Nhà sản xuất cáp điện lớn nhất Đài Loan đầu tư vào năng lượng gió ngoài khơi
Một trang trại điện gió ngoài khơi Đài Loan |
Nhà sản xuất thép không gỉ lớn nhất Đài Loan đang xây dựng cơ sở sản xuất cáp điện ngầm đầu tiên của hòn đảo này để phục vụ các trang trại điện gió ngoài khơi nhằm khai thác sự bùng nổ năng lượng tái tạo.
Walsin Lihwa, cũng là nhà sản xuất cáp điện trên mặt đất hàng đầu của Đài Loan, đang hợp tác với NKT Group, nhà cung cấp cáp điện hàng đầu của Đan Mạch, thông qua liên doanh mang tên Hệ thống cáp năng lượng Walsin.
Justin Wong, Giám đốc điều hành của Walsin Energy, nói với Nikkei Asia: “Chúng tôi tin rằng nguồn cung cáp địa phương là cực kỳ quan trọng cho các trang trại điện gió ngoài khơi mà Đài Loan đang xây dựng trong quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo”.
Ông nhận xét: “Ngành công nghiệp trên toàn thế giới đang chứng kiến sự thiếu hụt nguồn cung cáp khi nhu cầu tăng quá nhanh đối với điện gió ngoài khơi do sự thúc đẩy năng lượng xanh toàn cầu”.
Nhà máy đầu tiên, ở thành phố Cao Hùng phía nam Đài Loan, dự kiến bắt đầu sản xuất thử nghiệm vào nửa cuối năm 2025. Việc sản xuất hàng loạt sẽ sẵn sàng vào năm 2027. Với mục tiêu là giúp Đài Loan đạt được sự mở rộng công suất điện gió ngoài khơi từ mức 2,25 gigawatt hiện tại lên hơn 20 GW vào năm 2035.
Dây cáp dẫn điện dưới đáy biển. Hình minh họa |
Ông Wong cho biết Walsin Lihwa có hơn 50 năm kinh nghiệm cung cấp cáp điện trên mặt đất và ưu tiên hàng đầu của liên doanh là đáp ứng nhu cầu tại Đài Loan, một trong những thị trường năng lượng gió quan trọng nhất châu Á.
Giám đốc điều hành nói thêm rằng nhà máy Cao Hùng cũng có thể đóng vai trò là nền tảng để nắm bắt nhu cầu ở những nơi khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thập kỷ tới.
Ông tiếp tục: “Chúng tôi chắc chắn sẽ không loại trừ khả năng mở rộng để đáp ứng nhu cầu ở châu Á - Thái Bình Dương vì năng lượng tái tạo sẽ là thị trường trọng điểm trong những thập kỷ tới. Chúng tôi đã thảo luận với NKT về việc mở rộng sau này, nhưng hiện tại công ty chưa có kế hoạch cụ thể nào”.
Châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam, là một trong những động lực tăng trưởng hàng đầu thế giới đặt cược lớn vào các trang trại điện gió ngoài khơi, với cam kết đến năm 2050 sẽ đạt khoảng 263 GW. Con số này lớn hơn cam kết của Mỹ, theo công ty dữ liệu năng lượng TGS.
Ông Wong cho biết, với tầm quan trọng ngày càng tăng của an ninh năng lượng, ngày càng có nhiều trung tâm dữ liệu tốn điện được đưa vào hoạt động và có nhiều phương tiện điện khí hóa được sử dụng, nguồn cung cáp điện ngầm được sử dụng trong các trang trại gió ngoài khơi đang thiếu hụt.
Giám đốc điều hành nói thêm, điều này xảy ra bất chấp việc các nhà sản xuất ở châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản đang mở rộng công suất.
Cáp điện ngầm dưới nướctruyền tải điện từ các trang trại gió ngoài khơi trở lại mặt đất và phải cực kỳ bền bỉ. Những cáp này, có thể lên tới 10.000 tấn và được đặt trong môi trường khắc nghiệt. Vì vậy, chỉ một số ít công ty đủ điều kiện để trở thành nhà cung cấp cấp hàng đầu. Các công ty này bao gồm NKT, Nexans của Pháp và Prysmian của Ý.
Vị trí gần các cảng biển là rất quan trọng để triển khai hiệu quả về mặt chi phí, vì việc vận chuyển những dây cáp lớn như vậy qua đất liền là không khả thi.
Sự đột phá của Walsin Liwah vào lĩnh vực cáp điện ngầm dưới biển diễn ra khi Đài Loan thực hiện quá trình chuyển dịch lớn để loại bỏ dần năng lượng hạt nhân và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, vốn chiếm chưa đến 10% tổng nguồn cung cấp điện của hòn đảo vào năm 2023, theo Công ty điện lực Đài Loan thuộc sở hữu nhà nước. Nhiệt điện than và khí tự nhiên đóng góp hơn 80%.
Đảm bảo tiếp cận đủ năng lượng, đặc biệt là từ các nguồn tái tạo, là rất quan trọng để thu hút thêm các khoản đầu tư liên quan đến chất bán dẫn và máy chủ trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) đến Đài Loan. Tuy nhiên, hầu hết chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi đều do các công ty nước ngoài kiểm soát.
Ông Wong cho rằng thách thức chính trong việc xây dựng dây cáp điện dưới biển là thiếu nhân tài. Thực tế, Đài Loan không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Walsin Energy, do Walsin Lihwa kiểm soát 90%, đang hợp tác với NKT để cử nhân sự đến châu Âu đào tạo nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực ban đầu, dự kiến sẽ giúp lấp đầy nguồn nhân tài trong thời gian tới.
Ông cho biết công ty coi tất cả các nhà phát triển trang trại điện gió ngoài khơi tham gia vào các dự án ở Đài Loan đều là khách hàng tiềm năng, vì họ đều đang tìm kiếm nguồn cung trong nước phù hợp với chính sách thúc đẩy của Chính phủ Đài Loan.
Một số nhà phát triển trang trại điện gió ngoài khơi trong và ngoài nước - chẳng hạn như Orsted và Copenhagen Infrastructure Projects của Đan Mạch, WPD của Đức và Shinfox Energy của Đài Loan - đã tiết lộ ý định đầu tư thêm vào Đài Loan và đấu thầu các dự án bổ sung trong những năm tới.
Na Uy sử dụng thuế CO2 để đầu tư cho năng lượng gió ngoài khơi |
Kế hoạch năng lượng gió ngoài khơi mới của Mỹ |
Đức tăng tốc mở rộng sản xuất năng lượng gió ngoài khơi |
Nh.Thạch
AFP
- Ngành dầu khí chinh phục biên giới mới khi lựa chọn con đường đúng đắn cho vận hành từ xa
- Nỗi lo tràn dầu gia tăng khi tàu chở dầu từ chối sử dụng hoa tiêu của Đan Mạch
- Chuyển đổi số trong ngành dầu khí: Tận dụng công nghệ để tăng cường hiệu quả và thúc đẩy bền vững
- BP và NASA ký kết thỏa thuận nhằm thúc đẩy công nghệ năng lượng và không gian
- Malaysia triển khai mạng 5G tại cơ sở dầu khí của Petronas