Từ bỏ chiến lược? Chọn thị phần dài hạn hay giá cả - Bài toán khó cho OPEC+

10:01 | 16/09/2020

|
(PetroTimes) - Chuyên gia Tsvetana Paraskova của hãng tin Oil Price mới đây có bài viết phân tích về việc liên minh OPEC+ đang cân nhắc điều chỉnh hạn ngạch cắt giảm trước tình hình giá dầu giảm sâu trong những tuần gần đây.
Dầu tồn kho ở mức cao, các nhà phân tích dự báo trái chiềuDầu tồn kho ở mức cao, các nhà phân tích dự báo trái chiều
Trafigura Group bi quan về thị trường dầu thời gian tớiTrafigura Group bi quan về thị trường dầu thời gian tới
Israel chấp thuận cho Chevron tiếp quản các mỏ khí đốt của Noble EnergyIsrael chấp thuận cho Chevron tiếp quản các mỏ khí đốt của Noble Energy
1003-opec-oil-price

Việc cắt giảm sản xuất dầu kỷ lục mà OPEC+ khởi xướng nhằm “cứu” nhu cầu và giá dầu sụt giảm mạnh trong quý II vừa qua đã giúp thị trường dầu mỏ toàn cầu tương đối ổn định trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, giá dầu đang bị giới hạn quanh mức 40 USD/thùng từ cuối quý II/2020 đến nay. Mặc dù ghi nhận sự cải thiện lớn trên thị trường khi giá dầu trung bình đã tăng gấp đôi so với mức trung bình của tháng 4, song vẫn chỉ bằng 50% mức giá theo dự toán ngân sách đối với nhiều nước thành viên OPEC, trong đó có nhà sản xuất dầu hàng đầu Ả Rập Xê Út. Bài toán cân đối ngân sách đang trở nên nặng nề hơn.

OPEC và các đối tác ngoài OPEC, nhất là Nga đang cần giá dầu cao hơn 40 USD/thùng để hỗ trợ nền kinh tế vốn phụ thuộc vào dầu mỏ tránh khỏi suy thoái nặng nề do đại dịch gây ra. Tuy nhiên, giá dầu vẫn tiếp tục duy trì trong biên độ hẹp kể từ tháng 6 sau khi các dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu toàn cầu phục hồi chậm. Bên cạnh đó, mặc dù liên minh OPEC+ nới lỏng hạn ngạch cắt giảm sản lượng song một số nước thành viên vẫn chưa tuân thủ đầy đủ hạn ngạch cắt giảm của mình. Nguồn cung gia tăng và quá trình phục hồi nhu cầu tiêu thụ chững lại đang đẩy thị trường vào tình trạng dư cung với thị trường giao dịch vật lý yếu và tình trạng contango gia tăng trên thị trường dầu kỳ hạn. OPEC một lần nữa bị “kẹt” tại một vị trí khó khăn trên thị trường và liệu tổ chức này có nên tiếp tục cắt giảm sản lượng để hy vọng nhu cầu phục hồi mạnh trong năm tới hay tiếp tục chịu đựng giá dầu thấp kéo dài để bóp nghẹt ngân sách hơn nữa?

Một giải pháp khác là các nước OPEC+ điều chỉnh chiến lược sản xuất một lần nữa để giảm nguồn cung ra thị trường trong bối cảnh đại dịch tiếp tục làm suy giảm khả năng di chuyển và hoạt động kinh tế ở các quốc gia tiêu thụ dầu lớn. Điều đó có nghĩa là chấp nhận hy sinh thị phần trong ngắn hạn để đẩy giá dầu tăng. Theo giám đốc điều hành công ty tư vấn năng lượng Qamar Energy Robin Mills, liên minh OPEC+ nên tìm cách cân bằng giữa lợi ích về giá trong ngắn hạn và thị phần xuất khẩu.

Từ bỏ chiến lược

Một hành động cân bằng như vậy dễ nói hơn làm. Giá dầu hiện tại đang thấp hơn nhiều so với mức giá hòa vốn của nhiều nhà sản xuất trong thỏa thuận. Nhưng việc quay trở lại cắt giảm sâu hơn để giúp thị trường tái cân bằng nhanh hơn và xoay chuyển tâm lý giảm giá trong những tuần gần đây sẽ đồng nghĩa với việc mất thêm thị phần. Điều này có thể thúc đẩy giá dầu tăng lên mức mà hoạt động sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ phục hồi nhanh hơn. Đúng là lần này OPEC+ đã vạch ra một chiến lược trung hạn kéo dài đến tháng 4/2022. Mức cắt giảm hiện tại là 7,7 triệu thùng/ngày, giảm 2 triệu thùng/ngày so với mức trước đó. Tiếp đó, hạn ngạch sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm xuống 5,8 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2021 và kéo dài đến hết tháng 4/2022. Tuy nhiên, một số bằng chứng cho thấy, nhu cầu phục hồi đã bị đình trệ và nhu cầu đối với các loại xăng dầu, đặc biệt là nhiên liệu máy bay có thể sẽ không đạt được mức trước khủng hoảng cho đến năm 2023. Ngày càng có nhiều suy đoán về việc liệu OPEC+ có thể xem xét lại hạn ngạch cắt giảm của liên minh để giúp thị trường tái cân bằng, qua đó hỗ trợ giá dầu tăng.

