TotalEnergies nhận được những dự án dầu khí lớn ở Iraq

15:42 | 06/08/2021

|
(PetroTimes) - Trang tin Oilprice ngày 4/8/2021 đưa tin về việc công ty năng lượng hàng đầu của Pháp TotalEnergies giành được thỏa thuận quan trọng với Iraq để phát triển 4 dự án lớn liên quan đến nguồn tài nguyên dầu khí khổng lồ của Iraq.

Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Iraq sở hữu lượng dự trữ dầu thô là 145 tỷ thùng, bằng 17% tổng trữ lượng của Trung Đông, 8% toàn cầu và lớn thứ năm trên thế giới; với 132 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên, lớn thứ 12 trên thế giới. Sở hữu nguồn tài nguyên chiến lược, Iraq là nơi diễn ra cuộc tranh giành quyền lực giữa Hoa Kỳ và các đồng minh, với Trung Quốc và Nga. Lập trường của Pháp đóng vai trò “người môi giới trung thực”, không liên kết với bên nào trong các tranh chấp ở Trung Đông, đặc biệt là liên quan đến Iraq và Iran, đã tạo thuận lợi cho hoạt động của TotalEnergies ở Iraq.

TotalEnergies đã có kinh nghiệm làm việc liên tục trên khắp đất nước Iraq, nắm giữ 22,5% cổ phần trong mỏ dầu Halfaya ở tỉnh Missan ở phía nam và 18% cổ phần trong thăm dò ở khu vực Sarsang, khu vực phía bắc Iraq. Iraq và TotalEnergies đạt được thỏa thuận về các dự án lớn sau khi đã ký Biên bản ghi nhớ ngày 27/1/2021 về việc phát triển các dự án quy mô lớn, trong đó có dự án phát triển khí đồng hành ở Ratawi ở phía nam, Diyala ở phía đông và Anbar ở phía đông bắc.

Pháp làm thế nào để bảo đảm các dự án dầu khí lớn ở Iraq?
Cơ sở trong nhà máy sản xuất khí tại mỏ dầu Rumaila, Basra, Iraq. Ảnh: Esam Al-Sudani/Reuters.

Dự án đầu tiên TotalEnergies tiếp quản là dự án cấp nước biển chung (CSSP). Ở miền nam Iraq, việc hoàn thành dự án CSSP là vấn đề hậu cần quan trọng, có thể giúp tăng sản lượng dầu thô lên mục tiêu ngắn hạn 7 triệu thùng/ngày hoặc mục tiêu tầm xa hơn là 9 triệu thùng/ngày, thậm chí 12 triệu thùng/ngày. Dự án CSSP liên quan đến việc lấy và xử lý nước biển từ Vịnh Ba Tư, vận chuyển qua đường ống đến các cơ sở sản xuất dầu để duy trì áp suất trong các hồ chứa dầu, tối ưu hóa tuổi thọ và sản lượng của các mỏ dầu. Ban đầu, CSSP có mục tiêu cung cấp nước để sản xuất 6 triệu thùng dầu/ngày cho 5 mỏ dầu ở phía nam Basra và một mỏ dầu ở tỉnh Maysan, sau đó mở rộng cung cấp nước cho các mỏ dầu ở xa hơn. Nhu cầu về nguồn nước cung cấp cho mỏ dầu là cao nhất ở miền nam Iraq, nơi mà nguồn nước cũng khan hiếm nhất. Để duy trì mục tiêu sản xuất dầu thô trong tương lai, Iraq sẽ có nhu cầu bơm nước tương đương với 2% tổng lượng dòng chảy trung bình kết hợp của sông Tigris và sông Euphrates.

Pháp làm thế nào để bảo đảm các dự án dầu khí lớn ở Iraq?
Mỏ dầu Luhais ở miền nam Iraq. Ảnh: NrgEdge.

Dự án lớn thứ hai của TotalEnergies là dự án thu giữ và tinh chế khí tự nhiên đồng hành tại 5 mỏ dầu ở miền nam Iraq là Tây Qurna 2, Majnoon, Tuba, Luhais và Ratawi. Dự án thứ ba trong bốn dự án lớn của TotalEnergies là khai thác chuyên biệt nguồn tài nguyên khí đồng hành ở mỏ dầu Ratawi. Dự án khí đồng hành dự kiến ​​sẽ sản xuất ít nhất 300 triệu feet khối khí tiêu chuẩn mỗi ngày và tăng gấp đôi sau giai đoạn phát triển thứ hai. Hiện nay nguồn tài nguyên khí đồng hành khổng lồ của Iraq bị đốt cháy lãng phí. Iraq bị xếp hạng là một trong những quốc gia lãng phí nguồn khí đồng hành nhất trên thế giới, chỉ sau Nga, đốt cháy khoảng 16 tỷ mét khối năm 2020. Việc thu giữ thành công khí đồng hành, thay vì đốt cháy, sẽ cho phép Iraq hồi sinh dự án hóa dầu Nebras trị giá 11 tỷ USD bị đình trệ từ lâu với Shell. Dự án này nếu được tiến hành theo đúng kế hoạch có thể hoàn thành trong 5 năm và sẽ tạo ra lợi nhuận ước tính lên tới 100 tỷ USD cho Iraq trong thời hạn hợp đồng ban đầu là 35 năm.

Dự án cuối cùng trong 4 dự án lớn mà TotalEnergies triển khai ở Iraq, sẽ có cách tiếp cận xanh hơn đối với các nguồn năng lượng của Iraq, là xây dựng và vận hành một nhà máy năng lượng mặt trời 1.000 megawatt./.

Thanh Bình