Tin thị trường: Các nước điều chỉnh chế độ xuất nhập khẩu năng lượng trong bối cảnh giá cả tăng cao

14:00 | 30/06/2022

|
(PetroTimes) - Giá than nhiệt châu Á lần đầu tiên vượt ngưỡng 400 USD/tấn (+300% so với năm 2021), cho thấy thế giới sắp đối mặt với tình trạng khan hiếm nhiên liệu hóa thạch và cạnh tranh khốc liệt chiếm nguồn cung.
Tin thị trường: Các nước điều chỉnh chế độ xuất nhập khẩu năng lượng trong bối cảnh giá cả tăng cao

Giá than nhiệt giao ngay tại cảng Newcastle (Úc) đã tăng +3,4% lên mức cao kỷ lục – 402,5 USD/tấn. Giá than châu Á tăng sau khi châu Âu tăng cường dự trữ than thay thế nguồn cung khí đốt Gazprom sụt giảm. Giá than giao hàng tháng 7 tại châu Âu tăng lên 421 USD/tấn. Đức có kế hoạch tái khởi động các nhà máy điện than tổng công suất 10 GW nhằm hỗ trợ nguồn điện khí giảm. Thời tiết nắng nóng tại châu Âu, châu Á sẽ tiếp tục đẩy nhu cầu tiêu thụ than tăng trong mùa hè này.

Chính phủ Trung Quốc cấp bổ sung (đợt 2) hạn ngạch nhập khẩu 52,7 triệu tấn dầu thô cho các nhà máy lọc dầu tư nhân, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2021 trong bối cảnh công suất hoạt động lĩnh vực tinh chế tư nhân nước này bắt đầu tăng trở lại lên 65% trong tháng 5 sau khi sụt giảm xuống dưới 50% hồi tháng 4 (lockdown). Dự kiến tỷ suất hoạt động các nhà máy lọc dầu tư nhân sẽ tiếp tục tăng lên mức 70% trong tháng 6 này. Tổng cộng từ đầu năm 2022, lĩnh vực tinh chế tư nhân Trung Quốc được phép nhập khẩu 162 triệu tấn dầu thô, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Ấn Độ đang làm khó thị trường xăng dầu khu vực châu Á khi bất ngờ chuyển từ quốc gia xuất khẩu truyền thống sang nhập khẩu ròng với khối lượng trung bình 13.000 bpd xăng và 48.000 bpd diesel trong nửa đầu tháng 6 này. Trong bối cảnh Trung Quốc – nhà cung cấp xăng dầu chính trong khu vực cắt giảm xuất khẩu, nhu cầu nhập khẩu Ấn Độ đẩy giá nhiên liệu châu Á tăng. Nguyên nhân chính khiến Ấn Độ phải nhập khẩu ròng xăng dầu là do tỷ suất lợi nhuận xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu tăng mạnh, khiến các nhà máy lọc dầu tư nhân (Nayara và Reliance – hai đơn vị nhập khẩu chính dầu thô Urals) bỏ rơi thị trường nội địa, trong khi các nhà máy lọc dầu quốc doanh hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của 1,4 tỷ dân.

Uzbekistan có kế hoạch ngừng xuất khẩu khí đốt kể từ năm 2025-26 nhằm ưu tiên cung cấp cho lĩnh vực hóa khí nội địa đang phát triển và sản lượng khai thác giảm. Hiện Trung Quốc đang thu gom gần như toàn bộ 10% sản lượng khí đốt Uzbekistan (khoảng 50 tỷ m3/năm). Như vậy, trong vài năm tới, 2/5 nhà cung cấp khí đường ống lớn nhất sẽ rút khỏi thị trường Trung Quốc, ngoài Uzbekistan, Kazakhstan cũng có kế hoạch ngừng xuất khẩu vào năm 2024 (khối lượng xuất khẩu năm 2022 chỉ 5 tỷ m3). Còn lại 2 nhà cung cấp cạnh tranh với Gazprom, bao gồm Turkmenia (33,1 tỷ m3) và Myanmar (4,2 tỷ m3).

Elena