Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (3/10-10/10)

08:45 | 11/10/2021

|
(PetroTimes) - Lukoil mua lại cổ phần của Petronas trong dự án Shah Deniz ngoài khơi Azerbaijan, BP mua lại công ty công nghệ Blueprint Power, Eni đưa chi nhánh năng lượng tái tạo lên sàn chứng khoán, Aramco giảm giá dầu cho khách mua châu Á, châu Âu và Mỹ… là những tin tức nổi bật của các tập đoàn năng lượng quốc tế tuần qua.
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (3/10-10/10)

Trang tin Technoblog, Reuters ngày 6/10/2021 đưa tin Tập đoàn dầu khí Aramco của Ả Rập Xê-út đã cắt giảm giá bán dầu chính thức (OSP) của tháng 11 cho khách mua ở châu Á, châu Âu và Mỹ. Aramco cho biết đã cắt giảm giá bán dầu chính thức 1.30 USD/thùng đối với loại dầu nhẹ Ả rập cho các khách hàng châu Á, thị trường lớn nhất của nước này. Aramco đã giảm giá hầu hết tất cả các loại dầu dành cho người mua ở khu vực Địa Trung Hải, Tây Bắc Âu và Mỹ. Đối với khách hàng Tây Bắc Âu, Aramco giảm giá 2.40 USD/1 thùng đối với dầu Brent tháng 11. Giá bán dầu chính thức đối với Mỹ tháng 11 giảm 1.25 USD/1 thùng theo chỉ số ASCI (Argus Sour Crude Index). Hãng tin Bloomberg lưu ý rằng việc cắt giảm giá dầu là một dấu hiệu cho thấy Ả Rập Xê-út muốn thúc đẩy doanh số bán hàng.

Cũng trong tuần qua, Ả Rập Xê-út ghi nhận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng quý cao nhất từ ​​trước đến nay trong quý II, nhờ vào thỏa thuận cơ sở hạ tầng đường ống dẫn dầu lớn mà gã khổng lồ dầu khí nhà nước Aramco đã đạt được.

Equinor thông báo đã trao hợp đồng khoan 4 giếng tại mỏ Statfjord Øst ở Biển Bắc cho COSL Offshore Management AS. Công ty này sẽ hoạt động với giàn khoan COSLPromoter từ mùa xuân năm 2023. Giá trị của hợp đồng ước tính khoảng 56 triệu USD, có thời hạn ước tính là 220 ngày. Ngoài khoan, hợp đồng còn bao gồm hạng mục nhiên liệu, xử lý nước thải, hiện đại hóa giàn khoan bằng cách lắp đặt hệ thống điều khiển khoan tự động.

Tập đoàn dầu khí khổng lồ Eni của Ý hôm 9/10 đã thông báo ý định đưa bộ phận năng lượng tái tạo lên sàn chứng khoán và bán các chi nhánh bán lẻ khí đốt và điện. Ban giám đốc của Eni tin rằng "vụ IPO này là cách tốt nhất để tăng giá trị của công ty". Eni có kế hoạch hoàn tất giao dịch "trong năm 2022, tùy thuộc vào điều kiện thị trường". Tập đoàn dầu khí sẽ giữ lại "phần lớn cổ phần" trong công ty niêm yết trong tương lai. Mục tiêu của công ty mới, Eni R&R, sẽ phát triển công suất sản xuất năng lượng tái tạo hơn 6 gigawatt vào năm 2025 và hơn 15 gigawatt vào năm 2030. Khách hàng cơ sở của công ty dự kiến ​​sẽ tăng từ 10 triệu hiện tại lên hơn 15 triệu. Tập đoàn này dự đoán tổng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (EBITDA) của Eni R&R sẽ đạt 1,2 tỷ euro vào năm 2025, so với khoảng 0,6 tỷ euro vào năm 2021.

Cũng trong tuần qua, Eni công bố báo cáo thống kê hàng năm thứ 20, trình bày những diễn biến chính trong lĩnh vực năng lượng năm 2020. Theo báo cáo, nhu cầu dầu toàn cầu đã giảm gần 9% vào năm 2020 so với năm 2019 và sản lượng giảm 6,5%. Giá dầu Brent trung bình đứng ở mức 41,7 USD/thùng vào năm 2020. Thị trường cũng đặc biệt ghi nhớ ngày giá dầu WTI (dầu thô của Mỹ) rơi xuống mức. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, có 111 GW công suất điện gió mới được lắp đặt vào năm 2020, so với 58 GW một năm trước đó, nâng công suất điện gió toàn cầu lên 733 GW (+17,8% so với năm 2019). Cuối cùng, điện mặt trời có công suất lắp đặt mới đạt 127 GW và tổng công suất hiện nay ngang với công suất điện gió.

ExxonMobil đã tăng cổ phần của mình trong dự án thu giữ carbon Acorn ở Scotland bằng cách ký Ý định thư về thu giữ, vận chuyển và lưu trữ CO2 từ nhà máy Fife ethylene của mình. Một Biên bản ghi nhớ đã được BP công bố trước đó nhằm thu giữ và lưu trữ khí thải từ các trạm khí đốt tại khu phức hợp St Fergus ở Peterhead, Scotland. Dự án Acorn có khả năng thu hồi và lưu giữ khoảng 5-6 triệu tấn CO2 mỗi năm vào năm 2030 từ các terminal khí đốt tại khu phức hợp St. Fergus ở Peterhead, Scotland, bao gồm cả terminal khí đốt của các liên doanh với ExxonMobil. Sau khi được mở rộng, dự án Acorn có thể lưu trữ hơn 20 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm vào giữa những năm 2030.

