Quốc tế chung tiếng nói về phán quyết PCA ở Biển Đông: Giá trị pháp lý không bị xói mòn

15:03 | 17/07/2021

|
Năm năm sau khi Tòa Trọng tài thành lập theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 ra phán quyết lịch sử về Biển Đông nghiêng về phía Philippines, Mỹ và nhiều nước trung cường đã ra tuyên bố ủng hộ phán quyết., Mỹ và nhiều nước trung cường đã ra tuyên bố ủng hộ phán quyết.
Toà trọng tài thường trực PCA công bố phán quyết về Biển Đông, năm 2016. (Nguồn: PCA)
Toà trọng tài thường trực PCA công bố phán quyết về Biển Đông, năm 2016. (Nguồn: PCA)

Những tuyên bố về Biển Đông này có những điểm chung, điểm riêng và cả những khác biệt so với tuyên bố của chính những nước này 5 năm trước. Điều này thể hiện những bước chuyển chính sách rõ rệt trong vấn đề Biển Đông.

Hàng loạt tuyên bố kỷ niệm 5 năm

Mỹ khá nhanh nhạy khi Ngoại trưởng Antony Blinken ngày 11/7 ra tuyên bố trước ngày kỷ niệm một ngày, khẳng định kết quả của phán quyết là ràng buộc và yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.

Ngoài ra, Mỹ nhấn mạnh nghĩa vụ bảo vệ Philippines theo Hiệp ước phòng thủ chung nếu lực lượng vũ trang, tàu hoặc máy bay của Manila ở Biển Đông bị tấn công, đồng thời kêu gọi Trung Quốc ngừng các động thái khiêu khích.

Cùng ngày với Mỹ, tuyên bố của Canada yêu cầu các bên liên quan tuân thủ phán quyết, nhấn mạnh Canada “đặc biệt lo ngại” trước các hành động “leo thang và gây bất ổn” của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông như quân sự hóa các thực thể tranh chấp hay sử dụng tàu hải quân, tuần duyên và dân quân biển để đe dọa tàu các nước khác.

Canada cũng nhắc lại lời kêu gọi các nước tuân thủ theo Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC) giống như năm 2016.

Đúng vào ngày kỷ niệm, Ngoại trưởng Australia Marise Payne nhắc lại kết luận của phán quyết rằng, yêu sách theo “quyền lịch sử” của Trung Quốc là trái với UNCLOS, kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết.

Australia sẽ tiếp tục ủng hộ quyền giải quyết hòa bình tranh chấp của mọi quốc gia và luôn hành động nhất quán theo UNCLOS.

Nhật Bản, ngoài khẳng định kết luận của phán quyết, nhấn mạnh rằng, việc Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận phán quyết đi ngược lại nguyên tắc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và làm suy yếu thượng tôn pháp luật với tư cách là giá trị cơ bản của cộng đồng quốc tế.

Ngoài ra, Nhật Bản nhắc lại tính phổ biến và toàn diện của UNCLOS và phản đối các yêu sách Biển Đông không phù hợp với UNCLOS…

Thêm vào đó, Phái đoàn châu Âu tại Philippines phát biểu trên Twitter vào ngày kỷ niệm rằng, những gì xảy ra tại Biển Đông quan trọng với Liên minh châu Âu (EU) và toàn thế giới.

Liên minh kinh tế-chính trị này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ và thúc đẩy hòa bình, quyền tự do hàng hải-hàng không tại Biển Đông, cũng như nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp theo luật quốc tế và UNCLOS.

Cũng theo Phái đoàn, điều này đã được quan chức cấp cao EU và ASEAN thống nhất trong cuộc họp SOM ngày 8/7 trước đó.

Sau đó, Đại sứ Đức tại Philippines Anke Reiffenstuel và Đại sứ Pháp tại Philippines Michele Boccoz đã đăng lại tuyên bố này trên trang Twitter cá nhân.

Nhất quán ủng hộ phán quyết

Các tuyên bố của Mỹ và các nước tầm trung dịp kỷ niệm 5 năm phán quyết cho đến thời điểm này đều có một số điểm giống và khác nhau.

Về điểm giống, thứ nhất, các nước nhất quán ủng hộ phán quyết, coi văn bản có giá trị ràng buộc đối với Philippines và Trung Quốc.

Riêng Nhật Bản và Australia khẳng định thêm kết luận của phán quyết là chung thẩm. Một số nước đã mô tả phán quyết bằng các ngôn từ thận trọng, chẳng hạn như Canada gọi đây là “cột mốc quan trọng”, hay Đại sứ Đức tại Philippines cho rằng “Philippines đã viết nên lịch sử” với phán quyết.

Thứ hai, tất cả các tuyên bố đều đề cao tầm quan trọng của luật quốc tế, cụ thể là UNCLOS năm 1982 trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông.

Thứ ba, các nước đều đưa ra tuyên bố rất kịp thời và thông qua kênh Bộ Ngoại giao.

Về điểm khác, tuyên bố của EU và Australia chỉ ủng hộ UNCLOS và luật quốc tế nói chung và không “chỉ điểm” một quốc gia nào.

Ngược lại, tuyên bố của Mỹ, Nhật Bản và Canada lại nhắc đích danh Trung Quốc, mô tả hành vi của nước này tại Biển Đông với những ngôn từ mang ý chỉ trích.

Mỹ gọi những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông là “cưỡng bức” và “dọa nạt”, trong khi Nhật Bản cho rằng đó là “trái nguyên tắc”, còn Canada dùng từ “leo thang” và “gây bất ổn”.

Nhật Bản còn là nước duy nhất trực tiếp đề cập việc Trung Quốc không chấp nhận phán quyết.

