Tổng thống Biden 100 ngày cầm quyền: Giữ trừng phạt thời Trump và tìm bạn bè trong cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc

09:00 | 30/04/2021

|
Đưa tin về phát biểu sau 100 ngày cầm quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Quốc hội Mỹ ngày 28/4/2021, CNBC ngày 28/4 cho rằng các chính sách vừa qua thể hiện rõ ràng Tổng thống Joe Biden muốn chắc chắn rằng nước Mỹ áp đảo Trung Quốc trên một số mặt trận, trong đó công nghệ là mặt trận tiên phong và trung tâm.
Vụ tàu cá Trung Quốc ở Đá Ba Đầu: EU ra chiến lược mang tính 'bước ngoặt'Vụ tàu cá Trung Quốc ở Đá Ba Đầu: EU ra chiến lược mang tính 'bước ngoặt'
Trung Quốc: Va chạm tàu ​​chở dầu khiến hàng triệu thùng dầu tràn ra biểnTrung Quốc: Va chạm tàu ​​chở dầu khiến hàng triệu thùng dầu tràn ra biển

Tổng thống Biden đã đưa ra các kế hoạch đầu tư nhiều tỷ đô la vào các lĩnh vực công nghệ then chốt, trong đó có bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch. Tổng thống Mỹ cũng đang thúc đẩy các kế hoạch được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng, trong đó có kế hoạch 2 nghìn tỷ đầu tư cơ sở hạ tầng, 1,8 nghìn tỷ cho các gia đình, trẻ em và sinh viên, duy trì sự tăng trưởng kinh tế sau đại dịch và thúc đẩy sáng kiến năng lượng xanh, nhằm tái cơ cấu nền kinh tế trong những năm tới.

Trong khi duy trì những biện pháp trừng phạt từ thời chính quyền Tổng thống Trump, Tổng thống Biden đang tìm kiếm việc hình thành các liên minh chiến lược về công nghệ với các nước đồng minh, giữ những biện pháp cứng rắn về xuất khẩu đối với các công ty công nghệ Trung Quốc, đồng thời bổ sung một số nhân tố mới là hợp tác với các đồng minh trong các lĩnh vực được coi là thiết yếu, như bán dẫn, và tập trung vào việc tăng cường năng lực nội địa. Trưởng nhóm công nghệ của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group Paul Triolo cho rằng “Ưu tiên hàng đầu là sáng tạo nội địa và thúc đẩy liên minh công nghệ để điều phối các biện pháp đối đầu với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ.”

Tổng thống Biden 100 ngày cầm quyền: Giữ trừng phạt thời Trump và tìm bạn bè trong cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc
Tổng thống Biden phát biểu trước Quốc hội Mỹ ngày Thứ Tư, 28/4/2021. Ảnh: Doug Mills/The New York Times

Những chính sách được thực thi là gì?

Chính quyền Biden giữ một số lệnh cấm xuất khẩu từ thời Tổng thống Trump như việc công ty Huawei, công ty SMIC, công ty sản xuất chip điện tử lớn nhất Trung Quốc, bị đặt trong “danh sách đen”, và hạn chế các công ty Mỹ xuất khẩu công nghệ cho những công ty nằm trong danh sách này. Chính quyền Trump muốn bảo đảm rằng các công nghệ quan trọng của Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực thiết yếu như chíp bán dẫn, không được để lọt vào tay các công ty Trung Quốc.

Tổng thống Biden đã đưa ra những chính sách thúc đẩy sự sáng tạo của Mỹ. Giám đốc công ty tư vấn Horizon Emily de La Bruyere cho rằng “trong khi chính quyền Trump có khuynh hướng tập trung vào các biện pháp phòng thủ (như hạn chế các công ty quân sự Trung Quốc), thông điệp đầu tiên trong cách tiếp cận của Tổng thống Biden cho thấy có nhiều biện pháp chủ động, nhiều lựa chọn khác trong cách tiếp cận đối với Trung Quốc, trong đó có các kế hoạch đầu tư lớn. Trong kế hoạch Công việc cho người Mỹ, Tổng thống Biden kêu gọi Quốc hội dành 180 tỷ USD đầu tư để thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Mỹ trong các công nghệ quan trọng và nâng cấp hạ tầng nghiên cứu của Mỹ. Tổng thống Mỹ cũng kêu gọi đầu tư 50 tỷ USD vào khu vực sản xuất và nghiên cứu, thông qua Điều luật hai đảng CHIPS.

