Triển vọng quốc tế giữa năm 2021: Xây dựng đường ống và xu hướng thị trường (phần I)

08:27 | 02/09/2021

|
(PetroTimes) - (Petrotimes) - Tạp chí Pipeline&Gas Journal số tháng 8/2021 có bài phân tích tổng quát về hoạt động xây dựng đường ống dầu và khí toàn cầu 6 tháng đầu năm 2021 và xu hướng thị trường trong thời gian tới, cập nhật thông tin tại một số địa bàn trên thế giới. Để góp phần thông tin tới bạn đọc, Petrotimes xin giới thiệu một số nội dung chính.

Thị trường toàn cầu đang hồi phục sau đại dịch Covid-19

Sau giai đoạn xuống đáy do đại dịch Covid-19, thị trường toàn cầu đang hồi phục với nhu cầu năng lượng tiếp tục tăng, nhưng các nhà sản xuất dầu và khí đốt về cơ bản vẫn thận trọng khi cam kết tài chính. Giá cả đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm và kho dự trữ dầu vẫn chưa khôi phục từ mức thấp lịch sử. Với dự báo nhu cầu cao hơn, lĩnh vực trung nguồn toàn cầu có triển vọng sáng sủa và gia tăng kỳ vọng về sự phục hồi liên tục trong vài năm tới, với hoạt động xây dựng sẽ tập trung nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng khí tự nhiên. Bên cạnh đó, tốc độ và mức độ của sự phục hồi vẫn chưa chắc chắn và có thể sẽ rất khác nhau giữa các nền kinh tế, giữa các khu vực khác nhau.

Triển vọng quốc tế giữa năm 2021: Xây dựng đường ống & Xu hướng thị trường (phần I)
LNG nhập khẩu tại Nhà máy điện Hokkaido, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo.

Động lực thúc đẩy thị trường

Theo Báo cáo thị trường khí đốt hàng quý mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố tháng 7/2021, nhu cầu khí đốt toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng 3,6% trong năm 2021, trước khi giảm xuống mức tăng trưởng trung bình 1,7% trong ba năm tiếp theo. Sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 ​​sẽ nâng nhu cầu khí đốt lên trên mức trước đại dịch, sau đó là mức tăng vừa phải hơn đến năm 2024. Tăng trưởng nhu cầu khí đốt tự nhiên trong năm 2021 về cơ bản phản ánh sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, và sẽ được duy trì trong những năm tiếp theo, với tỷ lệ cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và sự chuyển đổi từ các nhiên liệu gây ô nhiễm hơn, như than và dầu, sang khí đốt tự nhiên trong các ngành phát điện, công nghiệp và giao thông vận tải. Theo Westwood Global Energy Group, tổng chi tiêu vốn trên toàn thế giới cho việc lắp đặt đường ống dự kiến ​​sẽ tăng 10% trong năm nay, sau khi giảm gần 30% trong năm 2020; khu vực Bắc Mỹ, châu Á, Đông Âu và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ chiếm 3/4 tổng Capex (chi tiêu vốn) để xây dựng đường ống mới trong giai đoạn 2021-2025.

Nhu cầu LNG tăng đột biến

Một báo cáo gần đây của Morgan Stanley cho biết nhu cầu LNG tăng đột biến là một dấu hiệu khác cho thấy sự phục hồi kinh tế và nhu cầu cơ sở hạ tầng trong tương lai. Nhu cầu LNG toàn cầu tiếp tục gây bất ngờ với chiều hướng tăng, đặc biệt là ở Trung Quốc. Morgan Stanley cho biết thị trường LNG toàn cầu sẽ tiếp tục chứng kiến ​​sự phát triển vượt bậc đến năm 2025, với nhu cầu dự kiến tăng gấp hai lần nguồn cung, dẫn đến sự thiếu hụt công suất vào năm 2023. Đây là một xu hướng tích cực đối với hoạt động xây dựng LNG ở Mỹ và các quốc gia xuất khẩu LNG khác. Nhu cầu ngày càng tăng đối với LNG và cơ sở hạ tầng khí tự nhiên là động lực chính cho hoạt động xây dựng đường ống hiện tại và trong kế hoạch trên toàn thế giới. Westwood cho biết, cơ sở hạ tầng khí đốt sẽ chiếm 66% tổng số dự kiến ​​lắp đặt đường ống mới đến năm 2025.

