Tàu phá băng hạt nhân mạnh nhất thế giới Arktika có phục vụ mục đích quân sự của Nga hay không?

16:04 | 18/11/2020

|
(PetroTimes) - Tàu phá băng hạt nhân mạnh nhất thế giới Arktika chính thức được đưa vào hoạt động vào ngày 21/10, đã thực hiện chuyến hành trình đầu tiên.
Tàu phá băng hạt nhân mạnh nhất thế giới Arktika có phục vụ mục đích quân sự của Nga hay không?

Ngày 14/11, tàu phá băng hạt nhân Arktika rời cảng Murmansk trong chuyến hành trình đầu tiên hướng về biển Kara. Cho đến giữa tháng 12, Arktika sẽ hoạt động trong khu vực Tuyến đường biển phía Bắc.

Trước đó, vào tháng 9, tàu Arktika đã khởi hành chuyến đi đầu tiên từ Nhà máy đóng tàu Baltic ở St Petersburg với mục đích kiểm tra khả năng phá băng gần Bắc Cực trước khi đưa đến Murmansk vào ngày 12/10. Theo nguồn tin chính thức của Tass, con tàu đã đi qua 4.900 hải lý, với khoảng 1.050 hải lý qua lớp băng bao phủ.

Atomflot, căn cứ phá băng hạt nhân đặt tại Murmansk của Nga, đã được chuẩn bị từ tuần trước để đánh dấu sự xuất hiện của con tàu mới nhất của họ - Arktika, được coi là tàu phá băng mạnh nhất thế giới và là một phần quan trọng của chiến lược phát triển địa cực của Moscow.

Trong vài năm qua, Điện Kremlin đã coi việc xây dựng các tàu phá băng hạt nhân thế hệ mới trở thành trọng tâm của chiến lược mở rộng Bắc Cực, nhằm mục đích mở Tuyến đường biển Phương Bắc - tuyến đường vận chuyển dài 6.000 km thường xuyên băng giá từ châu Âu đến châu Á mà Moscow hy vọng một ngày nào đó sẽ sánh ngang với kênh đào Suez.

Tập đoàn hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga cho biết, 5 tàu khác trong lớp này sẽ ra khơi vào giữa thập kỷ này. Hai thân tàu Ural và Sibir đã được hạ thủy tại Nhà máy đóng tàu Baltic.

Arktika được coi là viên ngọc quý của kế hoạch này. Nhiệm vụ của nó là giúp giữ cho tuyến đường biển phía Bắc mở cửa cho hàng hải quanh năm.

Các tàu phá băng nguyên tử thuộc dự án 22220 là lớn nhất và mạnh nhất trên thế giới, dẫn đầu trong dòng tàu phá băng LK-60 mới của Nga. Chúng cần thiết để đảm bảo vai trò lãnh đạo của Nga ở Bắc Cực. Chiều dài của tàu là 173,3 mét, rộng 34 mét, lượng choán nước 33,5 nghìn tấn. Các nhà thiết kế cho biết hai lò phản ứng RITM-200 của nó cung cấp tổng công suất 175 megawatt - đủ để đẩy nó xuyên qua lớp băng dày tới 3 mét.

Trong quá trình thử nghiệm, đã xảy ra một số trục trặc nhỏ do động cơ đẩy điện bị hỏng trên mạn phải của con tàu. Các cuộc thử nghiệm băng trong năm nay chưa thể kết thúc do lớp băng chỉ dày 1,1 - 1,2 mét. Lớp băng mỏng và lỏng lẻo khiến tàu phá băng không gặp bất kỳ lực cản nào. Theo thiết kế, Arktika đủ sức phá tảng băng dày 3 mét. Mùa hè năm nay đã chứng kiến ​​sự cố tràn dầu vào các con sông ở Bắc Cực khi nền tảng đóng băng vĩnh cửu của bể chứa nhiên liệu diesel bị tan chảy, đánh dấu thảm họa công nghiệp lớn đầu tiên của Nga do biến đổi khí hậu.

