nhất của Mỹ, Israel và những nước đồng minh khác là triển khai một hạm đội hải quân và cố gắng tấn công những trung tâm đầu não. Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại, chiến lược này không còn hiệu quả, mặc dù không phải ai cũng nhận ra điều đó.

Nếu hoạt động khủng bố trong khu vực gia tăng, giá dầu cũng sẽ tăng cao. Nếu người Mỹ phản ứng bằng cách gửi hạm đội của họ đến Vịnh Ba Tư nhằm đe dọa Iran thì giá dầu có thể tăng vọt. Thậm chí, Iran không cần phải tham chiến, một phản ứng không thỏa đáng từ phương Tây là đủ bùng lên đám cháy…

Như vậy, cuộc xung đột đang ở thế rất bấp bênh và dễ bùng nổ. Tình trạng này sẽ được tính đến khi định giá dầu Brent. Nhưng một đợt bùng phát thực sự sẽ chỉ xảy ra nếu chiến tranh lan rộng ra ngoài Palestine.

Những cân bằng mong manh đã giữ giá dầu ở mức 85-90 USD/thùng. Nhưng giờ đây, tình hình ở Trung Đông có thể sẽ “đổ dầu vào lửa”. Tình hình này có thể đẩy giá dầu lên mức 150 USD và hơn thế, hoặc nếu tình hình bình thường trở lại, giá có thể được kéo xuống mức 70 USD như vào đầu năm 2023.

Tác động đến thế giới

Giá dầu tăng có phải là điều tích cực đối với Nga - nước đang có xung đột ngay trước cửa châu Âu? Ví dụ, tình hình ấy có giúp củng cố đồng rúp không?

Theo ông Golubovsky, giá dầu sẽ có ảnh hưởng yếu lên tỷ giá đồng rúp, vì Nga đã ngừng cho giao dịch nội địa bằng ngoại tệ. Sự biến động nghiêm trọng của giá dầu sẽ được phản ánh qua đồng rúp, nhưng không phải ngay lập tức.

Nếu tình trạng leo thang ở Trung Đông tiếp tục, thêm vào tình trạng dự trữ ảm đạm của Mỹ, dầu có thể đạt mức 120 USD, hoặc thậm chí là 200 USD/thùng. Dù vậy, đây vẫn chỉ là suy đoán. Nếu điều này xảy ra, nguồn thu ngoại tệ sẽ chảy vào Nga, khiến đồng rúp tăng giá. Thị trường Nga, nhỏ và ít thanh khoản, rất có thể sẽ thấy lại tình hình của năm trước, khi tỷ giá giảm từ 120 RUB đổi 1 USD xuống còn 50 RUB đổi 1 USD.

Đồng rúp mạnh sẽ giúp củng cố Nga trong cuộc xung đột hiện tại với Ukraine. Có lẽ nước này sẽ cảm thấy muốn chinh phục Odessa và dứt khoát đóng cửa quyền tiếp cận Biển Đen đối với người Ukraine.

Chắc chắn, tình hình có thể dịu xuống, nhưng điều đó sẽ không sớm xảy ra trong những ngày tới. Dường như nhiều vấn đề nghiêm trọng đang nảy sinh ở Trung Đông. Tuy điều này nghe có vẻ hoài nghi, nhưng tình hình này có thể sẽ mang lại lợi thế cho Nga.

Còn với phương Tây, giá dầu bùng nổ là một chất xúc tác bổ sung nhằm đẩy các nước này vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Trên thực tế, cuộc khủng hoảng đã bắt đầu, nhưng đang diễn ra ít nhiều khiêm tốn. Thế nhưng, giá dầu tăng sẽ là giọt nước làm tràn ly, gây nên tình huống tồi tệ nhất: Tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng, ngành công nghiệp chậm lại, lạm phát gia tăng do lãi suất cao… tất cả những yếu tố này sẽ gây nên một thảm họa kinh tế lớn.

Một xu hướng kinh tế mới sẽ bắt đầu tại tất cả các nước phát triển có đòn bẩy tín dụng mạnh. Bởi nếu các nước chống lạm phát bằng cách tăng lãi suất, sẽ gây ra suy thoái, sức mua thực tế sẽ giảm và mọi người sẽ bị đẩy ra khỏi thị trường việc làm. Tình trạng lạm phát đình trệ tương tự như những gì đã xảy ra vào những năm 70 thế kỷ XX ở phương Tây sau khi trải qua khủng hoảng dầu mỏ rất có thể sẽ lặp lại...

Một kịch bản khác

Ngày 3-11-2023, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo: “Tác động hạn chế của xung đột Trung Đông đến giá nguyên liệu thô”. Mặc dù xung đột leo thang có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với nguồn cung nguyên liệu thô toàn cầu, đặc biệt là dầu mỏ, WB vẫn duy trì dự báo cho thấy giá dầu đang tương đối ổn định.

Vậy tại sao điều này xảy ra? 3 lý do chính cho sự ổn định này. Thứ nhất, là giảm phụ thuộc vào dầu. Các nền kinh tế phương Tây đang ngày càng ít phụ thuộc vào dầu. Thứ hai, đa dạng nguồn cung. Trung Đông không còn là khu vực sản xuất dầu duy nhất, bởi sự cạnh tranh từ Bắc Mỹ và Na Uy. Thứ ba, việc tạo ra các kho dự trữ dầu chiến lược cho phép các chính phủ trấn an thị trường. Ngay cả trong trường hợp gián đoạn, họ vẫn có thể bảo đảm nguồn cung liên tục. Mặc dù thị trường có vẻ ổn định, WB vẫn lo ngại về một “tác động lớn” có thể xảy ra với nguyên liệu thô từ xung đột Trung Đông. Trong kịch bản xấu nhất là xung đột lan rộng khắp khu vực, dầu mỏ sẽ đạt đến mức cao kỷ lục, vượt 147 USD/thùng. Ngoài xung đột ở Trung Đông, cuộc giao tranh ở Ukraine cũng ảnh hưởng đáng kể đến thị trường hàng hóa. Kết quả, WB đã cảnh báo: “Nếu xung đột leo thang, nền kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt với cú sốc năng lượng kép lần đầu tiên sau nhiều thập niên”.

Nếu tình trạng leo thang ở Trung Đông tiếp tục, nguồn cung dầu trong khu vực sẽ có nguy cơ giảm, giá dầu có thể tăng cao. Đối với Nga, một kịch bản như vậy đồng nghĩa là tăng doanh thu từ dầu mỏ, đồng rúp mạnh lên và có thặng dư ngân sách. Đối với Mỹ và châu Âu - vốn đang đứng bên bờ vực lạm phát đình trệ, giá dầu cao có thể gây ra một cuộc khủng hoảng lớn.

S.Phương