BP thông báo đã mua lại Blueprint Power, một công ty công nghệ có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên cung cấp giải pháp năng lượng cho các tòa nhà thông qua phần mềm đám mây. Công nghệ Blueprint Power biến các tòa nhà thương mại thành các cơ sở sản xuất điện linh hoạt. Các tòa nhà này tạo ra, lưu trữ và bán năng lượng tái tạo, giúp khử carbon ở các khu vực đô thị đông đúc. Với công nghệ này, chủ sở hữu các tòa nhà có thể bán năng lượng dư thừa được lưu trữ trong pin hoặc năng lượng được tạo ra tại chỗ từ thiết bị (cụ thể là các tấm pin mặt trời).

Ngoài ra, hôm 5/10, BP công bố ý định đầu tư 269 triệu USD vào 3 dự án tại nhà máy lọc dầu Cherry Point (bang Washington), nhằm nâng cao hiệu suất lọc dầu, giảm lượng khí thải carbon dioxide (CO2) và tăng công suất sản xuất dầu diesel tái tạo. Cụ thể hơn, lần đầu tư này sẽ liên quan đến việc cải thiện hydrocracker (với 169 triệu đô la), cải thiện cơ sở hạ tầng làm mát bằng nước (với 55 triệu đô la) và tăng gấp đôi công suất sản xuất dầu diesel tái tạo của nhà máy lọc dầu lên khoảng 2,6 triệu thùng mỗi năm (với 45 triệu đô la). Theo BP, các dự án này dự kiến ​​sẽ tạo ra hơn 300 việc làm tại địa phương trong 3 năm tới. Các khoản đầu tư này là một phần trong các mục tiêu của BP nhằm giảm 50% cường độ carbon của các sản phẩm bán ra vào năm 2050.

Lukoil đạt được thỏa thuận với Petronas mua lại 15,5% cổ phần dự án Shah Deniz, biển Caspi - Azerbaijan, với giá 2,25 tỷ USD. Sau khi hoàn tất thương vụ, nhận được chấp thuận của Chính phủ Azerbaijan và Công ty dầu khí quốc gia SOCAR, tỷ lệ nắm giữ Lukoil sẽ tăng lên 25,5%, các cổ đông còn lại bao gồm BP - 28,8%, TPAO Thổ Nhĩ Kỳ - 19%, SOCAR - 10%, SGC - 6,7% và NICO Iran - 10%.

Công ty dầu khí hàng đầu của Nga Rosneft đã ký thỏa thuận hợp tác song phương lớn với công ty thương mại năng lượng và hàng hóa Hà Lan Vitol. Theo đó, tháng 9 vừa qua, Vitol đã ký thoả thuận mua 9 triệu tấn các loại dầu Urals, ESPO và Sokol của Rosneft, tương đương 180.000 thùng/ngày. Cả Vitol và Rosneft đều từ chối bình luận thông tin.

Sau hơn 1 tháng ngừng hoạt động do cơn bão Ida, Shell đã thông báo về việc nối lại hoạt động sản xuất trên giàn khoan dầu Olympus, nằm ở trung tâm Vịnh Mexico. Tuy nhiên, 2 giàn khoan khác trong khu vực, Mars và Ursa, vẫn ngừng hoạt động. Nhà máy lọc dầu Shell Norco Manufacturing Complex, nằm trên bờ Mississippi, cũng vẫn ngừng hoạt động do nguồn cung chưa đủ. Shell cho biết nhà máy này sẽ hoạt động bình thường trở lại từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11.

Cũng trong tuần qua, Shell thông báo rằng họ đã ký một thỏa thuận khung với Island Green Power, một chuyên gia về năng lượng tái tạo, để phát triển một số dự án quang điện mặt trời ở Anh, đi kèm với các hệ thống lưu trữ. Các dự án này có công suất hơn 700MW. Shell cũng đã hợp tác với Clearstone Energy trong một số dự án năng lượng mặt trời được lên kế hoạch ở phía đông nam nước Anh với công suất khoảng 100 MW. Shell cho biết 2 đối tác vẫn chưa có quyết định đầu tư cuối cùng.

Ngày 5/10, Chính phủ chuyển tiếp Sudan muốn thu giữ tài sản do Công ty Dầu khí quốc gia Malaysia Petronas nắm giữ tại nước này. Nhà nước Sudan cho rằng các tài sản này đã được mua lại một cách gian lận dưới chế độ cũ Omar El-Bashir. Các nhà chức trách Sudan đã tước quyền sở hữu của Petronas đối với khu đất trụ sở của Petrona's Sudan Complex, một công ty con của Petronas. Chi nhánh này cũng được cho là hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Tài chính Sudan.

Hiện tại chưa không có thông tin nào xác nhận sự liên quan của Tập đoàn Petronas trong các vụ án tham nhũng xảy ra dưới thời Omar El-Bashir. Petronas đã phản đối việc tịch thu Petrona's Sudan Complex. Tập đoàn này khẳng định rằng công ty con đã được đăng ký theo luật của Sudan và không thực hiện bất kỳ hoạt động "đáng trách" nào.

Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (26/9-3/10)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (26/9-3/10)
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (20- 25/9)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (20- 25/9)

Nh.Thạch

AFP