Theo các cơ quan thông tấn báo chí của Nga, hạm đội tàu phá băng nguyên tử trong đó có Arktika nhằm phục vụ công tác hậu cần cho ngành công nghiệp dầu khí Nga đang phát triển ở khu vực Bắc Cực, dẫn đường cho các tàu chở hydrocacbon từ các mỏ thuộc bán đảo Yamal và Gydan cũng như từ thềm biển Kara đến các thị trường của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trên thực tế, những con tàu hạt nhân này là cơ sở để xây dựng Tuyến đường biển phía Bắc, hay còn gọi là NSR. Hàng nghìn cây số đường hàng hải đã được mở ra cho các con tàu từ châu Á đến châu Âu. Đáng chú ý, đầu tư của Trung Quốc vào “Con đường Tơ lụa” thông qua mỏ khí Yamal đã đóng góp đáng kể vào khả năng tồn tại của NSR, vì Trung Quốc đã tiếp tục chuyển đổi từ than sang nhiên liệu sạch hơn là khí tự nhiên.

Tàu phá băng hạt nhân mạnh nhất thế giới Arktika có phục vụ mục đích quân sự của Nga hay không?

Tuy nhiên, phương Tây và Mỹ cho rằng, chắc chắn có mục đích quân sự trong chiến lược nổi bật của Nga đối với Bắc Cực. Điện Kremlin đã tạo ra một bộ chỉ huy Bắc Cực mới vào năm 2014. Một số căn cứ mới đã được thành lập và các căn cứ cũ hơn đã được nâng cấp. Máy bay ném bom gần đây đã thực hiện các chuyến thăm đến một số căn cứ xa xôi này. Một loạt "tàu phá băng chiến đấu" quân sự mới đã được hạ thủy ở St.Petersburg vào mùa thu năm 2019.

Mặt khác, phải thừa nhận rằng Nga có khoảng 24.000 km đường bờ biển Bắc Cực. Trong nhiều thập kỷ, vùng đất hoang vu hẻo lánh này đã bị bỏ quên và chỉ được bảo vệ mỏng manh. Người ta khó có thể buộc tội Điện Kremlin là "hành động gây hấn" khi các hoạt động triển khai của họ đều nằm trong vùng lãnh thổ của chính họ. Hơn nữa, những triển khai này cũng có thể được chứng minh là khá cần thiết cho sự an toàn của các tàu tuân thủ NSR hoặc để ứng phó với tình huống khẩn cấp về môi trường. Mặc dù các chiến lược gia Mỹ cũng không thể tranh luận thẳng thắn rằng các tàu điều hướng NSR dọc theo bờ biển Bắc Cực của Nga và tuân thủ luật pháp Nga để gửi thông tin liên quan đến các kế hoạch hàng hải có thể bằng cách nào đó tạo thành mối đe dọa đối với trật tự thương mại tự do. Nhưng Arktika và hạm đội tàu phá băng nguyên tử đã khiến Mỹ vô cùng lo ngại. Các hoạt động của Nga ở Bắc Cực có nghĩa là sự hiện diện quân sự ngày càng tăng ở cửa phía bắc của Mỹ.

Theo Tờ Times, Mỹ lên án quân đội Nga đã điều một tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân mới tới thẳng Bắc Cực, thả lính dù xuống một quần đảo cao ở Bắc Cực để thực hiện một trận đánh giả và liên tục điều máy bay ném bom đến rìa không phận của Mỹ.

Trong vài năm qua, NATO đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân lớn vào vùng Barents và cũng tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn ở Bắc Cực. Hơn nữa, các quan chức quân sự và quan chức ngoại giao cấp cao của Hoa Kỳ nêu ra rằng các hoạt động của Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực tạo thành một mối đe dọa lớn đòi hỏi một phản ứng quân sự mạnh mẽ của Hoa Kỳ dưới hình thức triển khai mới và năng lực mới.

Các chiến lược gia Mỹ phải thừa nhận rằng tất cả hàng tỷ đô la Nga được cấp để tài trợ cho các tàu phá băng không vũ trang cũng có thể được chi cho các tàu sân bay Nga hoặc cho lực lượng tàu ngầm của nước này. Thay vào đó, Điện Kremlin đã sử dụng hợp tác với Trung Quốc vừa đạt được lợi nhuận thương mại, vừa phát triển hơn ưu thế quân sự.

Cạnh tranh giữa các cường quốc để hướng tới sự hợp tác giữa các cường quốc sẽ không chỉ giúp giải quyết các vấn đề cấp bách nhất của thế giới mà còn cho phép ưu tiên cho việc xây dựng quốc gia hùng mạnh.

Ngọc Linh