Vai trò của khí đốt thiên nhiên trong quá trình chuyển đổi năng lượng

15:00 | 18/03/2021

|
Đánh giá về vai trò của khí đốt thiên nhiên trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu hiện nay, Trung tâm dầu khí Ernst&Young tại Moscow cho rằng, hầu hết các tổ chức, cơ quan trong ngành và những người chơi trên thị trường đều đồng ý rằng, nhiên liệu khí đốt sẽ trở thành một phần không thể thiếu và có vai trò liên kết trong quá trình chuyển đổi năng lượng trong những thập kỷ tới.

Năm 2020 được đánh giá là một năm chưa từng có đối với thị trường khí đốt. Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), sự sụt giảm tổng thể nhu cầu khí đốt toàn cầu trong năm ở mức 2,5%. Nguyên nhân chính được cho là sự biến động quy mô lớn, từ thặng dư cực đại đến thiếu hụt trầm trọng do gián đoạn nguồn cung và khí hậu lạnh khắc nghiệt chưa từng có trong vài thập kỷ qua trên khắp Bắc bán cầu, từ Nhật Bản kéo dài đến Texas (Mỹ). Giá 1 triệu BTU đã dao động trong khoảng từ 1-2 USD vào mùa xuân 2020 đến 10 USD tại trung tâm giao dịch TTF ở châu Âu và lên đến 30 USD tại thị trường Đông bắc Á vào đầu năm 2021. Tình hình hiện tại khiến các nhà phân tích thị trường đặt câu hỏi về quá trình chuyển đổi năng lượng: vai trò của khí đốt và loại khí đốt nào sẽ tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng?

Vai trò của khí đốt thiên nhiên trong quá trình chuyển đổi năng lượng

Hầu hết cơ quan, tổ chức trong ngành và những người chơi trên thị trường nhận định rằng, khí đốt sẽ trở thành một phần không thể thiếu và là mắt xích kết nối trong quá trình chuyển đổi năng lượng trong những thập kỷ tới. Ví dụ, trong báo cáo đánh giá hàng năm về thị trường LNG, được công bố vào cuối tháng hai vừa qua, tập đoàn Shell kỳ vọng nhu cầu khí đốt sẽ tăng trưởng trung bình 1%/năm cho đến năm 2040, trong đó động lực tăng trưởng chính đến từ khu vực châu Á. Khu vực này được dự báo chiếm 48% trong tổng mức tăng trưởng tiêu thụ khí đốt trong 20 năm tới. Châu Á cũng được dự báo sẽ giảm đáng kể tỷ trọng sản xuất nhiệt điện than để tiến tới mục tiêu trung hòa carbon vào giữa thế kỷ mà một số quốc gia trong khu vực đặt ra.

Shell nhận định, khí đốt đang có tiềm năng lớn sử dụng trong các ngành công nghiệp. Ví dụ, trong quá trình luyện thép, bằng cách thay thế nhiên liệu than bằng khí đốt, các nhà luyện kim có thể giảm khoảng 36% lượng khí thải. Ngoài ra trong bối cảnh Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) thắt chặt quy định giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong hoạt động vận tải biển: đến năm 2030 lĩnh vực này sẽ giảm 40% phát thải khí nhà kính so với năm 2008. Do đó, nhu cầu sử dụng LNG làm nhiên liệu cho các tàu vận tải biển dự kiến sẽ tăng lên. Số lượng cảng biển cung cấp kho chứa LNG đã tăng từ 60 cảng lên 128 cảng trong vòng 5 năm vừa qua.

Trong bối cảnh đó, mặc dù hầu hết các công ty dầu khí lớn có sự quan tâm khá mờ nhạt đối với các tài sản dầu mỏ mới, họ vẫn tập trung vào các dự án LNG, đồng thời tái khởi động các quyết định đầu tư vốn đã bị “đóng băng” trong năm 2020 do sự không chắc chắn của thị trường khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Song song với đó, để phù hợp với mô hình thị trường mới và duy trì tính cạnh tranh, các nhà sản xuất LNG sẽ phải thực hiện các giải pháp sáng tạo ở tất cả các mắt xích của chuỗi giá trị, tìm cách giảm phát thải khí nhà kính, cũng như “xanh” hóa nguồn cung của mình tại các khu vực đã tuyên bố các mục tiêu về khí hậu. Ví dụ như giải pháp bù đắp lượng phát thải carbon bằng các chứng chỉ phát thải, đã được một số công ty áp dụng.

Viễn Đông

WB tài trợ thêm 22,5 triệu USD phát triển hệ thống năng lượng mặt trời ở 19 quốc gia châu PhiWB tài trợ thêm 22,5 triệu USD phát triển hệ thống năng lượng mặt trời ở 19 quốc gia châu Phi
Khủng hoảng năng lượng ở Texas cảnh báo tính bấp bênh của thị trường khí đốt toàn cầu sẽ tiếp diễnKhủng hoảng năng lượng ở Texas cảnh báo tính bấp bênh của thị trường khí đốt toàn cầu sẽ tiếp diễn
CNOOC cần tăng gấp đôi các dự án mua bán và khai thác khí đốt để đạt mục tiêu chuyển đổi năng lượngCNOOC cần tăng gấp đôi các dự án mua bán và khai thác khí đốt để đạt mục tiêu chuyển đổi năng lượng