Tin Thị trường: Thị trường dầu thô chua ngày càng thắt chặt

15:02 | 21/08/2023

|
(PetroTimes) - Triển vọng nhu cầu dầu diesel ảm đạm trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm chạp; Thị trường dầu thô chua thắt chặt hơn nữa khi Kuwait thắt chặt xuất khẩu...
Tin Thị trường: Thị trường dầu thô chua ngày càng thắt chặt

Triển vọng nhu cầu dầu diesel ảm đạm

Giới phân tích đang xem xét lại triển vọng nhu cầu dầu diesel cho thời gian còn lại của năm nay do tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc chậm hơn dự kiến, lưu ý rằng điều này có nghĩa là xuất khẩu nhiên liệu từ Trung Quốc có thể vẫn mạnh, hãng Reuters đưa tin.

Dữ liệu từ Rystad Energy và IEA cho thấy sự tăng trưởng yếu về nhu cầu đối với dầu diesel giúp duy trì hoạt động của các nền kinh tế có thể sẽ kéo dài đến năm 2024.

Theo hãng tư vấn Rystad Energy, nhu cầu dầu diesel ở Trung Quốc sẽ tăng 3,81 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm nay. Con số này giảm so với dự báo tăng trưởng 3,9 triệu thùng/ngày được đưa ra trước đó.

Reuters cho rằng, đây là mức điều chỉnh vừa phải, và tăng trưởng nửa cuối năm sẽ vẫn cao hơn 3,8% so với tăng trưởng nửa đầu năm về nhu cầu dầu diesel. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã hạ triển vọng nhu cầu dầu diesel và gasoil tại Trung Quốc, do tăng trưởng nhu cầu dầu diesel thấp hơn 127.000 thùng/ngày so với hồi tháng 3 năm nay.

Lý do cho những điều chỉnh này được xem là do tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự báo trước đó. Một nhà phân tích của Rystad Energy nói: "Nhu cầu dầu diesel vẫn đang tăng, nhưng với tốc độ thấp hơn dự kiến".

Dự trữ dầu diesel tăng ở Trung Quốc cũng góp phần khiến các tổ chức dự báo có tâm lý bi quan hơn, Reuters lưu ý.

Thị trường dầu chua thắt chặt hơn nữa

Thị trường dầu chua ở châu Á đang khan hiếm khi Kuwait cắt giảm xuất khẩu để tập trung cho một nhà máy lọc dầu mới, cộng thêm việc các nhà khai thác lớn ở Trung Đông trong nhóm OPEC+ cắt giảm sản lượng để hạn chế hơn nữa nguồn cung dầu chua nặng và vừa.

Các nhà phân tích từ công ty tư vấn năng lượng Energy Aspects, Rystad Energy, FGE và S&P Global Commodity Insights cho hay, Kuwait hiện đang trong quá trình tăng cường hoạt động tại nhà máy lọc dầu Al-Zour khổng lồ với công suất 615.000 thùng/ngày và đã giảm nguồn cung dầu thô ra thị trường toàn cầu trong năm nay.

Xuất khẩu dầu thô của Kuwait đã giảm khoảng 10% hàng năm xuống mức trung bình 1,61 triệu thùng/ngày trong 7 tháng đầu năm, theo dữ liệu của Kpler.

Khi nhà máy lọc dầu Al-Zour tăng công suất trong thời gian còn lại của năm, nguồn cung dầu thô của Kuwait có thể giảm 18% trong nửa cuối năm 2023 so với nửa đầu năm, các công ty tư vấn nói với Reuters.

Với nguồn cung dầu chua thấp hơn từ Kuwait, các nhà máy lọc dầu châu Á đang phải cạnh tranh để mua được dầu thô chua. Trên thực tế, Ả Rập Xê-út và Iraq, hai nhà khai thác dầu chua chủ chốt, cũng đang cắt giảm sản lượng, khiến thị trường dầu thô chua trở thành một trong những thị trường nóng nhất năm nay và làm giảm lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu châu Á.

Trong Báo cáo thị trường dầu hàng tháng, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết: "Với việc cắt giảm sản lượng gây ảnh hưởng nặng nề đến thị trường dầu chua nặng, chuẩn dầu Dubai đang được giao dịch ở mức cao hiếm thấy so với Brent, trong khi giá dầu thô Urals đã vượt mức trần do G7 áp đặt, khiến tất cả dầu xuất khẩu của Nga không đủ điều kiện cho các dịch vụ hàng hải của G7 và EU".

Nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Trung Quốc vẫn mạnh

Dữ liệu Hải quan Trung Quốc cho thấy, nhập khẩu năng lượng của nước này tăng mạnh khi quốc gia châu Á ưu tiên an ninh năng lượng

Bất chấp tăng trưởng kinh tế chậm chạp ở Trung Quốc có thể sớm ảnh hưởng đến nhu cầu dầu khí, nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của quốc gia này vẫn tăng khá mạnh. Sự phụ thuộc của nước này vào nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng tiếp tục thúc đẩy đà tăng trưởng nhập khẩu.

Mặc dù Trung Quốc và các quốc gia khác trên thế giới đã cam kết giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong thời gian dài do mối đe dọa của biến đổi khí hậu, việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch gia tăng của Trung Quốc làm nổi bật thách thức mà quốc gia này phải đối mặt trong việc thực hiện các cam kết giảm phát thải.

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2023 tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt tổng cộng 326 triệu tấn, theo Hải quan Trung Quốc.

Đồng thời, nhập khẩu khí tự nhiên của nước này tăng 7,6%, đạt tổng cộng 66,88 triệu tấn, bao gồm cả khí tự nhiên hóa lỏng, so với thời điểm một năm trước.

Xu hướng mở rộng sang các sản phẩm dầu, thậm chí còn tăng mạnh hơn. Khối lượng nhập khẩu sản phẩm dầu từ tháng 1 đến tháng 7 tăng vọt 102% so với cùng kỳ năm trước, đạt tổng cộng 27 triệu tấn.

Tương tự, nhập khẩu than của Trung Quốc, một thành phần quan trọng trong hỗn hợp năng lượng của nước này, tăng 88,6% so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng cộng 261 triệu tấn nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm.

Các số liệu nhập khẩu kể trên cho thấy sự tương tác đầy thách thức của các yêu cầu kinh tế, nhu cầu năng lượng và cân nhắc về môi trường.

Bình An