Vì sao Tòa án Công lý EU đưa ra phán quyết với Gazprom

17:25 | 19/07/2021

|
(PetroTimes) - Tòa án Công lý EU (CJEU) đã đưa ra phán quyết buộc Gazprom tuân thủ hạn chế 50% công suất đường ống dẫn khí OPAL.
Vì sao Tòa án Công lý EU đưa ra phán quyết với Gazprom

Đường ống dẫn khí OPAL có công suất 33,6 tỷ m3/năm, là một trong 2 nhánh nối đường ống Nord Stream với hệ thống phân phối khí đốt châu Âu theo quy tắc Gói năng lượng số 3. Dự án đường ống Nord Stream 2 đang được gấp rút hoàn thành và sẽ sử dụng đường ống EUGAL (song song với OPAL) để đưa khí từ Nga sang Đức, và bỏ qua lãnh thổ Ukraine và Ba Lan. Nếu không có dự án EUGAL trị giá 3 tỷ euro thì dự án Nordstream 2 về cơ bản là không hiệu quả.

Phán quyết được đưa ra trong bối cảnh Gazprom đã liên tiếp từ chối đăng ký thêm công suất trung chuyển khí đốt qua Ba Lan, Ukraine.

Phán quyết của CJEU sẽ làm giảm khoảng 10 tỷ m3 lưu lượng khí qua Nord Stream mỗi năm. Trước mắt, Gazprom có thể tận dụng một phần công suất đường ống Nord Stream 2. Tuy nhiên, giới luật sư cảnh báo, tòa án đã chính thức hóa nguyên tắc đoàn kết năng lượng châu Âu, điều này hình thành tiền lệ không hề có lợi cho Gazprom trong các tranh chấp tương lai.

Do đe dọa vai trò quốc gia trung chuyển khí đốt giữa LB Nga và EU của Ba Lan và Ukraine, Ba Lan đã đệ đơn khiếu nại lên tòa án châu Âu. Theo quan điểm của Châu Âu, nếu tới đây Gazprom tiếp tục từ chối đăng ký thêm công suất qua Ukraine, Ba Lan, khí đốt châu Âu sẽ có đợt tăng giá lên tầm cao mới. Mặc khác, không loại trừ khả năng điều này trở thành cớ để các đối thủ đường ống Nord Stream 2 cáo buộc LB Nga sử dụng khí đốt như công cụ ảnh hưởng địa chính trị.

Tuyên bố chung trong chuyến thăm làm việc chính thức giữa Thủ tướng Đức A. Merkel và Tổng thống Mỹ J. Biden nêu rõ – LB Nga không được sử dụng đường ống dẫn khí Nord Stream 2 như một công cụ vũ khí, và không thể thay thế trung chuyển khí đốt qua Ukraine. Tính đến thời điểm ngày 15 tháng Bảy, Gazprom đã tăng 24% xuất khẩu khí đốt sang thị trường EU lên 107,5 tỷ m3, nhưng mới chỉ bù đắp được 22,4 tỷ m3, tương đương 30% khối lượng đã sử dụng, trong khi nhu cầu lấp đầy hệ thống UGS vẫn đang ở mức rất cao.

Xuân Thắng