Tài sản dầu khí của các công ty nước ngoài tại Nga: muốn rời mà không thể rút

14:17 | 14/03/2022

|
(PetroTimes) - Trang tin Oilcapital.ru mới đây đã có bài viết phân tích về việc nhiều công ty nước ngoài rơi vào ngõ cụt bởi cuộc chiến trừng phạt của phương Tây chống lại Nga và sự đáp trả của Tổng thống Nga V.Putin.
Tài sản dầu khí của các công ty nước ngoài tại Nga: muốn rời mà không thể rút

Vào đầu tháng 3/2022, Shell đã đăng tải lời xin lỗi về việc tập đoàn này mua lại một lô dầu của Nga, bất chấp tuyên bố của họ rằng, do những sự kiện xảy ra ở Ukraine, Shell có ý định rút khỏi tất cả các dự án chung với Nga. Lời biện minh của Shell đã chứng minh rằng, nguồn cung dầu từ Nga rất cần thiết cho các nhà máy lọc dầu ở châu Âu, những cơ sở luôn cần nguồn cung dầu thô ổn định. Shell đã chọn cách giữ im lặng khi mua một lô dầu Urals với giá chiết khấu 28,5 USD/thùng so với dầu Brent. Đại diện hãng dầu khí của Anh chỉ tuyên bố rằng, hãng sẽ tiếp tục lựa chọn các giải pháp thay thế cho dầu của Nga bất cứ khi nào có thể, song sẽ mất thời gian để thay thế nó vì LB Nga có vai trò quan trọng đối với nguồn cung dầu thế giới.

Ví dụ của Shell đã minh họa rõ ràng nhất sự phức tạp của tình huống các công ty dầu khí châu Âu, Anh, Mỹ tuyên bố công khai ý định từ bỏ tài sản của mình trong lĩnh vực dầu khí của Nga và thậm chí cả các hợp đồng cung cấp. Tuy nhiên, họ đều không muốn thực hiện hai điều này hoặc không hiểu rõ về cách thực thi nó. Vào đầu tháng 3, một số công ty dầu khí từ Anh, Mỹ và EU thông báo rằng, họ sẽ từ bỏ tài sản của mình trong lĩnh vực dầu khí của Nga, cụ thể:

Shell vào ngày 08/3 đã thông báo loại bỏ các tài sản dầu khí liên quan đến Nga theo từng giai đoạn, gồm cổ phần tham gia dự án đường ống dẫn khí đốt NS2 (hãng tin CNN ước tính giá trị vào khoảng 3 tỷ USD); 27,5% cổ phần của nhà máy Sakhalin-2 LNG; 50% cổ phần trong dự án phát triển dầu khí Salym (phát triển các mỏ Salym ở Tây Siberia); 50% cổ phần trong dự án năng lượng Gydan (thăm dò trên bán đảo Gydan ở Tây bắc Siberia).

BP vào ngày 27/02 công bố ý định bán 19,75% cổ phần của Rosneft. Theo ước tính sơ bộ của hãng, giá trị lượng cổ phần nêu trên vào khoảng 25 tỷ USD. Theo các nhà phân tích từ Business Insider, động thái như vậy của BP sẽ làm giảm 1/3 sản lượng khai thác dầu khí toàn cầu của hãng. Điều đáng nói là lợi nhuận trước thuế và lãi vay của BP từ việc sở hữu cổ phần của Rosneft trong quý I/2021 là 643 triệu USD, trong quý II là 451 triệu USD, trong quý III là 868 triệu USD và trong quý IV là 555 triệu USD. Theo dự báo của BP, lợi nhuận trước thuế và lãi vay của hãng trong Rosneft (phần lợi nhuận của 19,75% cổ phần) sẽ giảm xuống mức dưới 2 tỷ USD vào năm 2025. BP cũng thông báo, hãng sẽ không thuê các tàu do Nga sở hữu hoặc điều hành, cũng như bất kỳ phương tiện vận tải biển nào có treo cờ Nga. Hơn nữa, tuyên bố chính thức của BP còn cho biết, hãng có thể bắt đầu các hoạt động kinh doanh mới với Nga trong trường hợp cần thiết để đảm bảo an ninh cho các nguồn cung cấp năng lượng.

