Thách thức với "Năng lượng thống trị" Mỹ

10:16 | 13/10/2020

|
(PetroTimes) - Sự “thù địch” của chính quyền Tổng thống Donald Trump không làm chậm lại sự gia tăng của năng lượng tái tạo, bao gồm cả thủy điện và điện sinh khối, chiếm gần 22% sản lượng điện hiện tại của Mỹ.

Ngay khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump muốn xác nhận vai trò của Mỹ là nhà sản xuất dầu và khí đốt hàng đầu thế giới, được gọi là “năng lượng thống trị”. Các số liệu đã khẳng định điều này. Sản lượng dầu của Mỹ tăng từ 5 triệu thùng/ngày (mb/d) năm 2008 lên 9,4 mb/d vào năm 2015 (tăng 88%), đạt 12,2 mb/d vào năm 2019 (tăng 29% so với năm 2015). Sản xuất khí đốt tự nhiên cũng tăng trưởng mạnh mẽ: Tăng 36% trong giai đoạn 2008-2015, tăng 27% trong giai đoạn 2015-2019.

Thách thức với
Hoạt động khai thác dầu khí ở Texas, Bắc Mỹ

Nhưng khái niệm “năng lượng thống trị” của ông Trump đã bị thử thách qua cuộc khủng hoảng Covid-19. Vào đầu tháng 4-2020, Tổng thống Trump đã vận động hành lang để buộc OPEC tăng giá dầu. Trớ trêu thay, vào ngày 20-4-2020, giá 1 thùng WTI đã giảm xuống -37,63 USD. Sự kiện này là một lời cảnh tỉnh thị trường dầu mỏ là thị trường toàn cầu, không phải của riêng Mỹ.

Sự suy yếu kéo dài của giá dầu (dao động quanh mức 40 USD/thùng WTI, so với 60 USD/thùng trước tháng 3-2020) cũng làm lộ một điểm yếu cơ bản của lĩnh vực dầu khí Mỹ: Biên độ lợi nhuận thấp khiến các công ty dầu khí vốn phụ thuộc phần lớn vào nguồn tài chính của Phố Wall bắt đầu giảm hoạt động và phá sản. Covid-19 và sự sụt giảm nhu cầu dầu càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Số lượng giàn khoan dầu trên khắp nước Mỹ đã sụt giảm mạnh, từ 800 xuống còn 261 trong 1 năm; các vụ phá sản tăng lên gấp bội (hàng chục công ty, trong đó có Chesapeake Energy, một trong những công ty tiên phong trong dầu khí đá phiến); các công ty dịch vụ (Halliburton, Schlumberger...) đã phải sa thải một phần lớn lực lượng lao động.

Trước tình hình đó, Tổng thống Trump nói “chúng ta sẽ ổn” khi cho rằng giống như trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2015 và sau khi tái cơ cấu, ngành dầu khí Mỹ sẽ khởi sắc trở lại. Lúc này, ông Trump không nhắc lại một ưu tiên năng lượng khác của mình, “than sạch, đẹp”, điệp khúc của ông trong các bài phát biểu ở vùng Appalachian, nơi không còn là trung tâm sản xuất than của Mỹ mà đã chuyển đến các mỏ lộ thiên của Wyoming (chiếm 40% sản lượng than của Mỹ).

Sự sụt giảm sản lượng than là một xu hướng tất yếu. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ước tính, sản lượng than của Mỹ năm 2020 là 502 triệu tấn, giảm 28,8% so với năm 2019, lý do là sự sụp đổ của thị phần than trong sản xuất điện trong nước, từ 44,8% của năm 2010 xuống còn 16,9% trong nửa đầu năm 2020. Than đang là nạn nhân của sự cạnh tranh từ khí đốt (khoảng 39% sản lượng điện quốc gia). Các công ty điện lực ngần ngại đầu tư vào các nhà máy phải khấu hao trong nhiều thập niên, điều đó có thể bị chính quyền tương lai dẹp bỏ.