40 USD/thùng là mức giá rất thấp đối với OPEC+

Lý lẽ thuyết phục nhất về chiến lược cắt giảm sâu hơn sản lượng có thể đến từ việc các thành viên OPEC+ đều phải chịu thiệt hại do giá dầu thấp hiện nay. Ả Rập Xê Út ghi nhận thâm hụt ngân sách trong quý II ở mức 29 tỷ USD do giá dầu sụt giảm và nhu cầu yếu. Chính quyền nước này đã tăng thuế giá trị gia tăng lên gấp 3 lần và cắt giảm các khoản phụ cấp sinh hoạt cho người dân như một biện pháp thắt lưng buộc bụng để cân đối tài chính. Ả Rập Xê Út cũng tiết kiệm ngân sách 26,6 tỷ USD bằng hủy, hoãn hoặc cắt giảm một số chi tiêu hoạt động của các cơ quan chính phủ và cắt giảm nguồn dự phòng cho một số chương trình và dự án quốc gia trong năm 2020. Kuwait thì hiện đang cạn kiệt nguồn tiền trả lương cho đội ngũ công chức và sẽ không đủ ngân sách trả lương sau tháng 11 tới nếu giá dầu vẫn duy trì ở mức thấp. Phía Nga thì kỳ vọng giá dầu sẽ tăng lên trên mức 46 USD/thùng.

Các thành viên trong liên minh này chờ đợi những tín hiệu tích cực từ thị trường tiêu thụ để tăng tốc độ tái cân bằng thị trường. Tuy nhiên, những ngày gần đây không ghi nhận những dấu hiệu tích cực nào. Giá dầu Brent trong tuần này đã giảm xuống dưới 40 USD/thùng, lần đầu tiên kể từ tháng 6 vừa qua.

Thị phần dài hạn có thể quan trọng hơn giá cả

Theo hãng tin Financial Times, mặc dù phe đầu cơ giá tăng trên thị trường và OPEC+ cần tái cân bằng thị trường sớm hơn, phía Ả Rập Xê Út được cho là vẫn tiếp tục hạ giá bán chính thức bất chấp xu hướng giá dầu gần đây. Mặc dù đợt giảm giá sâu trong tuần vừa qua không có lợi cho nguồn thu của Ả Rập Xê Út, xong nhà sản xuất dầu lớn nhất OPEC chưa thấy cần phải cắt giảm sản lượng sâu hơn vì những lo ngại mất thị phần vào tay các nhà sản xuất khác.

Theo nhận định của Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak, thị phần luôn nằm trong mối quan tâm của OPEC+. Việc giành lại thị phần càng sớm càng tốt sẽ là vô cùng quan trọng đối với Nga và các nhà sản xuất dầu khác và thậm chí gia tăng thị phần khi nhu cầu quay trở lại mức trước khủng hoảng.

OPEC đã dựa trên cơ sở sản lượng khai thác dầu đá phiến tại Mỹ đã đạt đỉnh trong năm 2019 để giành lại thị phần. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 và xu hướng chuyển dịch sang các nguồn năng lượng tái tạo khiến tổ chức này lo ngại rằng khủng hoảng đại dịch đã đẩy nhanh đến thời điểm nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu đạt đỉnh.

Việc tập trung vào thị phần có nghĩa là OPEC+ sẽ phải từ bò nguồn thu ngân sách trong ngắn hạn, buộc họ phải gánh thêm nhiều khoản nợ, đẩy mạnh “thắt lưng buộc bụng” và yêu cầu trợ giúp nhiều hơn từ các quỹ đầu tư của chính phủ để bù đắp thiếu hụt ngân sách. Với việc tái cân bằng thị trường dầu mỏ bị chậm lại với nhu cầu phục hồi chậm, OPEC+ phải đối mặt với "tình thế khó xử” cũ. Liệu “nỗi đau” ngắn hạn có thể dẫn đến lợi nhuận trong dài hạn?

Nhận định

Theo những phân tích trên có thể thấy, liên minh OPEC+ đang bị đặt vào một tình huống “khó xử”. Thử nghiệm nới lỏng hạn ngạch cắt giảm sản lượng từ tháng 8 vừa qua của OPEC+ đã không thành công như mong đợi. Nhu cầu tiêu thụ phục hồi yếu, làn sóng thứ hai của đại dịch đang bùng phát mạnh tại các thị trường tiêu thụ lớn như EU và Ấn Độ. Tình trạng dư thừa nguồn cung gia tăng, các kho chứa dầu và nhiên liệu xăng dầu dần bị lấp đầy. Bản thân nội bộ liên minh cũng đang gặp vấn đề khó giải quyết khi một số nước thành viên chưa tuân thủ nghiêm túc hạn ngạch cắt giảm. Chính điều này đang kìm hãm tính hiệu quả và kỷ luật trong việc điều chỉnh sản lượng của toàn OPEC+ phù hợp với tình hình thị trường. Tuy nhiên, khả năng OPEC+ quay trở lại quyết định giảm sản lượng hơn nữa là không cao, nhất là khi lợi ích thị phần dài hạn của nhiều nước thành viên cao hơn lợi ích về giá trong ngắn hạn. Vì vậy, nếu thị trường không xuất hiện những điểm sáng mới từ thị trường tiêu thụ, giá dầu Brent nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì quanh mức 40 USD/thùng.

Phạm TT

Oilprice