Phản ứng trái chiều về thỏa thuận giữa Mỹ và Đức liên quan đến Nord Stream 2

15:19 | 24/07/2021

|
(PetroTimes) - CNBC, Washington Post, DW, Reuters 22-23/7/2021 đưa tin việc Mỹ và Đức đạt thỏa thuận mang tính thỏa hiệp nhằm giải quyết tranh chấp liên quan đến dự án Dòng chảy Phương Bắc (Nord Stream 2), đã tạo ra một số phản ứng trái chiều ở cả châu Âu và Mỹ. Để góp phần thông tin đa chiều, chúng tôi xin phản ánh một số quan điểm chính giới và dư luận về thỏa thuận Mỹ-Đức liên quan đến Nord Stream 2.

Thỏa thuận là “một bước đi tốt”, “mang tính xây dựng”

Thủ tướng Đức Angela Merkel coi việc hoàn thành Nord Stream 2 là mục tiêu chính sách quan trọng trước khi kết thúc nhiệm kỳ tháng 9/2021. Bất chấp đe dọa trừng phạt của Mỹ, Nord Stream 2 đã gần như hoàn thành (98%). Sau chuyến thăm châu Âu của Tổng thống Mỹ Biden và chỉ vài ngày sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Đức Merkel, Mỹ và Đức đã đạt được thỏa hiệp về đường ống dẫn khí Nord Stream 2. Tối Thứ Tư, Thủ tướng Angela Merkel đã có cuộc nói chuyện điện thoại với Tổng thống Nga Putin.

Phản ứng trái chiều về thỏa thuận giữa Mỹ và Đức liên quan đến Nord Stream 2
Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng Đức Merkel tại Nhà Trắng ngày 15/7/2021. Ảnh: Văn phòng Báo chí Chính phủ Đức/Guido Bergmann/Getty Images News.

Phát biểu hôm Thứ Năm, Thủ tướng Đức Angela Merkel hoan nghênh thỏa thuận với Mỹ liên quan Nord Stream 2 như là một sự thỏa hiệp thực tế, là một "bước đi tốt" và cho biết “Phía Nga nói với tôi rằng họ không muốn sử dụng năng lượng làm vũ khí”. Bà khẳng định sẽ tin lời hứa của Nga, nhưng bổ sung thêm Đức “không thiếu khả năng tự vệ", trong bất kỳ trường hợp nào cũng có các lựa chọn trong tay, trong đó có các biện pháp trừng phạt. Thủ tướng Đức Merkel cũng coi thỏa thuận Mỹ-Đức là tích cực và có lợi đối với Ukraine vì đặt ra kế hoạch đầu tư vào quốc gia Đông Âu, tích cực đảm bảo rằng Moscow và Kyiv sẽ gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt.

Thủ tướng Đức Merkel ghi nhận rằng không phải tất cả các nước coi thỏa thuận này là tích cực và cho biết sự khác biệt vẫn còn, kể cả tại Quốc hội Mỹ.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas Đức khẳng định Đức và Mỹ đã tìm ra một giải pháp mang tính xây dựng về Nord Stream 2, và “cảm thấy nhẹ nhõm” với kết quả này. Ông cho biết Đức đã trở lại “cùng theo đuổi các mục tiêu và niềm tin chung với Hoa Kỳ về chính sách của Nga và chính sách năng lượng”, “sẽ hỗ trợ Ukraine trong việc xây dựng một ngành năng lượng xanh và cùng hợp tác để đảm bảo quá trình vận chuyển khí đốt qua Ukraine trong thập kỷ tới ".

Nghị sỹ Quốc hội Đức Roderich Kiesewetter cho rằng Mỹ "nên tin tưởng" vào cam kết của Berlin trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga trong trường hợp “sử dụng năng lượng làm vũ khí”. Người phát ngôn của Ủy ban Liên minh châu Âu (EU) cho biết: "Chúng tôi sẽ thảo luận điều này với các quốc gia EU và các nước láng giềng, bao gồm cả Ukraine", hoan nghênh cam kết của Đức trong việc áp dụng "tinh thần và văn bản luật năng lượng của EU" khi EU đang tìm kiếm sự độc lập năng lượng hơn.

Nga sẵn sàng thảo luận gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt với Ukraine sau năm 2024

Chính phủ Nga bác bỏ những đánh giá tiêu cực về Nord Stream 2, khẳng định Nga chưa bao giờ sử dụng năng lượng làm vũ khí chính trị. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết bất kỳ lời đe dọa trừng phạt nào chống lại Nga đều không thể "chấp nhận được".

Người Phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, sau cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Merkel và Tổng thống Putin, hai nhà lãnh đạo đều hài lòng với việc Nord Stream 2 sắp hoàn thành và nhấn mạnh: "Nga luôn và vẫn là người bảo đảm có trách nhiệm về an ninh năng lượng trên lục địa châu Âu, quy rộng hơn là toàn cầu ”, Tổng thống Nga Vladimir Putin đặc biệt ghi nhận cam kết nhất quán của phía Đức đối với việc thực hiện dự án Nord Stream 2, sẵn sàng thảo luận về phương án gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt với Ukraine sau năm 2024.

