Quá trình chuyển dịch năng lượng của các quốc gia trên thế giới

09:32 | 08/04/2024

|
(PetroTimes) - Trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực chống biến đổi khí hậu và sức ép của việc đảm bảo an ninh năng lượng, các quốc gia, chính phủ dần hình thành các kế hoạch, lộ trình để thực hiện quá trình chuyển dịch năng lượng.
Quá trình chuyển dịch năng lượng của các quốc gia trên thế giới

Trung Quốc

Trung Quốc là nước tiêu thụ nguồn năng lượng sơ cấp lớn nhất thế giới. Hiện nay, nước này tiêu thụ khoảng ¼ nguồn cung cấp năng lượng của thế giới.

Để chống lại biến đổi khí hậu và có sự đảm bảo về an ninh năng lượng, Trung Quốc đã có kế hoạch hướng tới một sự chuyển đổi triệt để, theo đó nước này đặt ra mục tiêu là đạt mức phát thải carbon cao nhất trong thập kỷ này và sau đó đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060.

Trung Quốc đã ban hành hàng loạt văn bản, chính sách hỗ trợ tài chính cho hoạt độngtiết kiệm năng lượng, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hiệu quả cao, đồng thời cũng có các chính sách trợ giá thúc đẩy sản xuất các nhiên liệu tái sinh. Chú trọng phát triển các nguồn năng lượng mới.

Chính phủ Trung Quốc đã đề cao: Chiến lược năng lượng của Trung Quốc trong tương lai cần chuyển hướng đầu tư mạnh mẽ sang các dạng năng lượng tái tạo và năng lượng sạch (gồm thủy điện, năng lượng gió, điện mặt trời, năng lượng sinh học). Định hướng đến năm 2050, năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn cung cấp chính, chiếm 35-40% tổng cung năng lượng của Trung Quốc.

Hiện nay, Trung Quốc được đánh giá là nhà sản xuất năng lượng gió hàng đầu trên thế giới, bên cạnh khai thác gió trên đất liền, Trung Quốc cũng đã tập trung hỗ trợ triển khai các dự án phát triển năng lượng gió ngoài khơi. Nhiên liệu sinh học cũng là nguồn năng lượng rất được quan tâm. Để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy chế biến nhiên liệu sinh học, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu nông sản như sắn và mở rộng các vùng nguyên liệu mía, ngô… nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất nhiên liệu sinh học cồn ethanol và dầu diesel sinh học trong nước.

Các lĩnh vực sản xuất năng lượng nguyên tử, gió, mặt trời… được hưởng nhiều chính sách thuận lợi. Trung Quốc vẫn tiếp tục củng cố vị thế để trở thành cường quốc năng lượng sạch của thế giới.

Quá trình chuyển dịch năng lượng của các quốc gia trên thế giới

Mỹ

Mỹ là nước tiêu thụ nguồn năng lượng sơ cấp lớn thứ hai thế giới nhưng là nước có mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp trên đầu người lớn nhất thế giới.

Mỹ đặt ra mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0 muộn nhất vào năm 2050. Theo đó, mục tiêu vào năm 2030, lượng phát thải sẽ giảm xuống 50-52% so với năm 2005. Mỹ tập trung vào các giải pháp bao gồm (i) khử carbon trong lĩnh vực sản xuất điện, (ii) điện khí hóa các ứng dụng sử dụng năng lượng cuối và chuyển sang các dạng năng lượng sạch hơn, (iii) tiết kiệm năng lượng, (iv) giảm phát thải methane và các khí nhà kính không phải CO2 (như HFCs, N2O) và (v) tăng quy mô công nghệ loại bỏ CO2 để có thể đạt được cam kết về khí hậu.

Liên minh châu Âu

Liên minh châu Âu là một trong những khu vực đi đầu trên thế giới về thực thi các chính sách nhằm thúc đẩy xu hướng chuyển dịch năng lượng để hướng đến nền kinh tế không phát thải vào năm 2050. Hiện tại, Liên minh châu Âu đang sử dụng trên 50% nguồn cung năng lượng từ nhập khẩu và tạo ra 10% lượng phát thải toàn cầu. Là một trong các bên tham gia vào ký Thỏa thuận Paris tại COP 21 (2015), Liên minh châu Âu đã thiết lập mục tiêu giảm phát thải carbon cùng với các chính sách hỗ trợ/thúc đẩy đi kèm. Theo đó, đến năm 2030, Liên minh châu Âu sẽ giảm tối thiểu 40% lượng khí thải nhà kính và sau đó được cập nhật tăng mức giảm khí nhà kính lên 55%. Hai trụ cột chính để Liên minh châu Âu có thể đạt được mục tiêu này bao gồm nâng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo và hiệu suất sử dụng năng lượng lên lần lượt là 32% và 32,5%. Liên minh châu Âu đã áp dụng các chính sách vừa có tính khuyến khích thông qua sự hỗ trợ tài chính vừa có tính bắt buộc trên cơ sở ban hành những quy định có tính cách pháp lý đối với các chỉ tiêu về mức giảm phát thải cũng như tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo trong các lĩnh vực. Một mặt, EU đã chi 20% ngân quỹ EU để hỗ trợ tài chính cho các nghiên cứu phát triển công nghệ mới và triển khai các dự án thử nghiệm để cải tiến hiệu quả kinh tế và nâng quy mô công suất trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và thu hồi, lưu trữ CO2. Mặt khác, EU đã đưa ra 04 chính sách nhằm thúc đẩy thực thi tiến trình chuyển dịch năng lượng tại các nước thành viên, bao gồm:

