Tin Thị trường: Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ giảm mạnh
Ảnh: Internet |
Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ giảm mạnh
Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ giảm khoảng 3% xuống mức thấp nhất trong một tuần vào ngày 24/7, do dự báo nhu cầu vào tuần tới giảm so với dự kiến trước đó.
Giá khí đốt kỳ hạn giao tháng 8 trên Sàn giao dịch hàng hóa New York giảm 7 cent, tương đương 3,2%, xuống mức 2,117 USD/mmBTU, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 17/7.
Công ty tài chính LSEG cho biết, sản lượng khí đốt tại 48 tiểu bang tăng lên mức trung bình 102,4 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) từ đầu tháng 7 đến nay, tăng từ mức trung bình 100,2 bcfd trong tháng 6 và mức thấp nhất trong 17 tháng là 99,4 bcfd trong tháng 5.
Sản lượng của Mỹ đạt mức cao kỷ lục hàng tháng là 105,5 bcfd vào tháng 12 năm 2023.
Với thời tiết nóng hơn sắp tới, LSEG dự báo nhu cầu khí đốt trung bình tại 48 tiểu bang, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ tăng từ 105,2 bcfd trong tuần này lên 105,8 bcfd vào tuần tới.
Mới đây, cơ sở xuất khẩu Freeport LNG của Mỹ đã mở lại một số hoạt động sau khi đóng cửa để đối phó cơn bão Beryl hồi đầu tháng này.
Sau cơn bão Beryl đổ bộ vào Texas vào đầu tháng 7, ít nhất 10 chuyến hàng được cho là đã bị hủy khỏi cơ sở xuất khẩu LNG Freeport.
Giá khí đốt Nga bán cho Trung Quốc thấp hơn so với châu Âu
Sau khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine, Nga đã phải đối mặt với nhiều đợt trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, Moscow vẫn cung cấp khối lượng khí đốt đáng kể cho thị trường châu Âu và con số này thực tế đã tăng lên trong năm nay.
Theo tính toán của hãng tin Bloomberg, nguồn cung khí đốt qua đường ống của Tập đoàn Gazprom cho một số khách hàng ở châu Âu đạt 14,6 tỷ m3 từ tháng 1 đến tháng 6/2024.
Con số trên thấp hơn nhiều so với mức 130 tỷ m3 đến 175 tỷ m3 khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu hằng năm trước khi xung đột tại Ukraine nổ ra.
Trên thực tế, trong 6 tháng đầu năm nay, Moscow cũng chỉ xuất khẩu 15,2 tỷ m3 khí đốt đến Trung Quốc.
Hãng Bloomberg nhận thấy, từ đầu năm đến nay, châu Âu và Trung Quốc thay phiên nhau trở thành khách hàng lớn nhất mua khí đốt qua đường ống của Nga.
Trong khi đó, giá khí đốt xuất sang Trung Quốc cũng thấp hơn nhiều so với tới thị trường châu Âu.
Nguồn cung khí đốt của Gazprom cho Trung Quốc qua đường ống Power of Siberia dự kiến đạt công suất tối đa hằng năm là 38 tỷ m3 vào năm 2025, cộng thêm 10 tỷ m3 mỗi năm qua tuyến đường Viễn Đông từ năm 2027.
Nhu cầu yếu từ Trung Quốc ảnh hưởng tới giá dầu
Tính đến đầu giờ chiều nay 25/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 76,97 USD/thùng - giảm 0,8%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 81,09 USD/thùng - giảm 0,76%.
Giá dầu bật tăng trong phiên giao dịch ngày 24/7, chấm dứt ba phiên giảm liên tiếp sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 3,7 triệu thùng trong tuần trước, trong khi các nhà phân tích dự báo mức giảm 1,6 triệu thùng.
Dự trữ xăng của Mỹ cũng giảm 5,6 triệu thùng, so với dự đoán của các nhà phân tích là giảm 400.000 thùng. Ngoài ra, các số liệu cho thấy sản phẩm chưng cất giảm 2,8 triệu thùng so với dự đoán tăng 250.000 thùng.
Bob Yawger, Giám đốc năng lượng tương lai tại Mizuho ở New York nói: "Miễn là giá xăng vẫn tốt và nhu cầu sản phẩm chưng cất cao hơn, điều đó sẽ hỗ trợ phần còn lại của thị trường trong tương lai ngắn hạn".
Tuy nhiên, thị trường vẫn cảnh giác về nhu cầu toàn cầu vào mùa hè. Các cơ sở lọc dầu của Mỹ dự kiến sẽ báo cáo thu nhập Quý II thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái sau khi mùa lái xe mùa hè ảm đạm làm suy yếu biên lợi nhuận lọc dầu.
Giá dầu cũng đang chịu áp lực từ các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas và sự suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, sẽ làm suy yếu nhu cầu dầu toàn cầu.
Theo dữ liệu của chính phủ, năm nay, nhập khẩu dầu và hoạt động lọc dầu của Trung Quốc có xu hướng giảm hơn so với năm 2023 do nhu cầu nhiên liệu thấp hơn trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm.
Bình An