Síp kiện ba công ty hỗ trợ thăm dò dầu khí Thổ Nhĩ Kỳ
|
"Chúng tôi đã tiến hành các thủ tục tố tụng pháp lý chống lại các công ty hợp tác với tập đoàn dầu Thổ Nhĩ Kỳ, TPAO", quan chức Síp nói.
Vụ kiện liên quan đến ba công ty và giám đốc điều hành của họ, quan chức Síp cho biết nhưng lại không tiết lộ tên hoặc địa chỉ của các công ty này cũng như tòa án tiếp nhận đơn khiếu nại.
Từ mấy năm gần đây khi Síp phát hiện nhiều mỏ khí khổng lồ ở phía đông Địa Trung Hải. Síp sau đó đã ký hợp đồng thăm dò với những tập đoàn lớn như ENI của Ý, Total của Pháp hay ExxonMobil của Mỹ. Nhưng Ankara kêu gọi đình chỉ tất cả các cuộc thăm dò, chừng nào giải pháp cho vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Cộng hòa Síp và Síp Thổ Nhĩ Kỳ còn chưa được tìm ra. Ankara cho rằng chính quyền đảo Síp (ở phần phía nam, thân Hy Lạp) đã không tôn trọng quyền bất khả xâm phạm về tài nguyên thiên nhiên của bên Síp Thổ Nhĩ Kỳ (miền Bắc ly khai, thân Thổ Nhĩ Kỳ). Cộng hòa Síp trên nguyên tắc bao trùm toàn bộ đảo này, nhưng vào năm 1974, sau cuộc xâm lấn của Thổ Nhĩ Kỳ, đảo này đã bị chia đôi, một phần phía Síp Hy Lạp, được quốc tế công nhận và chính thức mang tên Cộng hòa Síp, và một phần phía Bắc, đã ly khai, gọi là Síp Thổ Nhĩ Kỳ và chỉ được duy nhất Thổ Nhĩ Kỳ công nhận.
Trong một thông điệp được công bố vào đầu tháng 5/2019, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ý định tiến hành các hoạt động khoan thăm dò khí đốt cho đến tháng 9/2019 tại một khu vực ở Địa Trung Hải, mà theo Síp, lấn vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Theo Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, các hoạt động này sẽ được thực hiện bởi tàu khoan thăm dò Fatih ("Kẻ chinh phục", theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ). Thổ Nhĩ Kỳ lập luận rằng họ không bị ràng buộc bởi các thỏa thuận phân định trên biển giữa Cộng hòa Síp và các quốc gia ven biển Địa Trung Hải khác và họ có toàn quyền trên thềm lục địa của mình.
Đến ngày 20/6, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục gửi tàu thăm dò thứ hai mang tên Yavuz tới Địa Trung Hải. Tàu Yavuz đã rời khỏi bờ biển ngày 20/6 và được hộ tống bởi một tàu quân sự sau một buổi lễ tại cảng Dilovasi (phía tây bắc), trong đó có sự tham gia của Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ, Fatih Sönmez, theo AFP. "Chúng tôi sẽ tiếp tục các hoạt động khoan thăm dò. Đây là quyền hợp pháp của chúng tôi", ông Sönmez nói trong buổi lễ.
Gần đây, Nicosia đã ban hành lệnh bắt giữ đối với thủy thủ đoàn của tàu khoan thăm dò Fatih của Thổ Nhĩ Kỳ.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Síp cho biết ngày 2/7 rằng từ 10 đến 20 cá nhân, công ty và giám đốc điều hành hiện đang là đối tượng bị bắt giữ theo lệnh của chính phủ Síp.
EU đã nhiều lần đe dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara từ chối ngừng hoạt động thăm dò "bất hợp pháp" ngoài khơi đảo Síp. Hoa Kỳ cũng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ xem xét lại các dự án khoan ngoài khơi đảo Síp.
Nh.Thạch
AFP
- MOL Hungary có dám từ bỏ dầu Nga khi cái giá lên tới nửa tỷ USD mỗi năm?
- Ấn Độ hỗ trợ các doanh nghiệp năng lượng sạch như thế nào?
- Iran khẳng định tiếp tục làm giàu uranium dù có đạt được thỏa thuận hạt nhân hay không
- Bản tin Năng lượng xanh: Chính quyền Trump sẽ kiểm toán hàng tỷ đô la trợ cấp năng lượng dưới thời Tổng thống Biden
- Vì sao quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Anh bị chững lại?