Sự điều chỉnh chính sách của Mỹ ở Trung Đông tác động tới quan hệ chiến lược Mỹ - Ả rập Xê-út

10:25 | 16/09/2021

|
(PetroTimes) - Trang tin Oilprice ngày 13/9 có bài bình luận đưa các ý kiến cho rằng sự điều chỉnh chính sách của Mỹ ở Trung Đông đã tác động tiêu cực tới quan hệ chiến lược Mỹ - Ả rập Xê-út, ảnh hưởng tới cục diện địa chính trị trong khu vực và Mỹ không nên mạo hiểm đẩy các đồng minh khu vực vào tay đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Nga.
Sự điều chỉnh chính sách của Mỹ ở Trung Đông

Những bức ảnh được công bố rộng rãi về sự thất bại quân sự của Mỹ ở Afghanistan đã gây ra căng thẳng nghiêm trọng trong tâm trí của các nhà lãnh đạo các nước Ả rập. Hành động đơn phương của Washington ở Afghanistan dường như làm tổn hại nghiêm trọng nền tảng cơ bản của sự ảnh hưởng của Mỹ ở vùng Vịnh Ba Tư. Sự hỗn loạn tại sân bay Kabul gây sốc cho chính quyền Ả rập Xê-út, Các tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) và cả Qatar. Nếu Afghanistan chỉ là một sự kiện đơn lẻ, ít tác động tiêu cực đối với Ả rập Xê-út và UAE. Tuy nhiên, một số người trong cuộc ở Washington tin rằng đó là sự khởi đầu của một vấn đề to lớn hơn. Các nhà quan sát đang tập trung chú ý vào lập trường của Mỹ ở Iraq và sự can dự của Mỹ ở Syria và Libya.

Đối với đa số người Ả rập vùng Vịnh, các động thái mới của chính quyền Biden là sự tiếp nối rõ ràng của chiến lược Obama-Trump về việc chấm dứt sự dính líu của quân đội và an ninh Mỹ ở khu vực. Các nước Ả rập đánh giá khá tiêu cực, cho rằng Mỹ sẽ rút quân toàn diện trong những tháng tới. Chính quyền Biden vẫn phát biểu ngoại giao thân thiết với khu vực nhưng dư luận quan tâm đến diễn biến trên thực tế. Có thông tin xác nhận rằng Mỹ đã đưa hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất và hệ thống pin tên lửa Patriot ra khỏi Ả rập Xê-út trong những tuần gần đây. Mỹ đơn phương dỡ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa này bất chấp việc Ả rập Xê-út nhiều lần yêu cầu giữ nguyên hệ thống vũ khí để chống lại các cuộc không kích của phiến quân Houthi ở Yemen. Phiến quân Houthi ở Yemen, được Iran hậu thuẫn, đã đẩy mạnh các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào các mục tiêu là sân bay và cơ sở dầu khí của Ả rập Xê-út.

Sự điều chỉnh chính sách của Mỹ ở Trung Đông tác động tới quan hệ chiến lược Mỹ - Ả rập Xê-út
Thủ đô Riyadh, Ả rập Xê-út. Ảnh: Tư liệu.

Quyết định của Mỹ gây áp lực cho quan hệ chiến lược lâu dài với Ả rập Xê-út là một điều đáng ngạc nhiên, đặc biệt trong bối cảnh đa số các đồng minh của Mỹ trong vùng Vịnh đều lo lắng về thảm họa Afghanistan. Các nhà phân tích ở Riyadh, Abu Dhabi và Bahrain đang rất lo lắng về các kế hoạch mới của Mỹ có thể sẽ rút một phần lớn lực lượng trong hàng chục nghìn quân Mỹ trong khu vực. Sự tập trung của chính quyền Biden vào khu vực quân sự mới của mình ở châu Á là tiền đề cơ bản cho các cuộc di chuyển quân đang diễn ra. Các quốc gia vùng Vịnh, đặc biệt là Ả rập Xê-út và UAE, cũng lo lắng đàm phán nối lại thỏa thuận hạt nhân với Iran (JCPOA) không thành công sẽ làm cho Tehran càng đẩy mạnh chương trình hạt nhân.