Một số thông tin cập nhật về phát triển khu vực

Châu Á - Thái Bình Dương

IEA dự báo một nửa nhu cầu khí đốt tự nhiên gia tăng trên toàn thế giới tới năm 2024 đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu khí đốt và LNG, đang dẫn đầu sự phát triển nhanh chóng cơ sở hạ tầng khí đốt trong khu vực. Morgan Stanley cho biết nhập khẩu LNG của Trung Quốc tăng 27% trong 5 tháng đầu năm 2021, so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng trưởng vượt trội nhất khu vực. China Oil & Gas Piping Network Corp. (PipeChina) bắt đầu xây dựng một đường ống trị giá 1,31 tỷ USD (8,5 tỷ NDT), dài 414 km để chuyển khí tự nhiên từ nhà ga LNG 2,2 triệu tấn mỗi năm ở Thiên Tân đến Tây An, Hà Bắc. Đường ống này sẽ kết nối với đường ống Power of Siberia của Gazprom cung cấp khí đốt cho Trung Quốc từ cuối năm 2019, và các đường ống nội địa cung cấp khí đốt từ Khu tự trị Tân Cương.

Triển vọng quốc tế giữa năm 2021: Xây dựng đường ống và xu hướng thị trường (phần I)
Đường ống dẫn khí Power of Siberia trên lãnh thổ của Nga. Ảnh: Gazprom.

Đường ống Power of Siberia dài 3.000 km vận chuyển khí đốt từ các mỏ Chayandinskoye và Kovytka ở Siberia, tới Hắc Long Giang và đến Cát Lâm và Liêu Ninh, dự kiến ​​sẽ tăng dần lên 38 Bcm/năm vào năm 2025, có thể đưa Trung Quốc trở thành khách hàng khí đốt lớn thứ hai của Nga, sau Đức. Gazprom đã nghiên cứu khả thi dự án Power of Siberia 2, cung cấp tới 50 Bcm/năm khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc qua đường Mông Cổ. Thời gian triển khai của dự án sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu và khu vực. Trung Quốc đã mở rộng lưu lượng khí đốt tự nhiên trong năm nay lên 2 Bcm/năm thông qua một đường ống dẫn khí dài 591 km mới được đặt ở tỉnh Hồ Nam, là một phần trong dự án đường ống quốc gia Xin-Yue-Zhe khổng lồ dài 4.159 km, kết nối sản xuất khí đốt ở khu vực tây bắc của Tân Cương đến trung tâm sản xuất phía nam tỉnh Quảng Đông.

Tại Ấn Độ, cơ sở hạ tầng đường ống dẫn khí đang được mở rộng đáng kể khi nước này muốn tăng gấp đôi tỷ trọng khí đốt trong hỗn hợp năng lượng của mình lên 15% vào năm 2030. Các công ty đang đầu tư 60 tỷ USD vào mạng lưới mở rộng các cơ sở nhập khẩu LNG ở phía Tây Ấn Độ và xây dựng các đường ống kết nối chúng đến các bang trước năm 2024. Trong số các dự án lớn hiện đang được công ty khí đốt lớn nhất Ấn Độ Gail Ltd xây dựng, dự án đường ống Urja Ganga dài 2.660 km sẽ kết nối các bang miền đông Bihar, Tây Bengal, Jharkhand và Odisha, với công suất 16 MMscf/d (452,034 MMcm/d), một lượng khí bằng khoảng 10% tổng lượng tiêu thụ hàng ngày của Ấn Độ.

(Còn nữa)

Thanh Bình