Rosatom kiện hai công ty Phần Lan vì phá hợp đồng hạt nhân
![]() |
![]() |
![]() |
Ảnh Reuters |
Năm 2013, Fennovoima — một liên doanh của các công ty Phần Lan như Fortum, Outokumpu và SSAB — đã ký hợp đồng với Rosatom để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hanhikivi-1 tại Pyhäjoki, Phần Lan. Dự án trị giá khoảng 6,5–7 tỷ euro, dự kiến sử dụng lò phản ứng AES-2006 VVER công suất 1.200 MW.
Tuy nhiên, vào tháng 5 năm 2022, Fennovoima đơn phương chấm dứt hợp đồng với lý do dự án bị chậm tiến độ, rủi ro địa chính trị gia tăng do cuộc xung đột Nga–Ukraine, và những nghi ngờ về khả năng thực hiện dự án.
Sau khi hợp đồng bị hủy bỏ, cả hai bên đã khởi kiện lẫn nhau. Rosatom đã đệ đơn kiện tại tòa án Moscow, yêu cầu bồi thường 227,8 tỷ rúp (tương đương 2,8 tỷ USD) từ các công ty Phần Lan là Fortum và Outokumpu, cáo buộc họ vi phạm hợp đồng EPC, thỏa thuận cổ đông, hợp đồng cung cấp nhiên liệu và không hoàn trả khoản vay. Trong khi đó, Fennovoima đã khởi kiện Rosatom tại trọng tài quốc tế, yêu cầu hoàn trả 1,7 tỷ euro tiền thanh toán tạm ứng và bồi thường thiệt hại do dự án bị hủy bỏ.
Vào tháng 12 năm 2022, Hội đồng Giải quyết Tranh chấp (Dispute Review Board - DRB) đã xác định rằng việc Fennovoima chấm dứt hợp đồng EPC là không hợp pháp, và việc công ty này từ chối chấp nhận RAOS Project (công ty con của Rosatom) sẽ hoàn thành dự án cũng là vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, Fennovoima cho biết quyết định của DRB không có tính ràng buộc cuối cùng.
Hiện tại, các vụ kiện tụng giữa Rosatom và Fennovoima vẫn đang được xem xét tại các tòa án quốc tế. Rosatom yêu cầu bồi thường tổng cộng khoảng 3 tỷ euro, trong khi Fennovoima yêu cầu bồi thường gần 2 tỷ euro. Trong số này, 1,7 tỷ euro là khoản thanh toán tạm ứng mà Fennovoima đã trả cho Dự án RAOS, CEO Joachim Specht cho biết. Ông Specht cho biết trước đó Rosatom đã cảnh báo Fennovoima về việc dự án vốn bị trì hoãn vào đầu năm 2022, vẫn có nguy cơ dự án sẽ bị trì hoãn thêm vài năm. Ông cho biết đây là một trong những lý do khiến Phần Lan phải chấm dứt dự án Hanhikivi-1.
Fortum là nhà đầu tư nước ngoài lớn trong lĩnh vực năng lượng của Nga, tuy nhiên vào năm 2023, công ty này đã mất quyền kiểm soát các tài sản tại Nga, khi Nga tạm thời tiếp quản 7 đơn vị nhiệt điện và danh mục liên doanh các nhà máy điện gió và mặt trời từ Fortum, theo sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin.
Yến Anh
Reuters, Interfax
- Ngành năng lượng thế giới: Bất ổn hiện tại và kỳ vọng tương lai
- BP tiếp tục cắt giảm chi phí và thu hẹp quy mô đầu tư năng lượng tái tạo
- Tin Thị trường: Giá dầu thế giới chìm trong sắc đỏ
- Bản tin Năng lượng xanh: Equinor cho biết có thể mất hàng tỷ đô la do chính sách siết chặt năng lượng gió của Tổng thống Trump
- Các bên toan tính gì khi ký thỏa thuận khoáng sản Mỹ - Ukraine