Tranh chấp lãnh thổ, xung đột quân sự trên thế giới đang tác động đến thị trường dầu khí toàn cầu (Kỳ 1)

15:48 | 09/07/2020

|
(PetroTimes) - Tạp chí Năng lượng Mới trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài nghiên cứu chuyên ngành “Tranh chấp lãnh thổ, xung đột quân sự trên thế giới đang tác động đến thị trường dầu khí toàn cầu” của nhóm chuyên gia dầu khí. Bài viết phân tích những ảnh hưởng đối với thị trường dầu khí toàn cầu của các vụ tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế,... cũng như các hoạt động quân sự đang gia tăng tại Trung Đông và các điểm nóng trên thế giới. Bài nghiên cứu gồm 3 kỳ được đăng trên Petrotimes https://nangluongquocte.petrotimes.vn/ vào khung 9h hàng ngày, từ ngày 9 đến 11 tháng 7 năm 2020.
tranh chap lanh tho xung dot quan su tren the gioi dang tac dong den thi truong dau khi toan cau ky 1Giá dầu đầu tuần và dự báo những ngày tới
tranh chap lanh tho xung dot quan su tren the gioi dang tac dong den thi truong dau khi toan cau ky 1Liên minh nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc quyết định giá dầu toàn cầu trong tương lai?

Kỳ 1: Thăm dò khai thác nguồn tài nguyên dầu khí tại khu vực đông Địa Trung Hải

Trong 2 thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, nhiều mỏ khí thiên nhiên lớn đã được phát hiện tại vùng biển phía đông Địa Trung Hải, xung quanh các quốc gia Ai Cập (Egypt), Síp (Cyprus), Israel, Hy Lạp (Greece), Liban (Lebanon), trong đó nổi bật gồm: Zohr (Ai Cập), Nour, Leviathan, Tamar, Dalit (Israel), Calypso, Glaucos và Aphrodite.

Mỏ khí đốt Zohr ngoài khơi Ai Cập hiện là mỏ khí lớn nhất Địa Trung Hải với tổng trữ lượng khí thu hồi đạt 850 tỷ m3 và đã bắt đầu đi vào khai thác từ tháng 01/2018. Zohr được tập đoàn dầu khí Eni phát hiện năm 2015. Song song với đó, Chính phủ Ai Cập đang lên kế hoạch khởi động 11 dự án khí mới và dự định đưa Ai Cập trở thành trung tâm giao dịch và phân phối khí quốc tế. Việc phát triển mỏ khí đốt lớn nhất khu vực này có thể giúp Ai Cập chuyển từ vị trí từ nước nhập khẩu khí thiên nhiên có thể trở thành trung tâm xuất khẩu khí đốt quan trọng nhất của khu vực.

tranh chap lanh tho xung dot quan su tren the gioi dang tac dong den thi truong dau khi toan cau ky 1

Các mỏ khí ngoài khơi Israel được phát hiện trong vòng 20 năm qua đã mang lại cho nước này nguồn khí thiên nhiên dồi dào. Mỏ khí Leviathan có trữ lượng thu hồi khoảng 620 tỷ m3, mỏ Tamar 307 tỷ m3, mỏ Dalit 15 tỷ m3. Israel đang tích cực xuất khẩu khí đốt sang Ai Cập, góp phần hỗ trợ Ai Cập trở thành trung tâm LNG lớn trên thế giới, đồng thời xây dựng quan hệ tốt đẹp với Hy Lạp và Síp. Cả ba đang hợp tác xây dựng đường ống dẫn khí đốt East Med trị giá 7 tỷ USD từ các mỏ khí đốt của Israel và Síp qua các đảo của Hy Lạp để cung cấp khí cho thị trường Nam Âu và xa hơn.

Kế hoạch này sẽ trở nên có lợi hơn nữa nếu có thêm trữ lượng khí thiên nhiên nữa được phát hiện thông qua các hoạt động thăm dò đang diễn ra quanh đảo Crete và khu vực giáp Liban trên biển.

Tranh chấp nguồn tài nguyên dầu khí giữa Síp và Thổ Nhĩ Kỳ

Các phát hiện trữ lượng khí thiên nhiên lớn tại đảo Síp trong những năm gần đây bao gồm ExxonMobil's Glaucus (trữ lượng thu hồi 140-230 tỷ m3) tại Block 10 và Eni's Calypso (230 tỷ m3). Trước đó, mỏ khí đốt Aphrodite (140 tỷ m3) được phát hiện từ năm 2011 được dự báo sẽ đạt doanh thu ròng 9,5 tỷ USD trong thời gian phát triển mỏ. Tháng 12/2018, Ai Cập và Síp công bố xây dựng đường ống chính kết nối mỏ khí Aphrodite ở ngoài khơi đảo Síp với các cơ sở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Ai Cập. Các thỏa thuận mua bán khí giữa Ai Cập và Síp sẽ cung cấp khí thiên nhiên từ đông Địa Trung Hải sang châu Âu, cạnh tranh trực tiếp với các đường ống khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

tranh chap lanh tho xung dot quan su tren the gioi dang tac dong den thi truong dau khi toan cau ky 1
Bản đồ trữ lượng khí khu vực xung quang đảo Síp

