Những con số về dầu khí đáng chú ý trong tuần (11-17/12)

20:35 | 18/12/2023

|
(PetroTimes) - Châu Âu tăng cường nhập khẩu dầu diesel từ Mỹ, xuất khẩu dầu thô của Nga tăng vọt là những tin đáng chú ý nhất trong tuần qua.
Big Oil đánh thức COP28 khỏi giấc mộng chuyển đổi năng lượngBig Oil đánh thức COP28 khỏi giấc mộng chuyển đổi năng lượng
Làn sóng sáp nhập có thể đẩy cả ngành dầu khí Mỹ rơi vào tay những gã khổng lồLàn sóng sáp nhập có thể đẩy cả ngành dầu khí Mỹ rơi vào tay những gã khổng lồ
Những con số về dầu khí đáng chú ý trong tuần (11-17/12)
Ảnh minh họa

1, Mỹ đang trên đà xuất khẩu dầu diesel nhiều hơn sang châu Âu trong tháng này, trong khi lượng dầu diesel nhập khẩu của Lục địa già từ châu Á và Trung Đông đã giảm tính cho tới tháng 12.

Thực tế cho thấy, mong muốn của châu Âu là hoàn toàn thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu từ Nga, song nhu cầu của châu Âu đối với dầu diesel và gasoil nhập khẩu vẫn không giảm. Ước tính mức nhập khẩu sẽ tăng trong tháng này lên 290.000 thùng/ngày, theo ước tính sơ bộ của Kpler và được Bloomberg tổng hợp. Đây là mức nhập khẩu dầu diesel và dầu gasoil cao nhất kể từ tháng 7 năm 2018.

Xuất khẩu dầu diesel từ Bờ Vịnh Mỹ đã tăng vọt ngay sau khi mùa bảo trì nhà máy lọc dầu kết thúc. Nhưng tình trạng ùn ứ ở Kênh đào Panama đã tạo ra điểm nghẽn cho hoạt động xuất khẩu dầu diesel của Mỹ sang Mỹ Latinh - mở ra cơ hội xuất khẩu sang châu Âu, nơi đang tìm kiếm nguồn cung bổ sung.

2, Hãng Reuters dẫn nguồn tin giấu tên cho biết, Ả Rập Xê-út sẽ cung cấp đầy đủ khối lượng theo hợp đồng cho một số khách hàng Bắc Á vào tháng tới bất chấp việc cắt giảm kéo dài.

Thông báo này được đưa ra sau thông tin Aramco sẽ giảm giá dầu thô Arab Light hàng đầu của mình cho các khách hàng châu Á nhưng chỉ bằng một nửa so với mức giảm dự kiến. Điều này đã khiến một số nhà máy lọc dầu Trung Quốc đặt mua khối lượng thấp hơn trong tháng 1.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà nhập khẩu dầu từ Ả Rập Xê-út đều có đủ khả năng để làm điều đó, theo nguồn tin từ một nhà máy lọc dầu của Nhật Bản.

Nguồn tin cho hay: "Tôi tin rằng nhiều người có ý định giảm khối lượng mua. Nhưng không dễ để chúng tôi làm điều đó. Chúng tôi cần duy trì mối quan hệ tốt với Ả Rập Xê-út do lo ngại về an ninh năng lượng".

Tuần trước, Aramco đã hạ 0,5 USD/thùng đối với giá dầu Arab Light cho người mua châu Á lần đầu tiên sau 7 tháng.

3, Sản lượng dầu thô của Nigeria đã giảm xuống còn 1,4 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 11 năm 2023. Đây là dữ liệu từ Ủy ban Điều tiết Dầu mỏ Thượng nguồn Nigeria (NUPRC).

Dữ liệu cho thấy trong tháng 11, quốc gia này đã khai thác 1.466.185 thùng mỗi ngày, bao gồm cả khai thác condensate.

Trong khi đó, trong cuộc họp gần đây nhất của OPEC, Nigeria đã đưa ra yêu cầu nhóm này tăng hạn ngạch khai thác dầu thô của họ từ mức đề xuất 1,38 triệu thùng/ngày lên 1,5 triệu thùng/ngày trong năm 2024.

Hạn ngạch khai thác dầu thô của OPEC cho nước này năm 2023 là 1,78 triệu thùng mỗi ngày nhưng nước này không thể đáp ứng hạn ngạch nói trên do một loạt vấn đề; trộm cắp dầu thô, thiếu đầu tư vào dầu thô thượng nguồn và các thách thức liên quan khác.

