Phân tích kết quả đạt được tại COP27

09:28 | 22/11/2022

|
(PetroTimes) - Các phái đoàn tham dự Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 27 của Liên hợp quốc (COP27) vào sáng Chủ nhật 20/11 đã đạt được thỏa thuận cuối cùng, kêu gọi thành lập quỹ để giúp các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động của biến đổi khí hậu, nhưng không tăng cường nỗ lực chống lại các khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Phân tích kết quả đạt được tại COP27

Văn bản kêu gọi thành lập quỹ “tổn thất và thiệt hại” để giúp các nước đang phát triển đối phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã được thông qua sau các cuộc đàm phán căng thẳng kéo dài.

Tuy nhiên, quyết định lập quỹ sẽ chỉ được đưa ra vào năm tới khi “ủy ban chuyển tiếp” đưa ra khuyến nghị với các quốc gia tại COP28 diễn ra vào tháng 11/2023.

Các khuyến nghị này sẽ “xác định và mở rộng các nguồn tài chính”, đề cập đến việc quốc gia nào nên đóng góp vào quỹ mới.

Các quốc gia dễ bị tổn thương nhất đã coi việc khởi động quỹ là ưu tiên hàng đầu. Điều này làm kéo dài các cuộc tranh luận.

Như đã trình bày trước đó, theo yêu cầu của Ấn Độ và Liên minh châu Âu, thỏa thuận đạt được hôm 20/11 không nhằm mục đích giảm dần việc sử dụng “tất cả nhiên liệu hóa thạch”.

Tuy nhiên, thỏa thuận này kêu gọi các quốc gia hành động theo hướng “loại bỏ dần việc sử dụng than và bãi bỏ các khoản trợ cấp công không hiệu quả cho nhiên liệu hóa thạch” như đã nhất trí tại COP26 ở Glasgow.

Bộ trưởng Bộ Chuyển tiếp Năng lượng Pháp, bà Agnès Pannier-Runacher viết trên Twitter: “Thỏa thuận tại COP27 không đầy tham vọng như những người Pháp và châu Âu mong đợi”. “Nhưng nó bảo tồn điều cốt yếu: mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C”, bà Pannier-Runacher nói thêm.

Ông Frans Timmermans, người chịu trách nhiệm về chính sách khí hậu của Liên minh châu Âu, than thở: “Ngày nay, có quá nhiều bên chưa sẵn sàng tiến lên trong cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu”. Ông đánh giá rằng thỏa thuận này không tạo thành “một bước tiến đủ lớn cho con người và hành tinh”.

Phân tích kết quả đạt được tại COP27

Văn bản cuối cùng cũng đề cập đến “năng lượng phát thải thấp”, làm dấy lên lo ngại rằng nó sẽ mở ra cơ hội cho việc sử dụng ngày càng nhiều khí tự nhiên, vốn vẫn là một loại nhiên liệu hóa thạch thải ra CO2 và mêtan.

Bộ trưởng Bộ Khí hậu và Môi trường Na Uy, ông Espen Barth Eide cho biết: “Không cắt đứt hoàn toàn với Glasgow, nhưng COP27 không có tham vọng nào gia tăng cả”.

Hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai tuần được coi là phép thử đối với cam kết của cộng đồng quốc tế trong việc đấu tranh quyết liệt chống lại sự nóng lên toàn cầu, những vấn đề gần đây đã phần nào bị lu mờ bởi cuộc chiến ở châu Âu, sự hỗn loạn trên thị trường năng lượng và lạm phát tràn lan.

Các quốc đảo đối mặt với nguy cơ mực nước biển dâng cao đã thúc giục COP27 tìm kiếm một thỏa thuận về quỹ viện trợ, nhưng lấy làm tiếc vì thiếu tham vọng về giảm phát thải.

Bộ trưởng Bộ Khí hậu Maldives, bà Aminath Shauna phát biểu trước toàn thể: “Tôi ghi nhận những tiến bộ đạt được tại COP27 về việc thành lập quỹ. Nhưng chúng ta đã thất bại trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu. Chúng ta cần tham vọng hơn để đạt mức phát thải cao nhất vào năm 2025. Chúng ta cần thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch”.

Đặc phái viên về khí hậu của quần đảo Marshall, Kathy Jetnil-Kijiner cho biết bà rất vui vì đã đạt được thỏa thuận về quỹ. “Rất nhiều người đã nói rằng chúng tôi sẽ không đạt được thỏa thuận, tôi rất vui vì họ đã nhầm”, bà trả lời trong một email và nói thêm: “Tôi ước chúng ta cũng có lối thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch. Văn bản hiện tại là không đủ”.

Theo ông Laurent Fabius, Chủ tịch COP21 được tổ chức tại Pháp vào năm 2015: “Chúng ta đã đạt được một số tiến bộ về hậu quả nhưng lại bị đình trệ về nguyên nhân”.

COP27: Ấn Độ muốn cả thế giới cùng “loại bỏ dần” nhiên liệu hóa thạchCOP27: Ấn Độ muốn cả thế giới cùng “loại bỏ dần” nhiên liệu hóa thạch
Biến đổi khí hậu tác động như thế nào đến từng quốc gia trên thế giới?Biến đổi khí hậu tác động như thế nào đến từng quốc gia trên thế giới?
Ai Cập gần đạt được các thỏa thuận về dự án năng lượng mặt trời và gióAi Cập gần đạt được các thỏa thuận về dự án năng lượng mặt trời và gió

Nh.Thạch

AFP