Những sự kiện nổi bật trên thị trường Năng lượng Quốc tế từ 19/7 - 24/7

15:22 | 24/07/2021

|
(PetroTimes) - Iran khánh thành cảng dầu chiến lược tại Vịnh Oman; Mỹ - Đức đạt thỏa thuận về Dự án Nord Stream-2; Saudi Aramco thừa nhận từng bị tin tặc tấn công... là những điểm nhấn trên bức tranh thị trường năng lượng toàn cầu tuần qua.
Những sự kiện nổi bật trên thị trường Năng lượng Quốc tế từ 19/7 - 24/7

1. Tổng thống sắp mãn nhiệm của Iran Hassan Rouhani ngày 22/7 đã chính thức khai trương bến cảng xuất khẩu dầu mới của nước này, được xây dựng để cho phép nước Cộng hòa Hồi giáo vận chuyển dầu thô mà không cần tàu chở dầu đi qua Eo biển Hormuz.

Giám đốc điều hành của Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran (NIOC), Masoud Karbasian hôm 20/7 cho biết việc bốc dỡ và xuất khẩu lô hàng dầu thô Iran đầu tiên từ cảng Jask sẽ diễn ra trong ngày 22/7, theo lệnh của Tổng thống Iran.

2. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 21/7 cho biết, nước này và Đức đã đạt được thỏa thuận về Dự án Đường ống Nord Stream-2, dọn đường cho việc hoàn thành đường ống dẫn khí đốt nối Nga - Đức.

Mỹ có một thỏa thuận cho phép Đức nhận các chuyến hàng khí đốt tự nhiên trực tiếp từ Nga thông qua đường ống Nord Stream 2 với khối lượng gấp đôi số lượng hiện tại.

3. Saudi Aramco ngày 21/7 thừa nhận từng bị tấn công mạng. Tin tặc đã đánh cắp 1 terabyte dữ liệu độc quyền của công ty và đang rao bán nó trên các trang web đen.

Gã khổng lồ dầu mỏ xác nhận với BleepingComputer rằng vụ tấn công mạng kể trên được thực hiện vào năm ngoái, không gây ảnh hưởng đến hoạt động của Saudi Aramco. Công ty dầu khí của Ả Rập Xê-út cũng nói rằng, vi phạm dữ liệu thuộc về các nhà thầu bên thứ ba, không phải trên hệ thống của Aramco.

4. Theo dự thảo kế hoạch chính sách năng lượng đến năm 2030, nhà nhập khảu LNG hàng đầu thế giới - Nhật Bản muốn nâng cao đáng kể tỷ trọng năng lượng tái tạo trong ngành điện và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Nhật Bản đặt mục tiêu có các nguồn năng lượng tái tạo chiếm từ 36% đến 38% sản lượng điện của đất nước vào cuối thập kỷ này. Mục tiêu trước đó là năng lượng tái tạo tạo ra từ 22% đến 24% tổng sản lượng điện của Nhật Bản vào năm 2030.

5. Theo Thời báo phố Wall, Mỹ đang xem xét việc kìm hãm hoạt động xuất khẩu dầu ngày càng tăng của Iran sang Trung Quốc như một công cụ để buộc Tehran phải ký kết một thỏa thuận hạt nhân.

Các cuộc đàm phán hạt nhân tại Vienna, Áo nhằm đưa Mỹ và Iran trở lại với thỏa thuận hạt nhân 2015 đã diễn ra trong nhiều tháng nay. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán hiện đang bị hoãn lại cho đến khi tân tổng thống của Iran Ebrahim Raisi chính thức lên nắm quyền.

Bình An