Những người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc đã nhiều lần đưa ra yêu sách về quyền sở hữu tài nguyên dầu khí ở phía bắc hòn đảo, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Cộng hòa Síp (EEZ) đã được quốc tế công nhận. Trong thời gian gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên gửi tàu khoan thăm dò vào vùng biển mà Síp tuyên bố chủ quyền, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục khoan thăm dò khí đốt ở vùng biển này trong khuôn khổ hợp tác với chính quyền ly khai ở phía bắc đảo Síp. Chính phủ Síp không chấp nhận đề xuất hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ do những người Síp gốc Thổ dẫn dắt, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế và EU trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Căng thẳng ngoại giao, thậm chí đã leo thang lên đối đầu quân sự đã xảy ra giữa Síp vàThổ Nhĩ Kỳ.

Tháng 03/2018, các tàu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ buộc một tàu khoan thăm dò của Eni phải dừng hoạt động khoan tại Block 3, phía đông đảo Síp. Tháng 7/2019, Bộ trưởng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đưa tàu địa chấn Oruc Reis gia nhập bộ ba tàu khoan dầu khí (cùng với tàu Fatih và Yavuz) của công ty dầu khí Thổ Nhĩ Kỳ tại đông Địa Trung Hải. Phía Thổ Nhĩ Kỳ thông báo rằng, các hoạt động thăm dò dầu khí của công ty dầu khí Thổ Nhĩ Kỳ được cấp phép bởi chính quyền nước này và chính quyền Bắc Síp. Liên Hiệp Quốc, EU và Cộng hòa Síp lên án hành động thăm dò dầu khí củaThổ Nhĩ Kỳ là bất hợp pháp.

Để đáp trả hành động củaThổ Nhĩ Kỳ, Síp và Hy Lạp đã tuyên bố sẽ bắt giữ bất kỳ tàu khoan nào của Thổ Nhĩ Kỳ cản trở hoạt động khí đốt của mình và kêu gọi liên minh châu Âu trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ. Giới chuyên gia cho rằng ý đồ của Thổ Nhĩ Kỳ xuất phát từ việc Ai Cập, Hy Lạp, Síp và Israel đang nỗ lực tạo ra một cấu trúc năng lượng khu vực nhằm loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi thị trường khí thiên nhiên ở đông Địa Trung Hải. Biểu hiện gần đây nhất là vào tháng 01/2019, Síp, Ai Cập, Hy Lạp, Israel, Ý, Jordan, Palestine đã thành lập Diễn đàn khí đông Địa Trung Hải (EMGF) với sự bảo trở của Mỹ nhằm thúc đẩy phát triển trung tâm LNG tại Ai Cập để xuất khẩu khí thiên nhiên ra thị trường thế giới.

Tranh chấp quyền thăm dò tài nguyên dầu khí giữa Israel và Liban

Sau khi các mỏ khí đốt lớn nêu trên được phát hiện tại đông Địa Trung Hải, nhiều chuyên gia dầu khí cho rằng, các mỏ khí lớn tiếp theo sẽ nằm ở vùng biển Liban, bao gồm cả khu vực tranh chấp trên biển giữa Liban và Israel hiện vẫn chưa được phân định. Lợi nhuận tiềm năng từ hoạt động khai thác dầu khí ở khu vực tranh chấp được dự báo đạt 600 tỷ USD trong vài thập kỷ. Đây chính là động lực lớn để cả hai bên liên tục thúc đẩy các hoạt động thăm dò dầu khí tại đây thời gian qua.

So với các nước trong khu vực như Israel, Síp và Ai Cập đã phát hiện những mỏ khí lớn thì Liban lại trải qua một thập kỷ mất mát khi quốc gia này phải vật lộn với tình hình chính trị bất ổn và xung đột trong nước. Các hoạt động thăm dò liên tục bị trì hoãn. Năm 2017, Chính phủ Liban đã cấp phép khoan thăm dò tại Block 4 cho liên doanh các tập đoàn Total, Eni và Novatek và tiếp tục cấp phép thăm dò cho liên doanh tại Block 9 (2018). Tháng 02/2020, các hoạt động thăm dò đầu tiên tại Block 4 được Total tiến hành, song chưa phát hiện ra các cấu tạo dầu khí có tiềm năng thương mại.

Tháng 5/2020, Bộ trưởng Năng lượng và Nguồn nước Liban thông báo, nước này sẽ bắt đầu thăm dò dầu khí tại Block 9 thuộc vùng lãnh hải của nước này. Một phần của Block 9 nằm trong khu vực tranh chấp lãnh thổ giữa Israel và Liban.