Các biện pháp trừng phạt sẽ không ngăn cản được Nord Stream 2

Thỏa thuận đã thể hiện sự thay đổi trong lập trường của Mỹ, vốn từ lâu phản đối dự án này. Chính quyền Biden cho rằng thỏa thuận là một thỏa hiệp đạt được với một đồng minh quan trọng của Mỹ. Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối nêu tên, phát biểu với phóng viên cho biết: "Trong khi chúng tôi vẫn phản đối đường ống dẫn khí này, chúng tôi đã đi đến nhận định rằng các biện pháp trừng phạt sẽ không thể ngăn chặn việc xây dựng của dự án và có nguy cơ làm suy yếu một liên minh quan trọng với Đức, cũng như với EU và các đồng minh châu Âu khác". Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết khi phối hợp thỏa thuận với Đức đã tham vấn chặt chẽ với Ukraine và Ba Lan, cũng như với các quốc gia khác có thể bị tổn hại bởi dự án này. Quan chức ngoại giao cấp cao Derek Chollet đã đến thăm cả Kyiv và Warsaw để thông báo về thỏa thuận Mỹ-Đức.

Nhà Trắng cũng cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng ngày 30/8 (giờ Mỹ, 31/8 giờ châu Âu).

Phản ứng trái chiều về thỏa thuận giữa Mỹ và Đức liên quan đến Nord Stream 2
Thỏa thuận giữa Mỹ và Đức liên quan đến Nord Stream 2 tạo ra phản ứng trái chiều. Ảnh: Nord Stream 2

Phóng viên Simon Young của Đài Đức DW đưa tin: “Những gì nghe được từ Washington là Tổng thống Joe Biden cho rằng việc phản đối Đức trong vấn đề cụ thể này không thực sự phục vụ lợi ích chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ trong quan hệ với châu Âu”.

Thỏa thuận chưa đủ làm “yên lòng” Ukraine, Ba Lan

Một số quốc gia Trung và Đông Âu, đặc biệt là Ukraine và Ba Lan, phản đối Nord Stream 2 với lập luận dự án “làm suy yếu an ninh năng lượng của châu Âu” và làm mất doanh thu của các quốc gia trung chuyển khí đốt của Nga. Thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Đức chưa đủ xoa dịu quan ngại của các nước này. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết Ukraine đã gửi Công hàm tới Brussels và Berlin đề nghị tham vấn, nói Nord Stream 2 "đe dọa an ninh của Ukraine". Bộ trưởng Ngoại giao hai nước Ukraine và Ba Lan có tuyên bố chung, cam kết “làm việc cùng nhau để phản đối Nord Stream 2”, “kêu gọi Hoa Kỳ và Đức xử lý một cách thỏa đáng cuộc khủng hoảng an ninh trong khu vực, mà người hưởng lợi duy nhất là Nga". Phản ứng riêng trên tweet, Bộ Ngoại giao Ba Lan cho rằng Nord Stream 2 là "một dự án chính trị đe dọa an ninh không chỉ của Ukraine mà còn của EU."

Phát biểu với phóng viên, Bộ trưởng Ukraine Kuleba nói thỏa thuận Mỹ-Đức quá yếu để đảm bảo Nga hành xử theo cách Kiev và phương Tây mong muốn, yêu cầu đàm phán với cả EU và Đức về Nord Stream 2. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết mong đợi một cuộc thảo luận "thẳng thắn và sôi nổi" với Tổng thống Mỹ Biden về Nord Stream 2 khi tới Washington.

Phản đối của một số chính trị gia quan điểm cứng rắn về Nga

Tại Quốc hội Mỹ, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ted Cruz cho rằng thỏa thuận sẽ là "một chiến thắng địa chính trị cho Putin và một thảm họa cho Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta". Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Jeanne Shaheen trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện không tin rằng thỏa thuận sẽ giảm thiểu tác động của dự án, mà đã "trao quyền cho Điện Kremlin lan rộng ảnh hưởng tiêu cực của họ ra khắp Đông Âu." Theo các Trợ lý trong Quốc hội Mỹ, Thượng nghị sỹ Cruz và một số Nghị sỹ Mỹ có quan điểm cứng rắn về Nga ở cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa, bày tỏ tức giận với Tổng thống Biden vì miễn trừ các lệnh trừng phạt do Quốc hội yêu cầu, đang tìm các cách để buộc chính quyền Biden phải có biện pháp trừng phạt.

Tại Đức, các thành viên hàng đầu của Đảng Xanh coi thỏa thuận là "một bước lùi trong việc bảo vệ khí hậu", "có lợi cho Putin và làm suy yếu Ukraine".

Quan điểm "lỗi thời "về nước Nga

Stephen Sestanovich, nghiên cứu viên cao cấp về Nga và Á-Âu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ cho rằng “hình ảnh về nước Nga với sự kìm hãm chính trị đối với các đồng minh của Mỹ đang trở nên lỗi thời”. Từ khi Nord Stream 2 được khởi công cho đến nay, thị trường năng lượng đã thay đổi, có rất nhiều nguồn năng lượng thay thế, Nga khó có thể “giữ các nước châu Âu làm con tin”.

Nord Stream 2 sẽ cung cấp khí đốt cho Đức với chi phí tương đối thấp khi năng lực sản xuất ở châu Âu giảm, dự kiến tăng gấp đôi khối lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu trực tiếp từ Nga sang Đức. Gazprom sở hữu 51% dự án, một nhóm các công ty năng lượng châu Âu, trong đó có Shell và Wintershall, chi trả một nửa chi phí trong 11 tỷ USD../.

Thanh Bình