Nhiều thị trường rơi vào tình trạng thiếu hụt dầu thô

09:28 | 12/07/2020

|
(PetroTimes) - Thị trường được cho là đang thiếu hụt dầu Urals và dầu Arab Light do các nước xuất khẩu dầu tiếp tục mạnh tay cắt giảm sản lượng trong bối cảnh nhu cầu tại các thị trường tiêu thụ dầu chính như Trung Quốc và Bắc Á đang dần hồi phục.
nhieu thi truong roi vao tinh trang thieu hut dau tho

Theo đó, OPEC+ hồi tháng trước đã quyết định kéo dài thoả thuận cắt giảm sản lượng đến hết tháng 7 trong nỗ lực tái cân bằng các thị trường do nhu cầu tiêu thụ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Việc gia hạn thoả thuận sẽ giúp cắt giảm khoảng 10% sản lượng dầu thô thị trường với mức cắt giảm trong tháng 7 là 9,6 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, thị trường lại bắt đầu rơi vào tình trạng thiếu hụt các loại dầu thô quan trọng. Có nhiều dấu hiệu cho thấy, thị trường đang thiếu hụt dầu Urals và dầu Arab Light do các nước xuất khẩu dầu tiếp tục mạnh tay cắt giảm sản lượng, trong khi nhu cầu tại các thị trường tiêu thụ dầu chính như Trung Quốc và Bắc Á đang trên đà hồi phục.

Thực tế, sự thiếu hụt này đã dẫn đến dầu tăng giá. Giá các loại dầu thô chua khác cũng tăng trong khi nhu cầu dầu toàn cầu vẫn thấp hơn 10% so với mức bình thường.

Trước đây, dầu thô chua vừa mà Ả Rập Xê-út và các đồng minh OPEC cung cấp thường có giá rẻ hơn nhiều so với dầu thô ngọt nhẹ có hàm lượng lưu huỳnh thấp.

Được biết, hai quốc gia chuyên khai thác dầu thô chua vừa và nặng là Iran và Venezuela đều phải cắt giảm sản lượng do các lệnh trừng phạt của Mỹ và thiếu vốn đầu tư.

Bởi vậy, công ty dầu mỏ Aramco có thể tăng giá dầu mà họ bán cho các nhà máy lọc dầu trong ba tháng liên tiếp.

Dữ liệu từ sàn giao dịch CME cho thấy, thị trường dầu mỏ trong tương lai có những tín hiệu phục hồi tích cực.

Hồi tháng 5, các nước sản xuất dầu mỏ rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng khi các hợp đồng tương lai giao hàng vào tháng 6 chỉ bằng một nửa giá trị của hợp đồng tương lai tháng 1/2021. Song tình hình đã trở nên tươi sáng hơn khi giá dầu trong hợp đồng kì hạn giao tháng 8 đạt ngưỡng 40,9 USD/thùng so với mức 41,54 USD/thùng trong hợp đồng tương lai tháng 1/2020.

Bình An

Oilprice