Cuối tháng 6/2020, Chính phủ Israel phê duyệt kế hoạch tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí tại Block 72 (theo cách chia của Israel) hay còn gọi là khu vực "ALon D". Lô dầu khí 72 này nằm cạnh Block 9 của Liban, khu vực mà chính quyền Liban thông báo sẽ bắt đầu khai thác trong vài tháng tới trong thỏa thuận với tập đoàn dầu khí Total. Cả hai block trên đều nằm dọc theo khu vực tranh chấp trên biển giữa hai quốc gia có diện tích 860 km2, kéo dài dọc theo rìa của 02/10 lô dầu khí ngoài khơi của Liban. Trữ lượng dầu khí của Liban ngoài khơi được ước tính khoản 865 triệu thùng và 2.718 tỷ m3 khí thiên nhiên.

Phía Mỹ nhiều lần làm trung gian hòa giải giữa Israel và Liban trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ song đến nay chưa đạt được kết quả tích cực nào.

tranh chap lanh tho xung dot quan su tren the gioi dang tac dong den thi truong dau khi toan cau ky 1
Bản đồ các lô Israel tuyên bố chủ quyền

Nhận xét và đánh giá

Những mỏ khí lớn liên tục được phát hiện thời gian gần đây tại đông Địa Trung Hải gây chấn động địa chính trị năng lượng của châu Âu, khu vực vốn là thị trường truyền thống của khí đốt từ Nga. Ảnh hưởng địa chính trị của Nga đang bị đe dọa từ các khám phá khí đốt khác nhau ở đông Địa Trung Hải và những cuộc tranh chấp đã nổ ra để kiểm soát nguồn tài nguyên của khu vực này.

Các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Síp và Thổ Nhĩ Kỳ, giữa Israel và Liban leo thang thời gian gần đây xuất phát chủ yếu từ tham vọng kiểm soát những tiềm năng khí dồi dào. Những phát hiện khí đốt lớn tại đông Địa Trung Hải là mối lo ngại đối với Nga, chủ yếu là tập đoàn Gazprom, nhà cung cấp hơn 1/3 nguồn khí đốt cho châu Âu. Nguy cơ thực sự của việc mất ảnh hưởng có thể dẫn đến xung đột quân sự trong khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã hoàn thành việc mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Điều này sẽ tạo ra mất cân bằng quyền lực đáng kể trong khu vực và mang lại lợi thế cho Thổ Nhĩ Kỳ thông qua việc kiểm soát không phận, đặc biệt là ở các khu vực tranh chấp. Phía Hy Lạp lo ngại rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có thể triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa dọc theo bờ biển phía nam của mình, gần những nơi mà lực lượng hải quânThổ Nhĩ Kỳ đã hộ tống các tàu khoan thăm dò các mỏ khí đốt ở đông Địa Trung Hải. Do đó, quân đội Hy Lạp đang cảnh giác cao độ. Hy Lạp cùng với các nước Ai Cập, Síp, Israel dường như có sự ủng hộ mạnh mẽ từ Mỹ và EU trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đang thắt chặt quan hệ với Nga.

Về tác động ảnh hưởng đến thị trường dầu khí toàn cầu, có thể nói các tranh chấp, xung đột tại khu vực đông Địa Trung Hải liên quan đến tài nguyên khí dồi dào tác động không đáng kể đến hoạt động sản xuất dầu thô, tinh chế dầu thô khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên vùng biển đông Địa Trung Hải là nơi vận chuyển tổng cộng hơn 6 triệu thùng dầu thô và sản phẩm dầu mỏ mỗi ngày giữa châu Âu và thế giới (châu Âu nhập khẩu dầu thô từ Trung Đông và xuất khẩu các sản phẩm tinh chế ra thị trường thế giới), trong đó vận tải dầu và sản phẩm dầu mỏ qua kênh đào Suez có tần suất khoảng 3,9 triệu thùng/ngày và vận tải dầu thô qua hệ thống đường ống SUMED có tần suất khoản 2,34 triệu thùng/ngày. Đường ống SUMED là tuyến đường ống thay thế duy nhất để vận chuyển dầu thô từ Biển Đỏ đến Địa Trung Hải nếu tàu không thể qua kênh đào Suez. Do đó, nếu xung đột quân sự hay chiến sự xảy ra tại đông Địa Trung Hải, giữa Israel và Liban, hay Thổ Nhĩ Kỳ và Síp, chưa kể Ai Cập và Lybia, cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận tải dầu qua khu vực, gây gián đoạn tạm thời chuỗi cung ứng dầu mỏ trong khu vực và có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung tạm thời đối với một số thị trường tiêu thụ, đẩy giá dầu tăng mạnh.

Viễn Đông và Nhóm PV