Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng trở thành "vị cứu tinh" của EU nếu khối đảm bảo nhu cầu khí đốt
Ảnh: aa |
Trên thực tế, để làm được điều này, con đường khả thi nhất là tái xuất khẩu khí đốt tự nhiên Azerbaijan từ Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bối cảnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ phải mua thêm khí đốt của Nga để bù đắp cho sự thiếu hụt.
Ankara muốn đóng "vai trò cứu tinh", cũng như tăng cường đòn bẩy đối với Brussels, nhưng họ muốn có một số đảm bảo về nhu cầu trước khi bắt đầu chi tiêu cho cơ sở hạ tầng cần thiết.
Trong vài năm qua, châu Âu luôn cố gắng duy trì nguồn cung cấp khí đốt thay thế cho khí đốt của Nga quá cảnh qua Ukraine. Trước đó, vào năm 2019, Nga và Ukraine đã ký thỏa thuận vận chuyển đường ống kéo dài 5 năm để cung cấp khí đốt tự nhiên cho các nước EU. Cả hai nước hiện vẫn tôn trọng thỏa thuận bất chấp xung đột và các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, điều đó sắp thay đổi khi nhà chức trách Ukraine gần đây phát đi tín hiệu rằng họ không có ý định gia hạn thỏa thuận khi nó hết hạn vào cuối năm nay.
Đối với vấn đề này, Azerbaijan được xem là chìa khóa cho bất kỳ kế hoạch nào của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tăng cường xuất khẩu khí đốt sang EU. Khí đốt tự nhiên của Azerbaijan bán cho Thổ Nhĩ Kỳ có thể được tái xuất khẩu sang châu Âu, có thể thông qua Bulgaria, nhưng sẽ tốn nhiều công sức và chi phí.
Trả lời phỏng vấn hãng Bloomberg, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Alparslan Bayraktar tuyên bố đang nỗ lực thúc đẩy tuyến đường đến Bulgaria, lưu ý tiềm năng tăng khối lượng sang EU lên tới 10 tỷ m3 mỗi năm, đồng thời gửi một thông điệp rõ ràng tới Brussels: Cần một số đảm bảo về nhu cầu từ EU.
Theo ông Bayraktar, khả năng xuất khẩu qua Bulgaria hiện nay chỉ khoảng 3,5 tỷ m3/năm. Mặc dù vậy, nếu xét từ góc độ kĩ thuật, Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng thúc đẩy sự kết nối này.
"Những gì chúng tôi cần là sự gia tăng công suất kết nối giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria", quốc gia hiện chỉ có thể nhận được khoảng một nửa trong số 7 tỷ m3 mỗi năm mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể cung cấp", ông Bayraktar nói với Bloomberg.
Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria đã ký một thỏa thuận vào năm 2023 cho phép công ty quốc doanh Bulgargaz của Bulgaria nhập khẩu 1,85 tỷ m3 khí đốt mỗi năm - đáp ứng khoảng 60% nhu cầu hàng năm của Bulgaria - thông qua điểm biên giới nối Strandzha-Malkoclar với Thổ Nhĩ Kỳ.
Bulgargaz phải trả phí dịch vụ 2 tỷ euro cho công ty khí đốt Bota của Thổ Nhĩ Kỳ trong khoảng thời gian 13 năm, bất kể có sử dụng công suất này hay không.
Quyết định cuối cùng hiện nằm hoàn toàn trong tay Brussels.
Theo hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy, châu Âu sẽ cần thêm 7,2 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng năm đắt tiền hơn để bù đắp cho sự thiếu hụt này, và Ankara dường như đang nắm giữ các quân bài chiến lược.
Bình An
Bloomberg
- Equinor phát hiện mỏ khí đốt tự nhiên ở vùng biển Na Uy
- Dự báo thị trường ứng dụng đám mây dầu khí cho đến năm 2032
- Phân tích và dự báo thị trường dịch vụ khoan định hướng đến năm 2030
- Công suất đường ống dẫn khí lưu vực Permian tăng nhờ các dự án mới
- Rủi ro về nhu cầu từ Trung Quốc đè nặng lên thị trường dầu khí