Repsol rời bỏ các dự án dầu khí ở Đông Nam Á

15:08 | 13/12/2021

|
(PetroTimes) - Trang tin Oilprice.com ngày 3/6/2021 đưa tin công ty dầu mỏ Malaysia Hibiscus Petroleum Bhd. chuẩn bị tiếp quản các hoạt động của Repsol tại Malaysia và Việt Nam khi công ty dầu khí Tây Ban Nha bán lại tài sản thăm dò và khai thác, rời bỏ thị trường Malaysia để tập trung vào thị trường cốt lõi. Repsol tuyên bố sẽ bán lại các tài sản thăm dò và khai thác dầu mỏ tại Malaysia cũng như tại Lô 46 CN ở Việt Nam cho công ty con thuộc sở hữu của công ty Malaysia Hibiscus Petroleum.
Repsol rút khỏi dự án liên doanh phát triển 2 lô dầu Bắc Cực với Gazprom Neft và ShellRepsol rút khỏi dự án liên doanh phát triển 2 lô dầu Bắc Cực với Gazprom Neft và Shell
Petronas (Malaysia) mua 49% cổ phần của Repsol tại Lô Andaman III (Indonesia)Petronas (Malaysia) mua 49% cổ phần của Repsol tại Lô Andaman III (Indonesia)

Repsol rời bỏ các dự án dầu khí ở Đông Nam Á

Một giàn khoan của Repsol tại Malaysia. Ảnh: Repsol/Tư liệu

Niêm yết tại Kuala Lumpur, Hibiscus sẽ có toàn bộ lợi ích của chủ sở hữu trong công ty Fortuna International Petroleum Corp với giá 212,5 triệu USD. Tin đồn về việc Repsol rời bỏ Malaysia đã có từ tháng 2/2021. Tuy nhiên, Repsol vẫn đang nắm giữ cổ phần đáng kể trong lĩnh vực dầu mỏ ở Đông Nam Á, với tài sản chủ yếu ở Việt Nam và Indonesia.

Sự dịch chuyển này có lẽ là một nỗ lực của Repsol tập trung vào danh mục đầu tư các hoạt động cốt lõi và tại một số nước trọng điểm, sau khi Repsol đã rút khỏi Nga và ngừng sản xuất dầu ở Tây Ban Nha. Repsol sẽ tiếp tục tập trung nỗ lực của mình vào các hoạt động thượng nguồn, giảm sự hiện diện của mình từ 25 xuống còn 14 nước trọng điểm. Thỏa thuận này sẽ giúp Hibiscus từ một công ty nhỏ ở châu Á trở thành một trong các công ty quan trọng ở khu vực, cạnh tranh với Medco Energi của Indonesia trong đấu thầu các tài sản. Readul Islam, một chuyên gia về thượng nguồn tại công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy phát biểu về thỏa thuận như sau: “Ở Biển Bắc, có một loạt các công ty có vốn sở hữu tư nhân sẵn sàng mua cổ phần khi những dân chơi truyền thống muốn rời bỏ vị trí. Ở khu vực này, Hibiscus có vẻ tiếp nhận vai trò một cách đơn thương độc mã”. Phó Chủ tịch của Rystad Prateek Pandey cho rằng việc bán tài sản cho Hibiscus là “một ví dụ tuyệt vời về một công ty độc lập trong khu vực đẩy mạnh việc mở rộng danh mục đầu tư khi các tay chơi quốc tế nặng ký muốn thu hẹp sự hiện diện thăm dò và khai thác của mình ở châu Á”.

Thỏa thuận cho thấy Hibiscus sẽ sở hữu 35% lợi ích trong PM3 CAA PSC, 60% trong PSC Dầu Kinabalu, 60% trong PM305 PSC, và 60% trong PM314 PSC ngoài khơi phía đông Bán đảo Malaysia, 79% trong Lô 46CN ở Việt Nam. Tuy nhiên, thỏa thuận còn đang chờ sự thông qua ở cả hai nước Việt Nam và Malaysia. Hibiscus cũng cần nhận miễn trừ từ các đối tác quyền hoàn tất thương vụ. Ngành dầu khí của Malaysia đang hồi phục từ từ, sau khi sụt giảm lợi nhuận do nhu cầu và giá dầu thấp trong năm 2020. Petronas, công ty dầu khí sở hữu nhà nước của Malaysia, đã nỗ lực tăng gấp đôi lợi nhuận của mình trong Quý I so với cùng kỳ năm ngoái, với giá dầu tăng và chi phí giảm. Tháng 4 vừa qua, Chính phủ Malaysia đã đưa ra kế hoạch 10 năm ngành dầu khí, với mục tiêu phát triển thịnh vượng trong môi trường giá dầu thấp. Kế hoạch 10 năm, 2021-2030, về dịch vụ dầu khí quốc gia và thiết bị (OGSE) của Malaysia có mục tiêu gia tăng tiềm năng xuất khẩu, đa dạng hóa với các dự án năng lượng tái tạo, củng cố ngành dầu khí. Trong khi đó, công ty dầu khí quốc gia của Việt Nam có mục tiêu tăng thu nhập 9%, đạt 5,86 tỷ USD, tăng doanh thu và lợi nhuận trước thuế là 238% , khoảng 156 triệu USD.

Thỏa thuận Hibiscus-Repsol có thể là thỏa thuận đầu tiên trong nhiều thỏa thuận khác khi chúng ta chứng kiến các tay chơi khu vực đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong phát triển thị trường dầu mỏ Đông Nam Á.

Theo tin nước ngoài.

Thanh Bình