Equinor vào ngày 28/02 thông báo rằng, họ sẽ bắt đầu rút tài sản ước tính khoảng 1,2 tỷ USD khỏi thị trường Nga. Tuy nhiên, thông báo không nêu rõ bằng cách nào và trong khung thời gian nào mà Equinor bán tài sản của mình tại Nga, bao gồm: 30% sản lượng trong hợp đồng phân chia sản phẩm tại mỏ Kharyaginskoye, Khu tự trị Nhenhexky; 49% tài sản trong liên doanh với Rosneft KrasGeoNats (Đông Siberia); 49% tài sản trong dự án phát triển địa tầng domanikovoye cùng với Rosneft và 33,3% cổ phần trong dự án Sevkomneftegas về phát triển mỏ Bắc-Komsomolskoye (Tây Siberia). Nhìn chung, sản lượng khai thác của Equinor tại Nga là vào khoảng 25.000 bpd. Việc mất sản lượng như vậy không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất dầu khí của hãng. Tổng sản lượng dầu khí của Equinor trên toàn cầu là khoảng 2 triệu bpd.

ExxonMobil vào ngày 01/3 thông báo, hãng sẽ rút khỏi dự án dầu khí Sakhalin-1 và ngừng đầu tư mới tại Nga. Bước đi này đã được dự báo trong bối cảnh Tổng thống Mỹ J.Biden ra quyết định cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Tuy nhiên, ExxonMobil vẫn chưa đưa ra lịch trình rút khỏi dự án Sakhalin-1 (hãng sở hữu 30% cổ phần dự án thông qua công ty con Exxon Neftegas Limited).

Các công ty dầu khí của EU đang bối rối

Một số hãng dầu khí châu Âu cũng hành động theo cách tương tự. Việc loại bỏ các tài sản dầu khí tại Nga đã được công bố, nhưng không xác định ngày chính xác và hầu như không có chi tiết cụ thể về việc ngừng mua dầu mỏ từ Nga. Hơn nữa, một số công ty từ EU thậm chí không từ bỏ hoàn toàn tất cả tài sản ở Nga.

Vào ngày 01/03, đại diện của Eni thông báo rằng, hãng sẽ rút khỏi dự án đường ống dẫn khí Blue Stream (nối giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ). Eni sở hữu 50% cổ phần trong dự án. Phía Eni cho biết, sự hiện diện của Eni tại thị trường Nga là không đáng kể. Các liên doanh của hãng và Rosneft liên quan đến hoạt động thăm dò ở Bắc Cực đã bị “đóng băng” trong nhiều năm do Nga bị áp đặt các biện pháp trừng phạt kể từ năm 2014. Ở thị trường quốc tế, Eni vẫn chưa thông báo bất cứ điều gì về việc chấm dứt hợp tác với Rosneft trong các dự án ở nước ngoài, cụ thể là phát triển mỏ khí Zohr trên thềm lục địa Ai Cập, dự án lọc dầu ở Đức và dự án thăm dò dầu khí trên thềm lục địa của Mozambique.

Tập đoàn năng lượng OMV của Áo thông báo, hãng sẽ xem xét lại việc tham gia vào dự án đường ống khí đốt Nord Stream 2, đồng thời đình chỉ các cuộc đàm phán về việc mua 25,98% cổ phần trong dự án phát triển địa tầng Achimov ở mỏ Urengoiskoye của Gazprom. Tập đoàn Wintershall Dea (Đức) đã quyết định không xúc tiến hoặc thực hiện bất kỳ dự án sản xuất dầu khí bổ sung nào ở Nga và loại bỏ khoản tài chính trị giá 1,1 tỷ USD trong dự án Nord Stream 2. Tuy nhiên, cả hai công ty của Áo và Đức đều không thông báo rút khỏi các hợp đồng mua dầu khí dài hạn với Nga.

Tập đoàn năng lượng TotalEnergies thậm chí còn thông báo rằng, hãng sẽ không rút khỏi các dự án dầu khí tại Nga, mà chỉ từ chối các khoản đầu tư mới vào ngành công nghiệp dầu khí Nga.

Hoàn cảnh bế tắc

Những mâu thuẫn và sự thiếu quyết đoán trong hành động của các công ty dầu khí châu Âu, Anh và Mỹ không chỉ do mong muốn giữ các tài sản tạo ra thu nhập ở LB Nga, mà còn đi ngược lại với chương trình nghị sự chính trị của Mỹ/phương Tây.