Đặc biệt hơn, khi so sánh với các tuyên bố của chính những nước này vào thời điểm năm 2016, có thể thấy bước chuyển rõ rệt trong chính sách: trước đây, các nước này chỉ khẳng định ủng hộ và kêu gọi thực thi phán quyết một cách chung chung và không hề nhắc đến Trung Quốc.

Trường hợp của Mỹ rất đáng chú ý. Phát biểu của Ngoại trưởng Blinken có một nội dung về một điều Mỹ chưa từng nhắc đến: không ở đâu trật tự hàng hải dựa trên luật lệ lại bị đe dọa lớn hơn ở Biển Đông.

Song song với tuyên bố, Hải quân Mỹ còn điều tàu chiến tới Hoàng Sa để thi hành hoạt động tự do hàng hải (FONOP) đúng vào ngày kỷ niệm.

Đây có thể là động thái nhằm chuyển tải thông điệp rằng, Mỹ “nói đi đôi với làm” trong cam kết với Biển Đông nói riêng và thượng tôn pháp luật nói chung, bất chấp việc Trung Quốc có phản ứng thế nào đi chăng nữa.

Tuy nhiên, nếu so với năm 2016, còn nhiều nước tầm trung chưa đưa ra tuyên bố như Ấn Độ, Hàn Quốc hay Singapore, dù Ấn Độ và Singapore năm 2016 không trực tiếp nhắc đến phán quyết khi ra tuyên bố…

EU lần này cũng chưa có tuyên bố từ cơ quan trung ương, mà chỉ có bài đăng mạng xã hội của Phái đoàn tại Philippines.

Lý giải nguyên nhân

Trường hợp của Mỹ và Nhật Bản là dễ đoán.

Trong bối cảnh trọng tâm địa-chính trị chuyển dịch về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Trung Quốc có các động thái mạnh mẽ trên thực địa, bao gồm tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, các nước này trong 5 năm qua đã dần thể hiện lập trường cụ thể hơn trong vấn đề Biển Đông, điển hình là qua Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 13/7/2020 hay Công hàm gửi Liên hợp quốc của Nhật Bản ngày 19/1/2021.

Tokyo cũng liên tục bày tỏ quan ngại về các hành động của Bắc Kinh trong 6 tháng đầu năm 2021 trong các tuyên bố đơn, song và đa phương, ví dụ như tuyên bố G7 ngày 19/2, tuyên bố sau Thượng đỉnh Bộ tứ ngày 12/3, tuyên bố chung với Mỹ ngày 16/4…

Canada trong thời gian gần đây cũng có dấu hiệu bày tỏ sự cứng rắn với Trung Quốc, không “né tránh” vấn đề Biển Đông như trước kia.

Tháng 4/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Harjit Singh Sajjan tuyên bố Canada phản đối việc cải tạo xây dựng các tiền đồn quân sự tại các khu tranh chấp trên Biển Đông.

Trong sự việc tàu Trung Quốc tập kết tại Đá Ba Đầu, Đại sứ Canada tại Philippines nhấn mạnh Ottawa phản đối hành động ngoài khơi bờ biển của Philippines.

Thay đổi này có thể là tổng hòa của nhiều yếu tố, bao gồm hành xử của Trung Quốc; tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực; mâu thuẫn Trung Quốc-Canada trong các lĩnh vực khác như kinh tế, giá trị dân chủ và nhân quyền...; tác động của tập hợp lực lượng từ phía Mỹ…

Việc EU không có tuyên bố chính thức kỷ niệm phán quyết có thể gây bất ngờ vì nhiều lý do.

Thứ nhất, EU gần đây có nhiều thay đổi cho thấy thái độ mạnh dạn hơn về Biển Đông và Trung Quốc.

Ví dụ như việc EU ra tuyên bố ngày 24/4 về tàu Trung Quốc tại Đá Ba Đầu làm ảnh hưởng đến hoà bình và ổn định khu vực, hay tuyên bố cấp cao EU-Nhật Bản và EU-Mỹ bày tỏ quan ngại về Biển Đông và Biển Hoa Đông...

Thứ hai, EU từ trước tới nay vẫn được coi là “thành trì” bảo vệ thượng tôn pháp luật. Tòa án đưa ra Phán quyết cũng nằm tại châu Âu.

Có thể, EU chưa ra tuyên bố chính thức do cơ chế đồng thuận nội khối. Đây là quy trình cần thời gian vì liên minh này có 27 nước thành viên, nhất là khi nhiều thành viên EU có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc và tham gia Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI).

Thay vào đó, quy trình ra tuyên bố của riêng Phái đoàn EU tại một nước sẽ nhanh hơn, đặc biệt là nếu đó chỉ là bài đăng trên Twitter.

Như vậy, các tuyên bố của Mỹ và các nước trung cường dịp kỷ niệm 5 năm phán quyết Biển Đông có nhiều điểm giống và khác khi so sánh lẫn nhau và so với các tuyên bố của chính các nước này năm 2016.

Nhìn tổng thể, đây vẫn là diễn biến tích cực và đáng hoan nghênh, nhất là từ phía Việt Nam, bởi điều này cho thấy phán quyết Biển Đông không bị lãng quên, giá trị của phán quyết không bị xói mòn.

Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Hoa Kỳ về đối tác chiến lược, chống Covid-19 và Biển ĐôngHội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Hoa Kỳ về đối tác chiến lược, chống Covid-19 và Biển Đông
Cộng đồng quốc tế đề cao giá trị pháp lý của UNCLOS và phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về Biển ĐôngCộng đồng quốc tế đề cao giá trị pháp lý của UNCLOS và phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông
Giá dầu biến động trước triển vọng thị trường không chắc chắnGiá dầu biến động trước triển vọng thị trường không chắc chắn

Theo ĐỖ HOÀNG - LÊ LONG - Báo Quốc tế