Vòng đàm phán thứ bảy về thỏa thuận hạt nhân Iran được nối lại trong bối cảnh có nhiều quan ngại

20:58 | 29/11/2021

|
(PetroTimes) - AP, Tass ngày 29/11 đưa tin hôm thứ Hai (29/11), đại diện ngoại giao của Iran và 5 cường quốc thế giới (Nga, Anh, Đức, Trung Quốc và Pháp) đã nối lại các cuộc đàm phán tại Vienna về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA). Đây là vòng đàm phán thứ bảy, sau 5 tháng bị gián đoạn, từ tháng 6/2021, do cuộc bầu cử ở Iran. Hôm chủ Nhật đã diễn ra các vòng tham vấn không chính thức giữa các bên tham gia đàm phán.
Vòng đàm phán thứ bảy về thỏa thuận hạt nhân Iran được nối lại trong bối cảnh có nhiều quan ngại
Cuộc đàm phán về việc nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna. Ảnh: Tư liệu/AFP.

Đặc phái viên của EU về đàm phán hạt nhân với Iran Enrique Mora chủ trì phiên đàm phán, cho biết “công việc chuẩn bị căng thẳng đang diễn ra”. Hôm Chủ nhật, Trưởng đoàn đàm phán mới của Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri phát biểu với kênh truyền hình nhà nước Iran rằng Iran bước vào cuộc đàm phán với “ý chí nghiêm túc và sự chuẩn bị mạnh mẽ”. Tuy nhiên, Ali Bagheri nhấn mạnh rằng “hiện tại chúng ta không thể đoán trước được về độ dài của các cuộc đàm phán này”.

Lập trường các bên

Iran muốn tập trung vào việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân cần đưa ra những đảm bảo rằng Iran sẽ được hưởng lợi từ thỏa thuận này. Iran đã đưa ra những yêu cầu theo chủ nghĩa tối đa, trong đó yêu cầu Mỹ giải phóng tài sản 10 tỷ USD của Iran bị đóng băng như một cử chỉ thiện chí ban đầu.

Hôm thứ Hai, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho rằng Mỹ có thể “có một vé” quay trở lại bàn đàm phán hạt nhân nếu Mỹ đồng ý với việc dỡ bỏ thực sự các lệnh trừng phạt. Iran cũng chỉ trích quan điểm của hai Bộ trưởng Ngoại giao Anh và Israel cam kết “làm việc ngày đêm để ngăn chặn Iran trở thành cường quốc hạt nhân”.

Tổng thống Joe Biden đã đánh tín hiệu về việc Mỹ muốn trở lại tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Đặc phái viên Mỹ về Iran Robert Malley gián tiếp tham gia vào cuộc đàm phán, thông qua các cuộc tham vấn riêng với các thành viên khác tham gia JCPOA. Trả lời hôm chủ Nhật, Đặc phái viên Mỹ Malley cho biết các dấu hiệu từ Iran "không phải là đặc biệt đáng khích lệ."

Trưởng đoàn đàm phán của Nga, Đại diện thường trực của Nga tại các Tổ chức Quốc tế tại Vienna, Đại sứ Mikhail Ulyanov cho biết hôm chủ Nhật, Nga đã có các cuộc tham vấn không chính thức “hữu ích” với các quan chức Iran và Trung Quốc nhằm hiểu rõ hơn lập trường đàm phán cập nhật của Tehran.

Vòng đàm phán thứ bảy về thỏa thuận hạt nhân Iran được nối lại trong bối cảnh có nhiều quan ngại
Cuộc gặp giữa Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi và Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian tại Tehran, Iran hôm 23/11/2021. Ảnh: Majid Asgaripour/WANA (West Asia News Agency) via REUTERS.

Đại sứ Nga Mikhail Ulyanov cho biết có áp lực buộc quá trình đàm phán phải tiến triển sau một thời gian tạm dừng kéo dài, nhấn mạnh các cuộc đàm phán không thể kéo dài mãi mãi, “rõ ràng là cần phải tăng tốc quá trình này”. Đại sứ Nga nêu rõ Mátxcơva kỳ vọng vòng đàm phán mới ở Vienna sẽ thành công tốt đẹp. "Nga tham gia vào các cuộc đàm phán với hy vọng rằng công việc này sẽ thành công và sẽ được kết thúc vào một thời điểm hợp lý. Chúng tôi không muốn lãng phí thời gian".

Sự kỳ vọng thấp của dư luận đối với khả năng đột phá trong đàm phán

Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ đáng kể trong 6 vòng đàm phán trước tại Vienna, các bên đã không đạt được mục tiêu chính là khôi phục hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân JCPOA. Sự kỳ vọng cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015 ở mức thấp trong bối cảnh dư luận lo ngại Iran đang ngấm ngầm đẩy mạnh chương trình hạt nhân và thực hiện cách tiếp cận cứng rắn.

Theo các chuyên gia không phổ biến vũ khí hạt nhân, Iran hiện đã làm giàu một lượng nhỏ uranium có độ tinh khiết lên tới 60%, một bước ngắn so với cấp độ vũ khí là 90%. Iran cũng quay các máy ly tâm tiên tiến bị cấm theo theo JCPOA và kho dự trữ uranium của nước này hiện vượt xa giới hạn của thỏa thuận. Iran nói rằng duy trì chương trình nguyên tử là vì mục đích hòa bình. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng Tehran có thể tiến tới các biện pháp thậm chí còn cực đoan hơn để cố gắng buộc phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Vấn đề trở nên khó khăn hơn là các thanh sát viên hạt nhân của Liên hợp quốc vẫn không thể giám sát đầy đủ chương trình hạt nhân của Iran sau khi Tehran hạn chế quyền tiếp cận của họ. Trong chuyến đi đến Iran tuần trước (23/11), Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi, đã không đạt được bất kỳ tiến bộ nào về vấn đề quyền tiếp cận của các thanh sát viên hạt nhân của Liên hợp quốc ở Iran./.

Thanh Bình