Vấn đề là Chính phủ Nga trong những tuần gần đây đã tạo ra một số trở ngại cho việc rút vốn khỏi nước này, bao gồm cả các tài sản dầu khí thuộc sở hữu của các công ty nước ngoài. Trước hết, đó là sắc lệnh số 81 của Tổng thống Nga V.Putin (01/03/2022) về các biện pháp kinh tế bổ sung tạm thời để đảm bảo sự ổn định tài chính Liên bang. Theo đó, các giao dịch/hoạt động dẫn đến sự thay đổi quyền sở hữu chứng khoán có thể được thực hiện trên các sàn giao dịch trên cơ sở giấy phép do Ngân hàng trung ương Nga cấp theo thỏa thuận với Bộ Tài chính và đi kèm các điều kiện để thực hiện các giao dịch đó. Sắc lệnh đã chỉ ra rằng, nếu Shell, ExxonMobil hoặc bất kỳ công ty nào khác muốn bán tài sản trong ngành dầu khí của LB Nga thì người mua tiềm năng phải được sự chấp thuận của Ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính Nga.

Nếu điều này không xảy ra thì tài sản của Shell và ExxonMobil sẽ vẫn nằm trong quyền sử dụng của họ. Các công ty nước ngoài nắm giữ tài sản dầu khí ở Nga thực sự không có sự lựa chọn khi muốn thoái vốn khỏi thị trường Nga. Họ sẽ phải bán tài sản cho các công ty Nga hoặc cho một đối tác nước ngoài khác nếu được Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương Nga cho phép. Vào ngày 02/03, trang tin The Times dẫn nguồn đề cập đến sự phức tạp của việc xử lý tài sản dầu khí của BP tại Nga. Theo đó, BP chưa tìm được người mua phù hợp cho số cổ phần Rosneft mà hãng nắm giữ. Ngay cả các khách hàng mua tiềm năng đến từ Trung Quốc hay Trung Đông, BP sẽ phải bán với giá chiết khấu lớn để thoái vốn khẩn cấp khỏi thị trường Nga.

Nhiều chuyên gia Nga nhận định, vẫn còn nhiều câu hỏi liên quan đến việc bán tài sản dầu khí tại Nga và phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Những khó khăn trong việc thanh toán cổ phiếu bằng ngoại tệ do những biện pháp trừng phạt có thể được giải quyết trong một số trường hợp ngoại lệ. Một số cổ phần có thể được mua lại bởi chính các công ty, số khác sẽ được bán lại cho các nhà đầu tư tổ chức nội bộ, hoặc được bán lại cho các nhà đầu tư từ các quốc gia “thân thiện”, bao gồm cả Trung Quốc. Cho đến nay, các công ty nước ngoài vẫn chưa xác định rõ cơ chế thoái vốn khỏi các tài sản ở Nga. Theo luật pháp hiện hành của LB Nga, đều này rất khó thực hiện. Trong số các lựa chọn thực tế, hiện còn lựa chọn bán cổ phần cho các công ty Nga hoặc các nhà đầu tư từ Trung Quốc (các công ty đã tuyên bố sẵn sàng đầu tư vào LB Nga). Trong điều kiện hiện tại, các hoạt động như vậy có thể được thực hiện với sự cho phép đặc biệt. Ở kịch bản tiêu cực, giá trị của một số tài sản dầu khí có thể sẽ phải xóa sổ và chuyển sang các quỹ tín thác đặc biệt.

Theo Sắc lệnh số 81 của Tổng thống Nga ngày 01/03 nêu trên, không loại trừ kịch bản mà trong đó, cổ phần dầu khí thuộc quyền sở hữu của các công ty nước ngoài tại Nga có thể phải bán cho nhà nước.

Trong thời gian tới có thể xuất hiện những nhân tố mới ảnh hưởng đến quá trình bán các tài sản dầu khí thuộc sở hữu của những công ty nước ngoài tại Nga. Đồng thời, thực tế cho thấy, một số tập đoàn dầu khí từ EU, Mỹ và Anh sẽ phải loại bỏ tài sản của mình tại Nga. Vấn đề chỉ là thời gian. Ví dụ như BP, nếu tập đoàn này giữ lại cổ phần của Rosneft, hoạt động kinh doanh của hãng trên phạm vi toàn cầu rất có thể bị can thiệp và thiệt hại. Tất cả điều này chỉ có thể dừng lại nếu cuộc đối đầu trừng phạt giữa các nước phương Tây và Nga giảm bớt. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có điều kiện tiên quyết nào cho một quá trình như vậy.

Tiến Thắng