Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 21/3/2023

21:22 | 21/03/2023

|
EU đề xuất gia hạn 1 năm biện pháp giảm nhu cầu sử dụng khí đốt; G7 chưa định đánh giá lại việc áp giá trần dầu mỏ của Nga; Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất của Nga… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 21/3/2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 21/3/2023
EC cho rằng việc tiếp tục giảm nhu cầu khí đốt là cần thiết . Ảnh: Energyintel

EU đề xuất gia hạn 1 năm biện pháp giảm nhu cầu sử dụng khí đốt

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 20/3 đã đề xuất các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) gia hạn 1 năm biện pháp khẩn cấp đang được áp dụng nhằm giảm nhu cầu sử dụng khí đốt để giúp châu Âu vượt qua mùa đông tới khi nguồn cung khí đốt từ Nga trở nên khan hiếm.

Châu Âu đã vượt qua mùa đông vừa qua nhưng EC cho rằng các nước EU nên gia hạn việc giảm 15% nhu cầu sử dụng khí đốt so với mức tiêu thụ trung bình trong giai đoạn 2017-2022 từ tháng 4 năm nay tới đến tháng 3/2024. Theo kế hoạch, biện pháp đang thực hiện sẽ hết hạn vào cuối tháng 3 này.

EC cho rằng việc tiếp tục giảm nhu cầu khí đốt là cần thiết nếu các quốc gia muốn lấp đầy 90% kho dự trữ khí đốt, mục tiêu mà các nước EU đã nhất trí hồi tháng 11/2022 để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt khí đốt vào mùa đông vừa qua. Dự kiến, các Bộ trưởng Năng lượng EU sẽ thảo luận về mục tiêu này tại cuộc họp diễn ra tại Brussels (Bỉ) vào ngày 28/3 tới.

G7 chưa định đánh giá lại việc áp giá trần dầu mỏ của Nga

Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhiều khả năng chưa xem xét lại mức áp giá trần đối với dầu mỏ xuất khẩu của Nga trong tuần này. Đây là thông tin do các quan chức của Liên minh châu Âu (EU) và G7 tiết lộ ngày 20/3.

Theo hãng tin Reuters, G7 dự kiến sẽ đánh giá lại vào giữa tháng 3 mức giá trần đối với dầu mỏ của Nga được đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, theo những nguồn tin trên, cuối tuần qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông báo với các đại sứ rằng G7 chưa muốn cân nhắc lại vấn đề này.

Một quan chức G7 giấu tên cho biết các thành viên luôn muốn bảo lưu quyền ủng hộ những điều chỉnh trong tương lai đối với các mức giá trần dầu mỏ để đáp ứng được những mục tiêu kép của nhóm, nếu các điều kiện thị trường và kinh tế được đảm bảo. Trong khi đó, một số nước EU đang tìm cách để G7 giảm tiếp mức giá trần với dầu mỏ của Nga nhằm hạn chế nguồn thu của Moskva.

Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất của Nga

Theo số liệu của hải quan Trung Quốc, tổng lượng khí đốt cung cấp qua đường ống cũng như LNG Nga cung cấp cho quốc gia châu Á trong tháng 1/2023 lên tới 2,7 tỷ m³, vượt xa các nhà cung cấp lớn khác - Turkmenistan và Qatar (mỗi nước 2,2 tỷ m³), Australia (1,9 tỷ m³).

Tháng 1/2023, tập đoàn độc quyền khí đốt Nga Gazprom đã vận chuyển gần 2 tỷ m³ khí đốt cho Trung Quốc thông qua tuyến đường ống Sức mạnh Siberia. Khối lượng LNG cung cấp là 770 triệu m3 (khoảng 8-9 lô hàng).

Tại Nga, lượng LNG lớn nhất được các nhà máy Sakhalin Energy (đồng sở hữu là Gazprom, Mitsui và Mitsubishi), cũng như Yamal LNG (NOVATEK, TotalEnergies, CNPC và SRF của Trung Quốc) sản xuất. Tất cả các nước cung cấp khí đốt ở Trung Á đang giảm xuất khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. Turkmenistan bán cho Trung Quốc 2,2 tỷ m³ khí đốt, mức thấp nhất trong trong 27 tháng qua.

Đức lo thiếu năng lượng mùa đông tới

Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn với Rheinische Post, người đứng đầu Cơ quan mạng lưới Liên bang Đức Klaus Mueller cho rằng, Berlin đã cố gắng tránh được một cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông này, nhưng có nguy cơ mùa sưởi ấm tiếp theo sẽ khó khăn hơn.

Theo ông Mueller, các cơ sở dự trữ khí đốt của Đức đang ở mức 64%. Ngay cả khi thời tiết trở lạnh trong vài tuần tới, nguồn cung cấp năng lượng của nước này cho phần còn lại của mùa sưởi ấm vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, ông cảnh báo, "không nên thư giãn, vì mọi thứ có thể khác vào mùa đông tới".

Ông giải thích: “Chúng ta không thể loại trừ khả năng thiếu khí đốt cho mùa đông tới. Các yếu tố rủi ro là mùa đông năm 2023-2024 sẽ rất lạnh, các hộ gia đình và công ty sẽ tiết kiệm quá ít, các kho cảng LNG sẽ không hoạt động như kế hoạch". Người đứng đầu Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức cũng chỉ ra một yếu tố rủi ro khác là việc không có nguồn cung năng lượng của Nga.

Australia đứng trước nguy cơ thiếu hụt khí đốt trong mùa đông 2023

Trong dự báo hàng năm về nguồn cung khí đốt, Cơ quan Điều hành Thị trường Năng lượng Australia (AEMO) đã cảnh báo rằng thời tiết khắc nghiệt trong mùa đông năm nay có thể khiến nước này rơi vào tình trạng thiếu khí đốt, đặc biệt là nếu không có sẵn than đá và các giải pháp thay thế để đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó, AEMO cũng dự báo về sự thiếu hụt nguồn cung dài hạn từ năm 2027.

AEMO chỉ ra rằng mặc dù ngành công nghiệp khí đốt đã cam kết đẩy mạnh sản xuất, nhưng nguồn cung khí đốt "già cỗi" ở miền Nam Australia đang thấp hơn nhiều so với nhu cầu dự kiến, dẫn đến rủi ro thiếu hụt khí đốt ở các bang miền Nam. Nguyên nhân một phần là do những hạn chế về tốc độ cung cấp khí đốt hỗ trợ của các đường ống từ bang Queensland đến miền Nam.

Mặc dù cảnh báo nguy cơ thiếu hụt khí đốt trong mùa Đông này, song AEMO cho biết nguồn cung cấp khí đốt giao ngay dự kiến sẽ "vẫn đầy đủ" cho đến năm 2027, nhưng cần phải đầu tư khẩn cấp để đảm bảo đủ nguồn cung cấp sau đó.

Theo AEMO, có một giải pháp tiềm năng cho vấn đề nguồn cung dài hạn, đó là thúc đẩy việc phát triển của đầu mối nhập khẩu tại Cảng Kembla, nơi có thể đóng vai trò là điểm cung cấp khí đốt cho miền Nam Australia.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 19/3/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 19/3/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 20/3/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 20/3/2023

H.T (t/h)