Tin thị trường: Thị trường 2021 dần ổn định

13:51 | 22/12/2020

|
(PetroTimes) - Công ty thương mại Trafigura kỳ vọng nhu cầu dầu thô thế giới sẽ tăng trưởng rất mạnh trong năm 2021, chủ yếu từ phía Trung Quốc, Ấn Độ, EU và Mỹ sau khi chương trình tiêm chủng vacxin đại trà được tiến hành, nhờ đó, giá dầu thế giới sẽ tăng lên 55-60 USD/thùng vào cuối năm 2021.
Công nghiệp dầu mỏ Mỹ liệu có mất đà?Công nghiệp dầu mỏ Mỹ liệu có mất đà?
Anh đóng cửa biên giới, giá dầu rớt thảmAnh đóng cửa biên giới, giá dầu rớt thảm
Tin thị trường: Thị trường 2021 dần ổn định

Năm tài chính vừa qua, Trafigura đã gặt hái được lợi nhuận kỷ lục 6,8 tỷ USD nhờ thị trường biến động mạnh, khối lượng giao dịch (dầu thô và sản phẩm) tăng lên 5,6 triệu bpd – cao nhất trong vòng 27 năm, doanh thu đạt 147 tỷ USD (giảm 15%). Công ty dự báo, trong vòng 4-5 năm tới, dầu và kim loại vẫn sẽ mang lại nguồn thu nhập chính, mặc dù kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của công ty cũng đang phát triển rất nhanh.

Ấn Độ là quốc gia tiêu thụ dầu thô đứng thứ 3 thế giới, khoảng 263 triệu tấn vào năm 2019, tương đương 5,27 triệu bpd, trong khi sản lượng khai thác chỉ đạt 677.000 bpd. Nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu Ấn Độ tháng 11 tăng 0,4% so với tháng 10 lên 17,83 triệu tấn, trong đó, diesel – chỉ số đo sức khỏe nền kinh tế tăng 0,6% lên 7,04 triệu tấn, xăng tăng 0,4% lên 2,66 triệu tấn, tỷ lệ phục hồi so với cùng kỳ năm ngoái 96,3%, tỷ suất hoạt động của các nhà máy lọc dầu công ty IOC tăng lên 100%.

Hiệp hội Dầu mỏ Nhật Bản (PAJ) dự báo nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu nước này trong năm 2021 sẽ không tăng so với năm nay do tiếp tục bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó, nhu cầu xăng máy bay vẫn sẽ ở mức thấp (giảm 37% so với năm 2019), tương đương khoảng 115.000 bpd, nhu cầu xăng ôtô (giảm từ 8-10%) xuống xuống 777.000 bpd. Tổng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của Nhật Bản cuối năm 2019 ở mức là 3,2 triệu bpd.

Argus Consulting dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu thô thế giới năm 2020 ở mức 91,6 triệu bpd, giảm 8,9% so với năm 2019 và sẽ tăng 5,1 triệu bpd lên 96,7 triệu bpd vào năm 2021. Hiện nay (quý 4/20), nhu cầu đã tăng khoảng 730.000 bpd so với quý 3 lên 95 triệu bpd và sẽ duy trì ổn định hết quý 1/21, từ quý 2/21, nhu cầu dự báo sẽ tăng 1,13 triệu bpd lên 96,13 triệu bpd.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu tiêu thụ than thế giới năm 2020 giảm mức kỷ lục 5% và sẽ tăng trở lại 3% vào năm 2021, tuy nhiên sẽ chững lại ở mức 7,4 tỷ tấn vào năm 2025. Sản lượng khai thác thế giới năm 2020 ước tính đạt 7,44 tỷ tấn, giảm 6,5% so với năm 2019, trong đó Trung Quốc dẫn đầu về khối lượng với 3,69 tỷ tấn (49,6%), Nga 5,3% tương đương 394 triệu tấn. Theo IEA, sau khi nhu cầu phục hồi tạm thời vào năm 2021, tiêu thụ than tại châu Âu và Bắc Mỹ sẽ giảm, Trung Quốc ổn định và giảm dần dần, trong khi nhu cầu tại Ấn Độ và các nước Đông Nam Á dự kiến tăng trong vòng 5 năm tới, ASEAN sẽ vượt qua Mỹ và EU trở thành khu vực tiêu thụ than lớn thứ 3 trên thế giới. Cũng theo IEA, sản lượng khai thác than của Nga năm nay sẽ giảm 8% so với năm 2019 và chỉ tăng 0,3% lên 397 triệu tấn vào năm 2021. Xuất khẩu ước tính năm 2020 đạt 207 triệu tấn (giảm 4,5%), tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2021-2025 ở mức 0,6% lên 212 triệu tấn vào cuối kỳ. Con số này thấp hơn khá nhiều so với Chiến lược Năng lượng của Nga, được thông qua vào tháng 6/2020, dự kiến sẽ tăng sản lượng than lên 448-530 triệu tấn vào năm 2024 và lên 485-668 triệu tấn vào năm 2035.

Thời tiết lạnh sớm tại Trung Quốc, Hàn Quốc và tuyết rơi dày 80-100mm tại Nhật Bản là những yếu tố đẩy giá than nhiệt, LNG và điện tăng tại những thị trường này, đặc biệt tại Trung Quốc trong bối cảnh hạn chế nhập khẩu than Úc. Giá Giá than tại Trung Quốc (Qinhuangdao) đang giao dịch ở mức 110 USD/tấn – cao hơn tại Úc (FOB Newcastle) 30,5 USD/tấn. Cùng với nhu cầu tiêu thụ điện tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2019 lên 646,7 tỷ KWh đã đẩy giá LNG tăng 60% lên 12,7 USD/MMBtu, tương đương khoảng 660 USD/tấn, đồng thời dự báo khối lượng nhập khẩu LNG tháng 12 này sẽ phá kỷ lục mới.

Viễn Đông