Đầu tháng 4, một số Nghị sỹ Dân chủ và Cộng hòa đã tái đề xuất dự luật Điều luật Biên giới Vô hạn (Endless Frontier Act). Dự luật này đề xuất thay tên Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) thành Quỹ Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NSTF), là một cơ quan độc lập của Chính phủ Mỹ thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Một hội đồng công nghệ sẽ được thành lập dưới cái tên NSTF và sẽ được cấp 100 tỷ USD trong 5 năm để “làm sống lại vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc phát hiện và ứng dụng công nghệ quan trọng góp phần định hình sự cạnh tranh toàn cầu”. Hội đồng sẽ tài trợ nghiên cứu 10 lĩnh vực quan trọng, trong đó có trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, robot, vật liệu học, công nghệ thông tin tiên tiến.

Theo Paul Triolo, việc tập trung vào đầu tư nội địa nhưng đồng thời duy trì kiểm soát xuất khẩu được thúc đẩy trước tiên bởi nhu cầu bảo vệ vai trò lãnh đạo công nghệ của công ty Mỹ trong các lĩnh vực quan trọng, trong đó có sản xuất bán dẫn. Nâng cao các rào cản bảo vệ công nghệ Mỹ, “vũ khí hóa” những chuỗi cung ứng quan trọng cũng là một phần trong nỗ lực kiềm chế sự lớn mạnh của Trung Quốc trong chiến lược của chính quyền Biden.

Liên minh công nghệ quốc tế

Tập trung cho “chủ nghĩa đa phương” là một sự khác biệt khác nữa giữa chính quyền Biden và chính quyền Trump trong cách tiếp cận công nghệ đối với Trung Quốc. Chính quyền Biden muốn thiết lập những liên minh công nghệ quốc tế với các nước đồng minh, bạn bè. Trong cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Tổng thống Biden nói Mỹ và Nhật Bản muốn hợp tác trong nghiên cứu và phát triển những lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học. Hai nước Mỹ và Nhật Bản sẽ là đối tác của nhau trong “chuỗi cung ứng, bao gồm cả bán dẫn, thúc đẩy và bảo vệ những công nghệ quan trọng, thiết yếu đối với an ninh và phồn vinh của hai nước”. Tổng thống Biden sẽ tiếp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In ở Washington trong tháng 5 và vấn đề công nghệ, bán dẫn sẽ là một phần trong trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo.

Trung Quốc đang làm gì?

Việc tập trung của Chính quyền Biden trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên vào công nghệ là một phần phản ứng đối với tham vọng công nghệ ngày càng lớn của Trung Quốc. Trong kế hoạch 5 năm, Trung Quốc nêu “tự cường và tự hoàn thiện về khoa học và công nghệ là một trụ cột chiến lược cho sự phát triển quốc gia”. Trung Quốc cũng đang thúc đẩy để đóng vai trò lớn hơn trong việc phát triển các tiêu chuẩn toàn cầu, làm cơ sở cho việc phát triển những công nghệ tương lai.

Theo Giám đốc Công ty tư vấn Horizon, câu hỏi đặt ra là cách tiếp cận của chính quyền Biden về công nghệ đối với Trung Quốc chỉ bao gồm các lĩnh vực lớn của công nghệ hay cả các lĩnh vực công nghệ có giá trị thấp hơn mà hiện Trung Quốc đang có ưu thế. Một câu hỏi khác là liệu Mỹ có thể cạnh tranh với Trung Quốc trong việc ứng dụng quy mô lớn, ứng dụng toàn cầu những năng lực công nghệ mà Mỹ đang sử dụng trong nước, trong đó tiêu chuẩn công nghệ. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là liệu Mỹ có khả năng thông qua một khuôn khổ chiến lược toàn diện cần thiết để cạnh tranh hiệu quả với cách tiếp cận của Trung Quốc./.

Thanh Bình