Phương Tây thúc đẩy quan hệ với Ả Rập Xê-út trong lĩnh vực năng lượng

13:16 | 25/09/2022

|
(PetroTimes) - Reuters ngày 25/9/2022 đưa tin hôm thứ Bảy (24/9), sau cuộc gặp với Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Đức mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác năng lượng giữa hai nước.
Phương Tây thúc đẩy quan hệ với Ả Rập Xê-út trong lĩnh vực năng lượng
Thái tử Ả Rập Xê-ú Mohammed bin Salman (R) bắt tay Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Cung điện al-Salam ở thành phố ven biển Biển Đỏ của Jeddah BANDAR AL-JALOUD ngày 24/9/2022. (Ảnh: Hoàng gia Ả Rập Xê-út/AFP)

Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Đức Scholz nói rằng quan hệ đối tác năng lượng nên vượt ra ngoài nhiên liệu hóa thạch, để bao gồm cả hydro và năng lượng tái tạo.

Reuters 24/9 cũng đưa tin của hãng thông tấn nhà nước Ả Rập Xê-út SPA cho biết hôm thứ Sáu, Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman đã tiếp Cố vấn cấp cao về An ninh Năng lượng Hoa Kỳ Amos Hochstein và Điều phối viên chính sách Trung Đông của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Brett McGurk tại thành phố Jeddah, Ả Rập Xê-út SPA.

SPA cho biết "Các mối quan hệ song phương giữa hai nước Ả Rập Xê-út và Hoa Kỳ đã được thảo luận và theo dõi tích cực từ sau Hội nghị thượng đỉnh Jeddah (nhân chuyến thăm Ả Rập Xê-út của Tổng thống Biden 16/7/2022), đặc biệt là trong các lĩnh vực an ninh năng lượng và đầu tư trong chương trình Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu (Partnership for Global Infrastructure and Investment), cũng như những phát triển trong khu vực bao gồm cả Yemen”.

Phương Tây thúc đẩy quan hệ với Ả Rập Xê-út trong lĩnh vực năng lượng
Hội nghị thượng đỉnh Jeddah về An ninh và Phát triển diễn ra tại Ả Rập Xê-út ngày 16/7/2022.(Ảnh: Hoàng gia Ả Rập Xê-út / Reuters)

Trước đó, trong một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ tan băng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chào đón Thái tử Mohammed bin Salman tại Điện Elysee hôm 28/7, chuyến thăm đầu tiên của Thái tử Ả Rập Xê-út tới một nước thành viên EU. Hai bên đã trao đổi về vấn đề nguồn cung năng lượng, vấn đề hạt nhân Iran.

Các ưu tiên đã thay đổi

Dư luận cho rằng Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman (MBS) đã một phần nào đó bị Phương Tây “ghẻ lạnh” sau vụ ám sát nhà báo Ả Rập Xê-út ​​Jamal Khashoggi năm 2018, mặc dù Thái tử Ả Rập Xê-út bác bỏ mọi cáo buộc. Bốn năm trôi qua và thế giới đã thay đổi. Cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều đã có cuộc gặp với Thái tử Ả Rập Xê-út trong năm nay, do giá dầu tăng và cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu đã đặt các nền kinh tế phương Tây vào thế khó.

Bây giờ đến lượt Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến thăm Ả Rập Xê-út, thúc đẩy quan hệ trong lĩnh vực năng lượng. Các nguồn tin chính phủ Đức nói Ả Rập Xê-út với tư cách là một nhà xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch và cường quốc khu vực, Đức cần có một "mối quan hệ làm việc vững chắc" với Thái tử Ả Rập Xê-út. Berlin muốn mở rộng hợp tác về các công nghệ mới như hydro xanh được sản xuất bằng năng lượng tái tạo mà Đức có thể nhập khẩu với số lượng lớn từ các quốc gia vùng Vịnh.

Phương Tây thúc đẩy quan hệ với Ả Rập Xê-út trong lĩnh vực năng lượng

Thống đốc Mecca Khalid Bin Faisal Al Saud tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Jeddah, Ả Rập Xê-út ngày 24/9/2022. Ảnh: Reuters/ Andreas Rinke

Trong chuyến thăm hai ngày tới các nước vùng Vịnh, Thủ tướng Đức cũng tìm cách tăng cường hợp tác năng lượng, chính trị với các cường quốc khác. Thủ tướng Đức Scholz đã rời Ả Rập Xê-út đến UAE hôm thứ Bảy, gặp Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al-Nahyan vào sáng Chủ nhật. Cùng ngày, Thủ tướng Đức tới Qatar để hội đàm với Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani.

Các thỏa thuận dài hạn được ký kết với Qatar và UAE nhằm thúc đẩy xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu để cuối cùng thay thế nguồn cung của Nga. Tuy nhiên, thị trường chưa biết rõ Đức có ký một thỏa thuận tương tự với Ả Rập Xê-út và có triển khai được hay không.

Ả Rập Xê-út có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ 8 thế giới, sau Nga, Iran và Qatar. Ả Rập Xê-út sản xuất rất nhiều khí đốt tự nhiên, nhưng cần khí đốt cho quá trình công nghiệp hóa trong nước. Ả Rập Xê-út đã là nhà sản xuất khí đốt lớn thứ chín thế giới nhưng nền kinh tế trong nước của Ả Rập Xê-út đòi hỏi một lượng lớn khí đốt để phát điện, khử muối trong nước và sản xuất công nghiệp.

Ả Rập Xê-út được nhiều nước ở phương Tây coi là đối tác thiết yếu do có nguồn năng lượng to lớn, là nước mua vũ khí và quan điểm cứng rắn với chương trình hạt nhân Iran. Cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm cho trữ lượng dầu và khí đốt của Ả Rập Xê-út càng trở nên quan trọng hơn đối với phương Tây./.

Thanh Bình