Quan hệ đồng minh chiến lược của Mỹ với Ả rập Xê-út đang xấu đi

Mối quan hệ đồng minh chiến lược Mỹ - Ả rập Xê-út đang ngày càng trở nên xấu đi. Việc đàm phán hạt nhân với Iran và áp lực của chính quyền Biden đối với OPEC yêu cầu gia tăng sản lượng khi giá xăng ở Mỹ tăng lên đã làm nguội đi tình cảm thân thiết của Ả rập Xê-út với Mỹ. Vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có chuyến công du tới vùng Vịnh, nhưng tuyên bố hoãn vô thời hạn chuyến thăm Ả rập Xê-út, với lý do liên quan đến lịch trình. Tuy nhiên, người Ả rập Xê-út không tin lý do đó. Thực tế việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Qatar, Kuwait và Bahrain, nhưng không thăm Ả rập Xê-út là một sự đối đầu rõ ràng. Ả rập Xê-út vẫn là một đồng minh mạnh mẽ nhất của Mỹ trong khu vực và động thái gần đây của Mỹ không thể không gây ra phản ứng. Về lâu dài, thái độ tức giận của Riyadh có thể sẽ khiến Washington phải trả giá đắt. Sự thiếu tin tưởng đang xuất hiện trong quan hệ hai nước chắc chắn sẽ gây ra hệ quả tiêu cực cho các lợi ích của Mỹ và phương Tây. Việc Tổng thống Biden giải mật rộng rãi các tài liệu liên quan đến vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 cũng gây ra những hậu quả lớn cho quan hệ Mỹ - Ả rập Xê-út. Ngay cả khi không xuất hiện thông tin nào chống Ả rập Xê-út, sự công kích chính trị và việc đưa tin liên tục trên báo chí Mỹ đối với Ả rập Xê-út cũng có thể buộc nước này phải xem xét lại lập trường của mình trong quan hệ song phương.

Ả rập Xê-út và Trung Đông cần một sự cam kết có bảo đảm của Mỹ

Trong những tháng tới, một sự thay đổi địa chính trị và kinh tế lớn sẽ xuất hiện trong khu vực vùng Vịnh. Vị thế của Mỹ rõ ràng đã suy yếu, tuy nhiên, chính quyền Biden dường như không có động thái nào làm gia tăng lợi ích của Mỹ trong khu vực. Khó có thể xảy ra việc Mỹ mất hoàn toàn ảnh hưởng trong khu vực, nhưng tác động của những tuyên bố từ Washington chắc chắn sẽ giảm bớt. Ả rập Xê-út, UAE và những nước khác trong khu vực sẽ tìm kiếm các đối tác quyền lực mới, và một số đã đến gõ cửa Nga, Trung Quốc. Hành động của Washington đã đẩy Ả rập Xê-út tiếp tục định hướng sang phía Đông, mở ra cánh cửa cho Moscow, Bắc Kinh. Các động thái của chính quyền Biden cũng tác động tới chính sách của OPEC+, khi Ả rập Xê-út, UAE và Nga đang là những người nắm giữ quyền lực mới trong OPEC+.

Một OPEC+ mạnh hơn, mối quan hệ gắn bó hơn của các nước trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) với Trung Quốc, Nga sẽ là cái giá tốn kém cho chính quyền Biden. Quan hệ gắn kết giữa năng lượng - quân sự - kinh tế sẽ vẫn tiếp tục tồn tại nhưng khi đó sẽ là các nước khác nắm sợi dây điều khiển. Chính quyền Biden không nên mạo hiểm như vậy. Ả rập Xê-út và các nước Trung Đông cần một sự cam kết có bảo đảm của Mỹ. Xét cho cùng, dầu mỏ vẫn là nguồn cung cấp nhiên liệu cho quân đội và nền kinh tế toàn cầu./.

Thanh Bình