Thổ Nhĩ Kỳ gửi tàu thăm dò thứ 2 tới Địa Trung Hải, EU đe dọa trừng phạt

15:06 | 21/06/2019

|
(PetroTimes) - Ngày 20/6, EU đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng ngay hoạt động thăm dò dầu khí "bất hợp pháp" ngoài khơi đảo Síp.
tho nhi ky gui tau tham do thu 2 toi dia trung hai eu de doa trung phat
Tàu thăm dò Yavuz của Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi bờ biển tới Địa Trung Hải ngày 20/6

Tuyên bố của châu Âu được đưa ra vài giờ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ cử tàu thăm dò thứ hai ra Địa Trung Hải.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels ngày 20/6, các nhà lãnh đạo EU đã nhắc lại lời lên án của họ với "hoạt động khoan thăm dò bất hợp pháp" của Ankara ở vùng biển mà EU cho rằng phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Síp.

Lãnh đạo EU "than thở rằng Thổ Nhĩ Kỳ chưa phản hồi bất kỳ lời cảnh báo nào từ EU".

Đầu tuần này, các quốc gia thành viên EU đã yêu cầu Ủy ban châu Âu và Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) "đưa ra đề xuất các biện pháp đáp trả thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ".

Ngày 20/6, 28 nguyên thủ quốc gia và chính phủ EU đã ủng hộ yêu cầu này.

"EU sẽ tiếp tục theo dõi sát những diễn biến và sẵn sàng đáp ứng một cách thích hợp và đoàn kết với Síp", các nhà lãnh đạo EU nói thêm.

Theo Ankara, việc khoan thăm dò của Thổ Nhĩ Kỳ là "hợp pháp" và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Mọi việc bắt đầu từ mấy năm gần đây khi Síp phát hiện nhiều mỏ khí khổng lồ ở phía đông Địa Trung Hải. Síp sau đó đã ký hợp đồng thăm dò với những tập đoàn lớn như ENI của Ý, Total của Pháp hay ExxonMobil của Mỹ. Nhưng Ankara kêu gọi đình chỉ tất cả các cuộc thăm dò, chừng nào giải pháp cho vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Cộng hòa Síp và Síp Thổ Nhĩ Kỳ còn chưa được tìm ra. Ankara cho rằng chính quyền đảo Síp (ở phần phía nam, thân Hy Lạp) đã không tôn trọng quyền bất khả xâm phạm về tài nguyên thiên nhiên của bên Síp Thổ Nhĩ Kỳ (miền Bắc ly khai, thân Thổ Nhĩ Kỳ). Cộng hòa Síp trên nguyên tắc bao trùm toàn bộ đảo này, nhưng vào năm 1974, sau cuộc xâm lấn của Thổ Nhĩ Kỳ, đảo này đã bị chia đôi, một phần phía Síp Hy Lạp, được quốc tế công nhận và chính thức mang tên Cộng hòa Síp, và một phần phía Bắc, đã ly khai, gọi là Síp Thổ Nhĩ Kỳ và chỉ được duy nhất Thổ Nhĩ Kỳ công nhận.

Trong một thông điệp được công bố vào đầu tháng 5/2019, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ý định tiến hành các hoạt động khoan thăm dò khí đốt cho đến tháng 9/2019 tại một khu vực ở Địa Trung Hải, mà theo Síp lấn vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Theo Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, các hoạt động này sẽ được thực hiện bởi tàu khoan thăm dò Fatih ("Kẻ chinh phục", theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ). Thổ Nhĩ Kỳ lập luận rằng họ không bị ràng buộc bởi các thỏa thuận phân định trên biển giữa Cộng hòa Síp và các quốc gia ven biển Địa Trung Hải khác và họ có toàn quyền trên thềm lục địa của mình.

Đến ngày 20/6, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục gửi tàu thăm dò thứ hai mang tên Yavuz tới Địa Trung Hải. Tàu Yavuz đã rời khỏi bờ biển ngày 20/6 và được hộ tống bởi một tàu quân sự sau một buổi lễ tại cảng Dilovasi (phía tây bắc), trong đó có sự tham gia của Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ, Fatih Sönmez, theo AFP. "Chúng tôi sẽ tiếp tục các hoạt động khoan thăm dò. Đây là quyền hợp pháp của chúng tôi", ông Sönmez nói trong buổi lễ.

Yavuz sẽ bắt đầu khoan thằm dò từ đầu tháng 7/2019.

tho nhi ky gui tau tham do thu 2 toi dia trung hai eu de doa trung phatMỹ cân nhắc 3 phương án trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì thương vụ S-400
tho nhi ky gui tau tham do thu 2 toi dia trung hai eu de doa trung phatToàn cảnh cuộc tranh giành dầu khí giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Síp
tho nhi ky gui tau tham do thu 2 toi dia trung hai eu de doa trung phatXuất hiện thêm điểm nóng về tranh chấp dầu khí

Nh.Thạch

AFP