Ông lớn dầu khí Nga muốn rót tiền vào dự án mới tại Việt Nam

09:48 | 16/03/2024

|
(PetroTimes) - Zarubezhneft EP Vietnam B.V. vừa gửi báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án “Kế hoạch phát triển mỏ Thiên Nga – Hải Âu, Lô 12/11” tới Bộ Tài Nguyên và Môi Trường.
Petrovietnam làm việc với Zarubezhneft về hệ thống “Trung tâm giám sát vận hành” cho lĩnh vực Dầu khíPetrovietnam làm việc với Zarubezhneft về hệ thống “Trung tâm giám sát vận hành” cho lĩnh vực Dầu khí
Tổng Giám đốc Petrovietnam tham dự Lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập và làm việc với Công ty dầu khí ZarubezhneftTổng Giám đốc Petrovietnam tham dự Lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập và làm việc với Công ty dầu khí Zarubezhneft
Ông lớn dầu khí Nga muốn rót tiền vào dự án mới tại Việt Nam
Khai thác dầu khí trên mỏ Bạch Hổ (Nguồn: Vietnam+)

Báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí mỏ Thiên Nga-Hải Âu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 467/QĐ-TTg ngày 14/04/2022. Theo đó tổng lượng khí tại chỗ ban đầu (cấp 2P) của mỏ Thiên Nga – Hải Âu là 10,03 tỉ m3 khí (354,21 tỷ bộ khối). Hầu hết trữ lượng khí tại chỗ thuộc hệ tầng Cau mỏ Thiên Nga và hệ tầng Dừa Giữa mỏ Hải Âu.

Tổng mức đầu tư của dự án là 8.544,7 tỷ đồng (tương đương 348,69 triệu USD). Trong đó bao gồm 2.664,3 tỷ đồng chi phí đầu tư giàn BK-TNHA; 2.547,2 tỷ đồng chi phí đầu tư giàn BK-TN; 797,6 là tỷ đồng chi phí đầu tư thiết bị trên giàn CPP Rồng Đôi; và 2.535,6 tỷ đồng cho đầu tư xây lắp đường ống.

Theo kế hoạch, dự án sẽ tiếp nhận dòng khí đầu tiên vào quý 4 năm 2026.

Sản lượng khí của mỏ Thiên Nga - Hải Âu dự báo sẽ tăng từ mức 149,6 triệu m3/năm năm 2025 lên mức đỉnh khoảng 620 triệu m3/năm vào năm 2026 và duy trì sản lượng trên 600 triệu m3 đến năm 2033. Mỏ Thiên Nga - Hải Âu cũng sẽ cung cấp condensate với sản lượng lớn nhất đạt 41,9 ngàn m3/năm vào năm 2032.

Tổng sản lượng của mỏ trong toàn chu kỳ khai thác từ 2025 đến 2047 dự kiến sẽ đạt hơn 7,43 tỷ mét khối khí đốt và 332,5 ngàn tấn condensate.

Ông lớn dầu khí Nga muốn rót tiền vào dự án mới tại Việt Nam
Vị trí dự án

Các sản phẩm của dự án sẽ được đưa về giàn CPP Rồng Đôi của mỏ Rồng Đôi- Rồng Đôi Tây Lô 11.2 để xử lý (hiện nay cũng do Zarubezhneft quản lý).

Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 1 tiếp nhận khí từ Lô 11.2, cùng với Lô 06.1 và các lô khác từ bồn trũng Nam Côn Sơn, để vận chuyển về bờ để cung cấp cho các nhà máy điện, đạm tại Bà Rịa –Vũng Tàu và Đồng Nai.

Hiện nay, sản lượng khí của các mỏ thuộc bồn trũng Nam Côn Sơn và bồn trũng Cửu Long đang suy giảm và dự báo sẽ giảm từ khoảng 4,66 tỷ bộ khối khí vào năm 2021 xuống còn 1,37 tỷ bộ khối khí vào năm 2025 và khoảng 0,7 tỷ bộ khối khí vào năm 2032. Do đó, đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 1 đủ khả năng tiếp nhận sản phẩm khí của mỏ Thiên Nga-Hải Âu để đưa về bờ.

Lô 12/11 có diện tích khoảng 5347,4 km2 (trừ phần diện tích hoạt động của công ty Premier Oil điều hành và phần diện tích hoàn trả sau khi kết thúc giai đoạn I của giai đoạn Tìm kiếm - Thăm dò), thuộc phần phía Tây của bể Nam Côn Sơn, cách thành phố Vũng Tàu 320 km về phía Đông Nam.

Năm 2010, Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro và Công ty Cổ phần (CTCP) Zarubezhneft đã nhận được lời mời thầu của Petrovietnam cho Hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí Lô 12/11 (PSC lô 12/11) sau khi được Công ty Premier Oil trả lại. Năm 2011, Viện NIPI - Vietsovpetro đã tiến hành đánh giá kinh tế kỹ thuật dự án Lô 12/11 cho CTCP Zarubezhneft. Sau kết quả đấu thầu, CTCP Zarubezhneft nhận được 100% cổ phần của PSC Lô 12/11 và giao cho Vietsovpetro làm Nhà điều hành. Tháng 6 năm 2023, Vietsovpetro đã ký chuyển giao Quyền điều hành cho Zarubezhneft EP Vietnam B.V. (Zarubezhneft).

Đỗ Khánh

Bộ Tài Nguyên Môi Trường