Những sự kiện nổi bật trên thị trường Năng lượng Quốc tế từ 22/3 - 27/3

09:03 | 27/03/2021

|
(PetroTimes) - Mỹ mua lượng dầu thô kỷ lục của Nga kể từ năm 2011; Nga muốn tăng gấp ba năng lực sản xuất LNG vào năm 2035; Ấn Độ đang mua dầu từ châu Mỹ để giảm dần sự phụ thuộc từ nguồn cung Trung Đông... là những điểm nhấn trên bức tranh thị trường năng lượng toàn cầu tuần qua.
Những sự kiện nổi bật trên thị trường Năng lượng Quốc tế từ 22/3 - 27/3

1. Số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) theo dõi cho thấy, năm 2020, Mỹ đã mua nhiều dầu thô nhất của Nga kể từ năm 2011, bất chấp quan hệ căng thẳng giữa hai quốc gia.

Các nhà máy lọc dầu của Mỹ được ghi nhận đã nạp 538.000 thùng dầu thô và sản phẩm dầu của Nga mỗi ngày, phá vỡ kỷ lục hàng thập kỷ.

Theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu hải quan và EIA, năm 2020, Nga trở thành nhà cung cấp dầu lớn thứ ba cho Mỹ, sau Canada và Mexico, vượt qua cả Ả Rập Xê-út, quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới. Tỷ trọng xuất khẩu dầu của Nga sang Mỹ hiện đang ở mức cao kỷ lục 7%.

2. Chính phủ Nga vừa phê duyệt chương trình phát triển dài hạn về khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của quốc gia này, dự kiến ​​năng lực sản xuất sẽ tăng gấp ba lần so với mức hiện tại lên 140 triệu tấn mỗi năm vào năm 2035.

Nhu cầu LNG toàn cầu dự kiến ​​tăng gần gấp đôi từ 360 triệu tấn năm ngoái lên 700 triệu tấn vào năm 2040, nhờ nhu cầu tiếp tục vững chắc từ châu Á và sự gia tăng sử dụng khí đốt để cung cấp năng lượng, Shell, nhà kinh doanh LNG lớn nhất cho biết trong Triển vọng LNG 2021 hàng năm vào tháng trước.

3. Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đang mua dầu thô ở Bắc và Nam Mỹ, trong bối cảnh nhà nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới đang tìm cách đa dạng hóa nhập khẩu dầu của mình và giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Đông.

HPCL-Mittal Energy Ltd của Ấn Độ, một liên doanh của Tập đoàn Dầu khí Hindustan do nhà nước điều hành đã mua lô hàng dầu thô đầu tiên từ Guyana. Trong khi đó, Mangalore Refinery and Petrochemicals Limited (MRPL) cũng đã đặt một lô hàng từ mỏ dầu Tupi của Brazil.

4. Các công ty dầu mỏ khổng lồ của Trung Quốc không tránh khỏi sự tàn phá của đại dịch Covid-19 làm suy giảm nhu cầu dầu trên toàn thế giới, với Tổng công ty Dầu khí Ngoài Khơi Trung Quốc (CNOOC) báo cáo lợi nhuận giảm 59% vào năm 2020.

Reuters trích dẫn hồ sơ của công ty trên Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông cho biết, CNOOC công bố lợi nhuận ròng đạt 24,96 tỷ nhân dân tệ (khoảng 3,82 tỷ USD) và doanh thu là 155,37 tỷ nhân dân tệ. Năm 2019, CNOOC đạt lợi nhuận ròng 61,05 tỷ nhân dân tệ.

5. Chính phủ Vương quốc Anh vừa tuyên bố sẽ bảo vệ tới 40.000 việc làm liên quan đến dầu khí ở Biển Bắc trong quá trình quốc gia này chuyển đổi sang nền kinh tế không có phát thải ròng, vốn sẽ liên quan đến việc sản xuất dầu và khí đốt bị thu hẹp.

Trong một tuyên bố, Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp Anh cho biết, thỏa thuận giữa chính phủ Vương quốc Anh và ngành dầu khí sẽ hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp và chuỗi cung ứng thông qua quá trình chuyển đổi này bằng cách khai thác các khả năng hiện có của ngành, cơ sở hạ tầng và tiềm năng đầu tư tư nhân để khai thác các công nghệ mới và đang nổi lên như sản xuất hydro, lưu trữ carbon...

Bình An