» Thị trường mua bán phát thải (Emissions Trading System - ETS): Được hình thành từ năm 2005 và là khu vực thiết lập được ở quy mô quốc tế đầu tiên trên thế giới. ETS được hình thành trên cơ sở áp giá phải trả cho lượng phát thải khí nhà kính vượt hạn ngạch từ các nhà máy điện và một số ngành công nghiệp chính. Hạn ngạch phát thải khí nhà kính của các đơn vị sản xuất sẽ giảm dần qua các năm. Hiện tại, ETS được áp dụng cho 45% lượng phát thải của Châu Âu;

» Cam kết chia sẻ (Effort Sharing Decision - ESD): 55% lượng phát thải còn lại (không tham gia vào ETS) sẽ được cam kết bởi các nước thành viên và đưa vào mục tiêu quốc gia của mỗi nước. Theo đó, mức phát thải của mỗi nước có thể thay đổi trong một khoảng, tùy thuộc vào tiềm lực kinh tế của mỗi quốc gia thành viên;

» Mục tiêu quốc gia về năng lượng tái tạo: Tùy thuộc vào nhu cầu và tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, mỗi nước thành viên sẽ đưa ra mục tiêu về tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu sử dụng năng lượng quốc gia;

» Thu hồi và lưu trữ carbon: Được áp dụng cho các lĩnh vực không thể thay thế nguồn nhiên liệu hóa thạch đang sử dụng bằng các loại nhiên liệu sạch khác. Chính sách này nhằm tạo ra khung pháp lý và tiêu chuẩn cho quá trình thu hồi và lưu giữ khí thải nhà kính dưới lòng đất và đảm bảo không phát thải vào môi trường.

Quá trình chuyển dịch năng lượng của các quốc gia trên thế giới

Ấn Độ

Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới. Ấn Độ có trình độ phát triển kinh tế thấp hơn nhiều so với Trung Quốc và được thúc đẩy bởi lĩnh vực dịch vụ. Mặc dù có trữ lượng than và điều kiện phát triển các nguồn năng lượng, nhưng Ấn Độ lại đang là nước chịu chi phối bởi nguồn năng lượng nhập khẩu. Ấn Độ đã đưa ra mục tiêu đạt phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2070. Chính phủ Ấn Độ đã tiến hành rất nhiều biện pháp, chiến lược để cải thiện tình hình, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia như:

» Xây dựng các chính sách thúc đẩy việc tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo và mở rộng các nhà máy năng lượng mặt trời và nhà máy điện gió trên quy mô lớn.

» Chiến lược cải thiện an ninh năng lượng được ưu tiên hàng đầu, đa dạng hóa các nguồn cung cấp và tăng dự trữ dầu chiến lược cho quốc gia. Ấn Độ đang hướng đầu tư vào các mỏ dầu ở Trung Đông, châu Phi và các quốc gia lân cận.

» Tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng mạng lưới điện liên bang và xuyên quốc gia. Ấn Độ tập trung tìm ra các giải pháp kỹ thuật, quản lý và kinh tế để hiện thực hóa việc truyền tải điện liên bang. Từ năm 2017, Ấn Độ đã bắt đầu trở thành nước xuất khẩu ròng năng lượng với các đường dây kết nối xuyên quốc gia tới Nepal, Bangladesh và Myanmar.

» Tăng cường sử dụng các nguồn khí đốt và tăng cường năng lượng tái tạo, giảm sử dụng các nhà máy điện than. Ấn Độ đã đầu tư nhiều hơn vào năng lượng mặt trời so với tất cả các nguồn năng lượng hóa thạch khác dùng trong sản xuất điện. Ấn Độ đã có các chính sách đặc thù để đảm bảo sự tích hợp tốt của năng lượng tái tạo vào hệ thống điện chung và đang nỗ lực tạo ra một thị trường bán buôn điện cạnh tranh, điều này rất quan trọng để cải thiện hoạt động của ngành điện ở Ấn Độ. Sáng kiến “Make in India” chính là nhằm thu hút các công ty sản xuất các tấm pin mặt trời, pin lithium và cơ sở hạ tầng sạc điện khác ở Ấn Độ.

PV