Điều kỳ lạ là chính quyền Trump lại im lặng trước điện hạt nhân, một chủ đề đáng được quan tâm về mặt an ninh năng lượng nhằm kiểm soát nguy cơ phổ biến hạt nhân trên phạm vi quốc tế. Thực tế, chính các bang New York hoặc Illinois đã thiết lập các khoản trợ cấp để duy trì hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân. Tỷ trọng điện hạt nhân trong sản lượng điện của Mỹ vẫn ổn định ở mức gần 20%, với 96 lò phản ứng có tuổi đời trung bình là 38 năm. Hai lò phản ứng mới dự kiến sẽ bắt đầu được sản xuất điện vào năm 2021 và 2022, nhưng chính quyền Trump kín đáo về điều này.

Thách thức với
Minh họa về chính sách năng lượng của Tổng thống Donald Trump
Covid-19 và sự sụt giảm nhu cầu dầu càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Số lượng giàn khoan dầu trên khắp nước Mỹ đã sụt giảm mạnh, từ 800 xuống còn 261 trong 1 năm; các vụ phá sản tăng lên gấp bội.

Năng lượng tái tạo không phải là thứ Tổng thống Donald Trump thích. Ông Trump có đủ lời lẽ gay gắt để lên án các turbine gió, thứ mà ông gọi là “cối xay gió”, thứ “giết chết hàng nghìn con chim” và làm hỏng đường chân trời. Và, một trong những biện pháp bảo hộ đầu tiên của chính quyền Trump là chống lại việc nhập khẩu các tấm pin mặt trời. Nhưng sự “thù địch” của ông Trump không làm chậm lại sự gia tăng của năng lượng tái tạo, bao gồm cả thủy điện, điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối, chiếm gần 22% sản lượng điện hiện tại của Mỹ. Sự gia tăng năng lượng tái tạo là do bùng nổ về điện gió và điện mặt trời, mặc dù chúng vẫn chỉ chiếm một nửa sản lượng năng lượng tái tạo.

Đúng là đa số người Mỹ không có chung sự hoài nghi với Tổng thống Trump về biến đổi khí hậu, do ông Trump có chuyến thăm California bị tàn phá bởi cháy rừng và cho rằng “khoa học không biết gì về biến đổi khí hậu”. Chính quyền của ông Trump im lặng về chủ đề khí nhà kính. Nếu Tổng thống Donald Trump đưa ra tại Liên Hiệp Quốc cáo buộc chống lại chính sách khí hậu và lượng khí thải kỷ lục của của Trung Quốc thì ông ấy không hoàn toàn sai. Bởi Trung Quốc tạo ra 28% lượng khí thải toàn cầu, Mỹ chỉ 15%. Nhưng số liệu thống kê bình quân đầu người về lượng khí thải là 16,51 tấn/người ở Mỹ so với 7,05 tấn/người ở Trung Quốc. Và ông Trump đã bỏ qua thực tế việc bãi bỏ các quy định về khí thải đã làm tăng phát thải nhà kính.

May mắn thay, các bang, cộng đồng địa phương, các công ty lớn của Mỹ đang đẩy mạnh các sáng kiến để bù đắp cho chính sách phá hủy môi trường của chính quyền liên bang. California vừa tuyên bố rằng, bang sẽ cấm động cơ đốt trong và động cơ diesel vào năm 2035. 10 đô thị của Mỹ đang có tham vọng về khí hậu của riêng mình. 25 thống đốc và tòa thị chính Washington trong Liên minh khí hậu Mỹ hứa sẽ tôn trọng các cam kết mà Mỹ đã ký rồi rút lui khỏi Thỏa thuận về biến đổi khí hậu Paris. Tuy nhiên, trên thực tế, về vấn đề khí hậu là một chủ đề rất quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11-2020.

S.Phương