Phân tích thị trường dầu mỏ toàn cầu tuần qua
![]() |
Thị trường tuần qua diễn biến phức tạp do chính sách thuế của Mỹ. Ảnh minh họa |
Thị trường sẽ phản ứng thế nào trước nguy cơ xung đột thương mại?
Giá dầu thô WTI đã bật tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, phục hồi từ mức thấp 55,12 USD hồi giữa tuần và từng chạm mốc cao nhất 63,34 USD vào thứ Năm, trước khi quay đầu giảm cuối phiên. Diễn biến này góp phần củng cố hai vùng kỹ thuật chủ chốt: Hỗ trợ tại 59,23 USD và kháng cự tại 63,70 USD – những ngưỡng có thể quyết định hướng đi tiếp theo của thị trường trong ngắn hạn.
Giá dầu WTI kỳ hạn đang giao dịch ở mức 60,41 USD/thùng, tăng 0,34 USD, tương đương +0,57%.
Dù phục hồi nhẹ vào cuối tuần, cả dầu Brent và dầu WTI vẫn đang trên đà ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp. Dầu Brent mất 3,5%, dầu WTI giảm 3% – nối tiếp đà lao dốc mạnh tới 11% hồi tuần trước. Việc dầu Brent rơi xuống dưới mốc 60 USD – mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021 – cho thấy tâm lý thị trường tiêu cực đang bao trùm, khi lo ngại về triển vọng kinh tế vĩ mô tiếp tục gây sức ép lên giá dầu.
Xung đột thương mại Mỹ - Trung đang định hình lại tâm lý thị trường dầu mỏ ra sao?
Thị trường dầu mỏ thời gian gần đây trở nên kém sôi động, phần lớn do căng thẳng leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới – Mỹ và Trung Quốc. Hôm thứ Năm, Washington bất ngờ nâng thuế nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc lên 145%. Bắc Kinh cũng không kém cạnh, lập tức đáp trả bằng mức thuế mới 125%, bắt đầu có hiệu lực từ thứ Bảy. Trong khi đó, Mỹ lại đang tạm hoãn áp thuế với các đối tác thương mại khác. Điều này khiến tâm lý thị trường bị chi phối mạnh bởi diễn biến đối đầu giữa hai cường quốc.
Giới đầu tư ngày càng lo ngại rằng, nếu xung đột thương mại kéo dài, dòng chảy thương mại toàn cầu và tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, từ đó kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu giảm mạnh. Ông Tamas Varga, chuyên gia tại PVM, nhận định: “Thị trường hiện tại đang bị chi phối bởi các chính sách thuế quan mới”, đồng thời cho rằng sự bất định trong chính sách đang làm lung lay niềm tin của giới đầu tư.
Nhu cầu giảm có đủ mạnh để lấn át yếu tố nguồn cung?
Báo cáo mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) càng làm thị trường thêm áp lực khi hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ cả trên phạm vi toàn cầu và trong nước, nguyên nhân chủ yếu cũng đến từ ảnh hưởng của thuế quan. Các chuyên gia tại BMI cũng đồng quan điểm, cho rằng nếu cuộc chiến thương mại tiếp diễn, giá dầu sẽ khó tăng trở lại.
Nỗi lo về nhu cầu yếu đi càng trở nên rõ ràng hơn khi Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới – được dự báo sẽ tăng trưởng chững lại trong năm 2025, theo khảo sát của Reuters. Ngân hàng ANZ cảnh báo rằng, nếu tăng trưởng GDP toàn cầu rơi xuống dưới ngưỡng 3%, nhu cầu tiêu thụ dầu có thể giảm tới 1%, từ đó tạo thêm áp lực lên giá dầu.
Triển vọng giá dầu: Áp lực giảm vẫn chiếm ưu thế
Mặc dù giá dầu có lúc bật tăng nhẹ sau khi chạm đáy gần đây, nhưng xu hướng chính của thị trường vẫn là giảm. Giá chưa thể vượt qua và duy trì trên mốc kháng cự 63,70 USD, trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô vẫn phủ bóng lên tâm lý nhà đầu tư. Nếu tình hình căng thẳng thương mại không có chuyển biến tích cực, xu hướng giảm giá dầu vẫn sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trong thời gian tới.
![]() |
![]() |
![]() |
Nh.Thạch
AFP