4, Ấn Độ đã gia tăng đáng kể nhập khẩu dầu thô từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Điều này là do chiết khấu đối với nguồn cung dầu của Nga đã giảm và việc cắt giảm sản lượng từ Ả Rập Xê-út đã có hiệu lực. Tháng trước, Ấn Độ đã nhập khẩu 303.000 thùng dầu thô mỗi ngày (bpd) từ UAE, tăng 35,26% so với tháng 10, theo dữ liệu từ công ty theo dõi hàng hóa năng lượng Vortexa.

Sự gia tăng nhập khẩu dầu thô từ UAE diễn ra khi các nhà máy lọc dầu Ấn Độ phải đối mặt với những thách thức liên quan đến thanh toán khi mua dầu của Nga, khiến họ quay trở lại với các nhà cung cấp truyền thống ở Trung Đông.

5, Xuất khẩu dầu thô của Nga đã tăng vọt trong 4 tuần tính đến ngày 10/12, sau khi các cơn bão ở Biển Đen làm gián đoạn hoạt động nạp dầu vào tháng 11 lắng xuống, dữ liệu theo dõi tàu chở dầu do Bloomberg giám sát cho thấy.

Theo dữ liệu được báo cáo bởi Julian Lee của Bloomberg, xuất khẩu dầu thô của Nga từ tất cả các cảng của nước này đạt trung bình 3,2 triệu thùng/ngày trong 4 tuần tính đến ngày 10/12, tăng khoảng 114.000 thùng/ngày so với mức trung bình 4 tuần tính đến ngày 3/12.

Dữ liệu cho thấy các lô hàng hàng tuần, vốn biến động hơn nhiều và không đại diện cho xuất khẩu trung bình hàng tháng, đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 7 với việc tải hàng không bị gián đoạn tại cảng Biển Đen ở Nga trong tuần tính đến ngày 10/12.

Vào cuối tháng 11, hoạt động xuất khẩu dầu từ các cảng của Nga trên Biển Đen đã bị gián đoạn khi việc vận chuyển bị hạn chế do bão trong khu vực.

6, Các nước OPEC (trừ Iran, Libya và Venezuela) tham gia thỏa thuận OPEC+ đã giảm sản lượng dầu 140.000 thùng/ngày (bpd) vào tháng 11 năm 2023, xuống còn 22,751 triệu thùng/ngày, chủ yếu do cắt giảm sản lượng ở Angola và Iraq, Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết trong báo cáo của mình.

Theo báo cáo, 10 quốc gia OPEC trong thỏa thuận OPEC+ đã giảm sản lượng 1,273 triệu thùng/ngày từ tháng 10 năm 2022, xuống còn 25,416 triệu thùng/ngày. Trong tháng 11, khối lượng thực tế của các quốc gia này là 22,751 triệu thùng/ngày, thấp hơn 2,665 triệu thùng/ngày so với mức quy định trong thỏa thuận OPEC+.

Tuy nhiên, các thông số của thỏa thuận OPEC+ không tính đến việc cắt giảm sản lượng tự nguyện (sản lượng mà một số quốc gia OPEC+, trong đó có một số nước OPEC, sẽ tuân thủ từ tháng 5 năm 2023 đến cuối năm 2024). Tổng khối lượng cắt giảm này đạt 1,66 triệu bpd. Ngoài ra, Ả Rập Xê-út đang tiếp tục cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày từ tháng 7 cho đến hết quý 1 năm 2024.

7, Dữ liệu ngành cho thấy chính phủ Taliban ở Afghanistan đã tăng gấp đôi lượng mua khí LPG của Nga từ tháng 1 đến tháng 11, khi Nga chuyển hướng nguồn cung ra khỏi châu Âu do hậu quả chính trị từ cuộc xung đột Ukraine.

Năm ngoái, Afghanistan và Nga đã ký thỏa thuận cung cấp xăng, dầu diesel, khí đốt và lúa mì sau khi Moscow đưa ra đề nghị chiết khấu cho chính quyền Taliban so với mức giá trung bình trên toàn cầu.

Đây là thỏa thuận kinh tế lớn đầu tiên được biết đến của Taliban kể từ khi họ trở lại nắm quyền.

Theo dữ liệu của ngành, việc vận chuyển LPG của Nga đến Afghanistan bằng đường sắt từ tháng 1 đến tháng 11 đã vượt quá 176.000 tấn, cao hơn gấp đôi so với lượng giao hàng trong cùng kỳ năm 2022.

Yến Anh